Thỏa thuận phái cử lao động giữa Việt Nam và Thái Lan

(VOV5) - Đại sứ quán Việt Nam đang theo dõi sát việc hợp pháp hóa cho công dân để có hỗ trợ kịp thời cho công dân Việt Nam đang cư trú và làm việc tại Thái Lan.


Theo bản Thoả thuận về hợp tác phái cử và tiếp nhận lao động giữa Việt Nam và Thái Lan, trong thời gian tới, lao động Việt Nam sẽ sang làm việc tại nước này trong hai ngành nghề xây dựng và đánh bắt thủy hải sản. Đồng thời, những lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc theo con đường du lịch, thăm thân… có cơ hội được cấp phép để trở thành lao động hợp pháp, làm việc tại thị trường này. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về nội dung này.


Thỏa thuận phái cử lao động giữa Việt Nam và Thái Lan - ảnh 1
Ông Tống Hải Nam




Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:



Phóng viên:
Thưa ông, tháng 7/2015 Việt Nam và Thái Lan đã ký kết Bản thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động, xin ông cho biết từ đó đến nay việc hợp tác giữa 2 nước được thực hiện như thế nào?

Ông Tống Hải Nam: Ngày 23/7/2015, trong chuyến thăm chính thức Thái Lan, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đã thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan thay mặt Chính phủ Thái Lan đã ký kết Bản thỏa thuận về hợp tác lao động và thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc lẫn nhau. Ngay sau khi ký kết biên bản ghi nhớ và bản thỏa thuận ấy thì quan chức cấp kỹ thuật của 2 nước đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán, gặp gỡ. Đến tháng 4 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan đã dẫn đầu đoàn công tác Thái Lan sang làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về những nội dung nhằm có thể triển khai bản thỏa thuận trong thời gian sớm nhất.

Phóng viên: Như vậy là hai bên đã thống nhất về quy trình phái cửa lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc, vậy khi nào bản thỏa thuận hợp tác này được triển khai và những đơn vị nào sẽ được tham gia phái cử đưa lao động sang Thái Lan làm việc, thưa ông?

Ông Tống Hải Nam: Trong thời gian trước mắt, hai bên mới chỉ phối hợp với nhau để tuyển dụng lao động, đưa lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc trong 2 lĩnh vực xây dựng và đánh bắt thủy hải sản, nên số đơn vị đầu mối được phép tiến hành tuyển dụng và triển khai đưa lao động sang làm việc tại Thái Lan mới hạn chế. Chúng tôi cũng đề nghị phía Thái Lan trước mắt cho phép 10 đơn vị đầu mối được làm công tác này, bao gồm 4 đơn vị sự nghiệp là: Trung tâm lao động ngoài nước, thuộc (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Trung tâm dịch vụ lao động, thuộc (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình – Đây là ba địa phương mà hiện nay có nhiều công dân Việt Nam đi tự do sang Thái Lan để tìm kiếm việc làm. Bên cạnh 4 đơn vị này thì hiện nay có 5 doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện theo sự thống nhất giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Thái Lan. Đó là những doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc cung ứng lao động trpng 2 lĩnh vực là xây dựng và đánh bắt thủy hải sản từ trước đến nay gồm (SONA, TTLC, THINH LONG CORP, HOANG LONG HURESU, VIHATICO).

Phóng viên: Thưa ông, thực tế hiện nay có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan, nhưng đi theo con đường du lịch. Vậy khi bản thỏa thuận hợp tác này có hiệu lực thì những đối tượng này sẽ được xử lý như thế nào?

Ông Tống Hải Nam: Thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng của Thái Lan cũng như báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan thì hiện nay có vài chục nghìn người. Đấy là căn cứ vào nhập cảnh và không thấy xuất cảnh ra thì có khoảng 4 đến 5 chục nghìn công dân Việt Nam sang Thái Lan bằng con đường du lịch, thăm thân rồi ở lại tìm việc làm. Số đấy có thể gọi là lao động không chính thống. Theo quy định của Thái Lan, Thái Lan đã yêu cầu các công dân này phải đến đăng ký làm thủ tục hợp pháp hóa. Nếu ai có nguyện vọng ở lại làm việc trong các ngành nghề theo thỏa thuận được ký kết giữa hai bên thì có thể được ở lại làm việc trong thời hạn chỉ 1 năm kể từ sau khi đăng ký. Sau một năm sẽ phải làm thủ tục để hợp pháp chính thức theo đúng các ngành nghề mà ở đây là xây dựng và đánh bắt thủy hải sản. Hiện nay, chúng tôi cũng có nhiều động thái và Đại sứ quán Việt Nam đang theo dõi sát việc hợp pháp hóa cho công dân để có hỗ trợ kịp thời cho công dân Việt Nam đang cư trú và làm việc tại Thái Lan.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác