Thời khắc Sài Gòn giải phóng trong ký ức nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

(VOV5) - Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là một trong những nhà báo được chứng kiến thời khắc Sài Gòn sau khi giải phóng. Những ký ức trong ngày độc lập không phai mờ trong tâm trí ông.

 Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được tham gia từ những ngày đầu với tư cách là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam. Ông là một trong số những nhà báo may mắn có mặt tại Dinh Độc lập trưa 30/04/1975, giờ phút lịch sử Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất. Bài tường thuật đầu tiên về chiến thắng của nhà báo Trần Mai Hạnh có tên "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam, phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam trưa 01/05/1975. 

Thời khắc Sài Gòn giải phóng trong ký ức nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh - ảnh 1
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 


Phóng viên: Thưa nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, ngày 30/04/1975, ông là một trong những nhà báo được chứng kiến thời khắc Sài Gòn sau khi giải phóng. Vậy hình ảnh nào đậm nét nhất về thời khắc lịch sử ấy mà đến bây giờ ông vẫn không thể nào quên được? 

 Ông Trần Mai Hạnh: Phải nói rằng như một giấc mơ. Tôi vào Sài Gòn trưa 30/4, thực sự khung cảnh đó không bao giờ quên được. Một khung cảnh cực kỳ hoành tráng khi các xe tăng tiến vào, khi Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, khi lá cờ cách mạng được kéo lên trên Dinh Độc lập và những nhân chứng tôi phỏng vấn để viết bài tường thuật đầu tiên... ấn tượng sâu sắc với tôi. 


Thời khắc Sài Gòn giải phóng trong ký ức nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh - ảnh 2
Tác giả Trần Mai Hạnh ký tặng sách cho bạn đọc.

 

Phóng viên: Bài tường thuật về chiến thắng ngày 30/04/1975 của ông có đầu đề là "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng". Tại sao ông lại chọn cái tên này?

 Ông Trần Mai Hạnh: Phải nói đến bây giờ, thỉnh thoảng trở lại trong những giấc mơ chính là khung cảnh của bến Cảng Sài Gòn và nó liên quan đến đầu đề bài tường thuật. Đó là sau trưa 30/04 ở Dinh Độc lập, trước khi viết bài, tôi nảy ra ý nghĩ là phải ra bến cảng Sài Gòn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước xem ngày hôm nay giải phóng như thế nào. Và khi tôi ra Cảng Sài Gòn khoảng 1 giờ chiều 30/04 thì đúng lúc đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản bến cảng và dưới sông Sài Gòn mấy chiếc tàu hải quân của quân đội Sài Gòn bị trúng đạn pháo của quân giải phóng nổ tung, bốc cháy, khói cuộn mù mịt. Khung cảnh cực kỳ hoành tráng. Và trên bến, bà con rất đông, hàng trăm người ùa ra đón đoàn quân giải phóng, tay cầm cờ mặt trận, cờ đỏ sao vàng và nhiều bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đón. Trước mắt tôi là khung cảnh hoành tráng, rất xúc động. Vậy nên khi về trụ sở Việt tấn xã đặt bút viết bài tường thuật đầu tiên, vừa đặt bút thì hình ảnh bến cảng Sài Gòn hoành tráng hiện ra và tự nhiên dòng chữ "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" hiện lên và tôi viết, tôi dùng luôn dòng chữ đó là đầu đề bài viết. Lúc đó gọi tên là Sài Gòn chứ chưa ai gọi tên là thành phố Hồ Chí Minh cả. Hơn 1 năm sau, khi Quốc hội thống nhất ra nghị quyết thì mới đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh. Tên bài tường thuật không phải là "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng" mà là "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" vì nhiều sao vàng quá, cái tên đó bật ra chứ tôi cũng không chủ đích chọn, tự nhiên bật ra trong tâm trí tôi. Đấy là hình ảnh mà tôi nhớ mãi và nó quyết định đến cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". 

 Phóng viên: Quang cảnh Dinh Độc lập sau khi Sài Gòn được giải phóng khi đó như thế nào, thưa ông?

 Ông Trần Mai Hạnh: Quang cảnh Dinh Độc lập khi đó rất hoành tráng. Những chiếc xe tăng của quân giải phóng sau khi vào thì đều quay ngược nòng súng ra ngoài để bảo vệ Dinh. Ở ngoài, bà con kéo đến ngợp đường. Trong sân, các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa đầu hàng ngồi ủ rũ ở bậc ngoài sân chờ đợi vì họ chưa biết làm gì. Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đi đi lại lại ở ngoài sân, không ai bắt họ cả. Còn các chiến sỹ giải phóng thì tất bật, có những chiến sỹ vẫn ngồi trên xe tăng, cờ giải phóng tung bay và tôi tiến đến phỏng vấn từng người một. Khung cảnh đó tôi vẫn nhớ mãi. 

Phóng viên: Được có mặt tại Dinh Độc lập vào thời khắc lịch sử của dân tộc, ông có thể chia sẻ cảm xúc của ông khi đó như thế nào?

 Ông Trần Mai Hạnh: Cảm xúc của tôi lúc đó như vỡ òa bởi vì khát vọng hòa bình rất mãnh liệt. Từ năm 1965 đến năm 1975 làm phóng viên chiến trường ở Thông tấn xã Việt Nam, tôi đã đi khắp các mặt trận và ở cả mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng những ngày đấy, đối diện với sống chết hàng ngày hàng giờ nên khát vọng của bản thân mình về hòa bình rất lớn lao. Đến phút bấy giờ tự nhiên vỡ òa. Lúc đó tôi thấy từ nay hòa bình rồi, từ nay độc lập, thống nhất rồi, từ nay chiến tranh chấm dứt vĩnh viễn rồi, không còn bom rơi đạn nổ nữa, từ nay con người được sống trong hòa bình... cảm xúc rất mãnh liệt. Cuộc chiến tranh nào cũng hết sức thảm khốc, nhiều thương vong. Để có được ngày hòa bình, có biết bao chiến sỹ đã đổ máu, hy sinh, có những chiến sỹ đến ngưỡng cửa chiến thắng, ngưỡng cửa Sài Gòn, ngưỡng cửa chiến thắng vẫn còn hy sinh, sự hy sinh của những người lính là vô giá, sự hy sinh của biết bao con người mới có được chiến thắng đó.

Phóng viên: Xin cảm ơn nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh và những chia sẻ của ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác