Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh: "Can thiệp sớm sẽ giúp trẻ tự kỷ hòa nhập tốt hơn"

(VOV5) - Trung tâm phòng và kiểm dịch Hoa Kỳ (CDC) ước tính tỉ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ là một trong 68. Những nghiên cứu ở Châu Á, Châu Âu, và Bắc Mỹ chỉ ra tỉ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỉ lệ trung bình là 1% dân số.


Nghiên cứu ở Hàn Quốc báo cáo tỉ lệ này lên tới 2.6% dân số. Ở Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào về tỉ lệ tự kỷ trong toàn quốc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu ở các bệnh viện nhi trung ương chỉ ra tỉ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ đang tăng nhanh. Theo các chuyên gia, việc phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ. Về vấn đề này, phóng viên VOV5 phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, chuyên gia về giáo dục trẻ tự kỷ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh:
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh (áo đỏ) cùng các đồng nghiệp

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:



PV: Thưa TS Nguyễn Thị Thanh, là người rất tâm huyết với vấn đề nuôi dạy trẻ tự kỷ, bà có thể chia sẻ những thông tin về việc nhận biết cũng như các phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ, cụ thể là ở Việt Nam hiện nay?


TS Nguyễn Thị Thanh:
Đối với việc phát hiện trẻ tự kỷ, cần nhận biết một cách tinh tế so vối các trẻ bình thường. Ví dụ như các trẻ dưới 1 tuổi, thì biểu hiện thường là các bé rất ngoan, không quấy khóc và đòi hỏi cho nhu cầu của bản thân; hoặc dạng thứ 2 là các con quấy quá nhiều so với các bé bình thường. Còn đối với các bé sau 1 tuổi thì ít nhất là 16 tháng tuổi các con sẽ nói được từ đơn, nhưng các trẻ tự kỷ thì không sử dụng ngôn ngữ nói trong giao tiếp; con hay chơi một mình, không giao tiếp, hòa đồng với các bạn; các bé cũng có thể có những biểu hiện như hay đi nhón chân, hoặc chạy vòng tròn, chạy lăng xăng quá mức và thỉnh thoảng nói những từ không đúng ngữ cảnh, đồng thời không có khả năng giao tiếp mắt – mắt. Khi phát hiện ra con bị tự kỷ, cha mẹ cần bình tĩnh vì tự kỷ không phải là không chữa được. Nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì các con có thể chữa được và quay trở về cuộc sống bình thường. Nhưng để làm được điều đó, các con cần được phát hiện và chữa trị trong giai đoạn tuổi vàng là trước 3 tuổi.


PV: Như bà vừa nói, thì vai trò của các cô giáo mầm non là rất quan trọng trong việc phát hiện và hỗ trợ các gia đình có trẻ tự kỷ?


TS Nguyễn Thị Thanh:
Cha mẹ là những người gần gũi con nhất thì phải có sự tinh tế để phát hiện ra những bất thường của con. Và cô giáo khi nhận trẻ có những bất thường thì cần thông báo và hướng dẫn cho phụ huynh ngay để cùng tìm ra cách tốt nhất để chữa trị cho trẻ càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên hình thành mô hình phòng can thiệp sớm trong các trường mầm non, vì trong sự phát triển của trẻ em thì đều có những bé có sự phát triển lệch lạc. Như ở trường Mầm non thực hành Hoa Sen ở Giảng Võ, Hà Nội đã thành lập 3 phòng can thiệp sớm để hỗ trợ cho các bé có những biểu hiện gặp khó khăn và còn khiếm khuyết. Sau khi can thiệp kịp thời, các con sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường, hòa đồng cùng các bạn và có thể vươn tới việc học hòa nhập trên bậc tiểu học.



Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh:
Một buổi học của các bé ở trường mầm non Newstar, chuyên làm công tác can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ (số 32 ngõ 204 Trần Duy Hưng, Hà Nội)


Hiện nay ở Việt Nam có 3 mô hình can thiệp: giáo dục chuyên biệt, bán hòa nhập và hòa nhập. Mỗi đứa trẻ sẽ phù hợp với từng mô hình khác nhau. Ví dụ như đối với trẻ ở mức độ nặng và cần can thiệp thì cần tập trung can thiệp cho các con ở mô hình chuyên biệt. Sau khi con có các biểu hiện như biết nói, biết giao tiếp với mọi người xung quanh, biết tự phục bản thân… thì sẽ đưa con đến học hòa nhập ở các cơ sở mầm non. Trong quá trình học hòa nhập, con được học hòa đồng với các bạn. Ở môi trường bình thường, đó là môi trường chuẩn về những hành vi, ngôn ngữ và trí tuệ, đó là môi trường tốt để trẻ khắc phục và sửa chữa những khiếm khuyết của mình.


PV: Từ thực tiễn quá trình nuôi dạy trẻ tự kỷ, hỗ trợ các gia đình có trẻ tự kỷ trong suốt nhiều năm qua, bà có thể đưa ra sự so sánh giữa phương pháp can thiệp của Việt Nam so với thế giới?


TS Nguyễn Thị Thanh:
Ở Việt Nam tuy còn nghèo nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể tự hào trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ tự kỷ. Có nhiều trẻ tự kỷ đã phát triển tốt và thành công, ví dụ như bé Nem – một bé có thể vẽ tranh rất đẹp với những tưởng tượng phong phú, và các tác phẩm của con đã được đưa đến các phòng triển lãm cả ở trong nước và nước ngoài. Hay như bé Hiếu, bé My, các con có thể đánh được các bản nhạc dù chủ nhìn qua một lần… Trong một nghiên cứu của các chuyên gia nước Nhật khi nghiên cứu mô hình giáo dục hòa nhập tiểu học cho trẻ tự kỷ tại trường tiểu học Cầu Giấy, khi so sánh giữa các kết quả của 2 năm liên tiếp là 2014 và 2015, họ đã rất ngạc nhiên về sự phát triển vượt bậc và nhanh của các trẻ tự kỷ ở Việt Nam. Một số chuyên gia trên thế giới cũng nhận thấy Việt Nam có cách làm khác biệt so với các nước trên thế giới. Ví dụ như một giáo viên can thiệp ở Việt Nam sẽ phụ trách tất cả về trẻ, trong khi ở nước ngoài có giáo viên trị liệu vận động riêng, giáo viên trị liệu ngôn ngữ riêng, giáo viên trị liệu hành vi riêng, giáo viên trị liệu cảm giác riêng… Ở Việt Nam, một giáo viên làm tất cả những phần đó, dù cũng có những bất cập nhưng lại có ưu điểm là giáo viên sẽ hiểu toàn bộ đứa trẻ, và trách nhiệm gắn vào một người sẽ khác khi trách nhiệm san ra nhiều người. Một điều nữa, ở Việt Nam trẻ tự kỷ chưa được xếp là trẻ khuyết tật nên cũng có những khó khăn cho các cha mẹ có con bị tự kỷ. Theo tôi Nhà nước cần nghiên cứu để đưa trẻ tự kỷ thành một dạng khuyết tật để các con có cơ hội và hỗ trợ trong việc nuôi dưỡng và giáo dục. Khi các con tự kỷ đi học hòa nhập, thì có một điều tự hào là đất nước Việt Nam có truyền thống về giá trị nhân văn, nên khi các con bước vào môi trường giáo dục hòa nhập thì các con cũng được đón nhận tình cảm từ các bạn bình thường cũng như các bố mẹ bình thường, cùng nhau hỗ trợ cho trẻ vươn lên hòa nhập cộng đồng.


PV: Xin cảm ơn TS Nguyễn Thị Thanh đã tham gia trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác