Dệt may Việt Nam dần chiếm lĩnh thị phần trong nước

(VOV5) - Thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 5 năm qua, các sản phẩm may mặc của Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng trong nước. Cùng với những kết quả đáng khích lệ từ cuộc vận động, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực đầu tư cho sản xuất, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị phần.


Dệt may Việt Nam dần chiếm lĩnh thị phần trong nước - ảnh 1
Nhiều sản phẩm hàng may mặc Việt Nam được người tiêu ưa chuộng.


 Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký kết vào cuối năm nay mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu dệt may Việt Nam. Bên cạnh tăng cường thị trưởng xuất khẩu, dệt may Việt Nam cũng đang có bước chuyển quan trọng trong việc dần chiếm lĩnh thị phần, thị trường trong nước. Doanh thu nội địa trong 6 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2013 và ước tính trong năm nay doanh thu nội địa tăng 6,3% so với năm ngoái, đạt khoảng 22.200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết: phát triển thị trường nội địa tiếp tục là chiến lược quan trọng của Vinatex: “Liên tục trong 10 năm qua, Tập đoàn dệt may Việt nam luôn quan tâm đến  thị trường nội địa, bởi chúng tôi hiểu rằng muốn chiếm lĩnh một thị trường, muốn tạo nên một nếp tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam nói chung và hàng dệt may của Vinatex nói riêng thì cần có thời gian để người tiêu dùng quen với nó, lựa chọn và và trở nên trung thành với nó, cho nên dù cho thị trường trong nước 2-3 năm qua có nhiều khó khăn, sức cầu suy giảm thì chúng tôi vẫn liên tục duy trì liên tục hệ thống siêu thị của Tập đoàn như việc mở rộng hệ thống các cửa hàng chuyên dụng theo từng thương hiệu của các doanh nghiệp lớn như: Việt Tiến, May 10, Nhà Bè.. và chính hệ thống này đã nâng đỡ chung cho toàn bộ hệ thống phân phối trong nước của Tập đoàn Dệt may Việt Nam”.  

Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên đang tích cực mở rộng và phát triển thị trường nội địa. Với trên 4 nghìn cửa hàng, đại lý, phân phối 60 nghìn mặt hàng với tỷ lệ 100% hàng Việt Nam, các sản phẩm may mặc nội ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Toàn ngành đã mở rộng kênh phân phối, với hơn 50 cửa hàng Vinatex Mart tại 34 tỉnh, thành khắp cả nước, giúp việc quảng bá hàng dệt may Việt đến với người dân hiệu quả hơn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các đơn vị thành viên Tập đoàn cũng đã mở rộng đầu tư, phát triển và quảng bá các thương hiệu mới như Grusz (Tổng Công ty May 10), Merriman (Tổng Công ty Hòa Thọ), Mattana (Tổng Công ty Nhà Bè)… và cho ra đời một số nhãn hàng thời trang cao cấp, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn đối với sản phẩm dệt may Việt Nam chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết:  “Chúng tôi đặt người tiêu dùng vào trung tâm phục vụ. Cụ thể là chúng tôi trả công cho những dây chuyền sản xuất hàng nội địa cao gấp 1,5 lần so với hàng xuất khẩu và chúng tôi thực hiện theo đúng tiêu chí những hàng gì tốt nhất thì phải dành cho người Việt Nam. Có như vậy thì chúng tôi mới đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng Việt Nam”.

Bên cạnh những nỗ lực của từng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, coi trọng thị trường nội địa thì kết quả  sau 5 năm tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của các doanh nghiệp dệt may cũng làm thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng trong nước. Với nhiều người dân, việc lựa chọn ưu tiên các mặt hàng Việt Nam, nhất là hàng dệt may mang thương hiệu Việt Nam đã trở thành thói quen. Anh Cao Hải Phong, khách hàng ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ:        “Tôi sử dụng sản phẩm áo sơ mi của Việt Tiến rất lâu rồi. Những thương hiệu dệt may nổi tiếng của Việt Nam như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè có chất lượng khá tốt, mẫu mã dần cải thiện. Hy vọng là thời gian tới giá của các sản phẩm này có thể giảm xuống để nhiều người tiêu dùng có thể được sử dụng sản phẩm này”.

Thời gian tới đây, các doanh nghiệp trong Tập đoàn dệt may Việt Nam vẫn giữ  vững định hướng coi trọng thị trường nội địa, phát triển đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn dệt may tiếp tục tăng cường tổ chức các chuyến hàng lưu động về nông thôn, phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… và coi đây là giải pháp hữu hiệu để người dân tiếp cận với hàng Việt./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác