Tỉnh Bình Định đóng tàu vỏ thép giúp ngư dân vươn khơi bám biển

(VOV5) - Từ nay đến năm 2017, tỉnh Bình Định sẽ đóng mới 27 tàu vỏ thép để vươn khơi với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép và nâng số lượng tàu công suất lớn tăng hiệu quả trong khai thác hải sản xa bờ.

Tỉnh Bình Định đóng tàu vỏ thép giúp ngư dân vươn khơi bám biển - ảnh 1
Ngư dân đang mong chờ những tàu vỏ thép để vươn khơi, bám biển. Ảnh: anninhthudo.vn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Vừa trở về từ vùng biển Trường Sa, hàng trăm ngư dân, chủ tàu cá ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đang tập trung tìm hiểu về chủ trương, chính sách cũng như các thiết kế về tàu vỏ sắt do Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam giới thiệu. Có 6 mẫu tàu vỏ thép được giới thiệu cho các nghề khác nhau, như: tàu câu mực, tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới vây, tàu hậu cần…Kinh phí đóng tàu vỏ thép có giá từ 6 đến 10 tỷ đồng. Ông Phan Trung Nghiệp, chủ tàu cá xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cho rằng tàu vỏ thép sẽ hiệu quả hơn nhiều vì mức độ an toàn, thời gian bám biển dài hơn, giảm chi phí mỗi chuyến biển. Ông Nghiệp cũng nêu ý kiến rằng thiết kế tàu vỏ thép phải theo kinh nghiệm biển của ngư dân: “Cơ sở đóng kết hợp với chủ tàu họp ý lại với nhau để trao đổi, rút kinh nghiệm. Ví dụ chúng tôi thường thường trải bên sườn ra nó sẽ giảm bớt lượng sóng mà bây giờ tàu thép bên sườn nó hơi hẹp lại cho nên đề nghị phải mở ra, tránh tình trạng chao đảo.”

Hầu hết ngư dân đều mong muốn được đóng tàu vỏ thép thay cho tàu vỏ gỗ truyền thống lâu nay. So với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ thép có độ bền và tuổi thọ cao gấp nhiều lần, lại mang hình dáng có lợi để giảm sức cản khi vận hành nên có tốc độ cao hơn, nhiên liệu tiết kiệm hơn. Với kết cấu được hàn chắc chắn, tàu vỏ thép chịu được va đập cao. Thân tàu được chia thành các khoang kín nước riêng biệt nên mang được nhiều nguyên liệu và nước ngọt hơn, đồng thời khi bị ngập một khoang bất kỳ tàu vẫn an toàn trên biển. Các khoang lạnh được thi công đúng tiêu chuẩn giúp bảo quản hải sản với chất lượng tốt, tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, tàu vỏ thép có khả năng chịu sóng gió cao đến cấp 9 trong khi vỏ gỗ chỉ chịu được cấp 6, 7. Theo ý kiến của phần lớn ngư dân, chi phí đóng mỗi con tàu không phải là vấn đề đáng lo ngại, bởi đã có sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Điều mà bà con quan tâm chính là thiết kế con tàu như thế nào cho phù hợp với từng ngành nghề, độ an toàn cao, máy móc trang bị trên tàu... Đặc biệt, nhiều ngư dân mong muốn Chính phủ có chính sách giảm hoặc miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho mỗi con tàu. Ngư dân Lê Văn Giới nêu ý kiến: “Mỗi con tàu trị giá 6,8 tỷ thì 10% thuế VAT là 680 triệu. Thì 680 triệu đó người ta sẽ làm được 1 dàn lưới vây rút chì mới nhất hoặc là giàn mành chụp. Mong Chính phủ giúp cho dân. Bộ Tài chính can thiệp để giảm 10% thuế cho dân mới là điều đúng. Người dân có tiền đó để sắm thêm ngư cụ.”

Hiện toàn tỉnh Bình Định có hơn 2.500 tàu đánh bắt xa bờ với sản lượng từ 180.000 đến 200.000 tấn hải sản mỗi năm, trong đó có khoảng 10.000 tấn cá ngừ đại dương. Việc tỉnh Bình Định hợp tác cùng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân sẽ góp phần bảo đảm cho việc đánh bắt đạt sản lượng, chất lượng cao, đồng thời giúp ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã phối hợp với các ngư dân địa phương chủ động xây dựng các mẫu tàu đánh cá vỏ thép theo tiêu chí vừa phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân, vừa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn với chi phí đầu tư thấp nhất. Ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cho biết: Tổng Công ty đang ghi nhận ý kiến của ngư dân và sẽ phối hợp với các địa phương miền Trung để cùng thiết kế các mẫu tàu phù hợp: “Đến nay chúng tôi đã thiết kế được 6 mẫu tàu, trong đó chúng tôi đã triển khai đóng mới 3 mẫu, mỗi mẫu 2 tàu. Đến thời điểm này chúng tôi đã bàn giao được 3 tàu trong 6 tàu đang tiến hành đóng. Sau mỗi chuyến biển thì cán bộ kỹ thuật chúng tôi sẽ xuống cùng với ngư dân đánh giá để tìm ra những ưu, khuyết điểm để chúng ta có thể điều chỉnh mẫu thiết kế. Mục tiêu chúng tôi là tìm ra những mẫu thiết kế phù hợp nhất cho từng loại hình đánh bắt, từng tập quán khai thác của từng vùng miền của ngư dân.”   

Những con tàu vỏ thép hiện đại sẽ không chỉ bảo vệ ngư dân trước hiểm họa thiên nhiên mà còn giúp tăng năng suất đánh bắt, nâng cao chất lượng bảo quản thủy sản… Nhờ đó, ngư dân sẽ càng quyết tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt xa bờ, để vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác