Một món ăn tạo nên thương hiệu của người Việt giữa lòng Châu Âu

(VOV5) - Quán bún ngan mang tên Dũng Liên đã làm tốn không ít giấy mực của các tờ báo nước sở tại bởi sự đặc trưng tinh túy của ẩm thực do người Việt Nam chế biến.


Từ lâu các nhà hàng và quán ăn trong trung tâm Thương mại Sapa của người Việt tại thủ đô Praha đã không chỉ góp phần làm phong phú thêm nét ẩm thực vốn đa dạng của một thủ đô rất đẹp và lãng mạn mà còn tạo ra một thương hiệu thuần Việt nổi tiếng khiến thực khách đến từ khắp nơi trên thế giới mê mẩn. Quán ngan của gia đình anh Dũng, chị Liên là một trong những điểm hẹn của nhiều thực khách.



Một món ăn tạo nên thương hiệu của người Việt giữa lòng Châu Âu - ảnh 1
Quán ngan của anh chị Dũng Liên



Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Đến Trung tâm thương mại Sapa, thực khách có thể tìm thấy món bún Huế, bánh cuốn, các kiểu cơm và rất nhiều loại phở, đặc biệt là món bún ăn với thịt ngan nướng mà quán anh Dũng, chị Liên là một trong những điểm hẹn của nhiều thực khách.

Trong hối hả của cuộc sống hôm nay, giây phút được ngồi để ăn một bữa tạm đàng hoàng trong lúc đi lấy hàng ở các trung tâm thương mại quả là rất hiếm. Ai cũng vội, cũng khẩn trương nên việc mồm ăn, chân chạy là chuyện thường thấy. Một gói xôi ngô, một chiếc bánh bao và cả chiếc bánh mỳ kẹp thịt. Quả là đúng với thời buổi bây giờ. Nhìn sự tất bật của người Việt tại Cộng hòa Séc, anh bạn tôi, một kiến trúc sư từng sống ở Mỹ nhiều năm, đã phải thốt ra rằng: “Có lẽ chỉ người Việt ở Séc mới phát huy hết sự cần cù dẻo dai của dân tộc Việt”. Rồi anh lại ngạc nhiên khi cùng tôi đến nhà hàng Dũng Liên ăn món ngan luộc. Thấy người ta đứng xếp hàng chờ đến lượt có bàn để ăn rồi chờ thanh toán tiền anh mới đập vai tôi mà rằng: “Cảnh này lâu rồi tôi không thấy ông ơi, ở bên kia đâu có. Trời đất quán gì mà như thời bao cấp vậy, nhìn đã quá”. Tôi cười bảo anh hãy ngồi vào bàn để thưởng thức những gì đã làm nên thương hiệu khiến các thượng đế kia phải dứt thời gian vàng ngọc tuân thủ đứng xếp hàng. Nhiều nhà hoạt động xã hội, ca sĩ nổi tiếng của Cộng hòa Séc đã đến đây và chưa có ai đủ can đảm nói một lời dứt khoát rằng sẽ không quay lại.


Một món ăn tạo nên thương hiệu của người Việt giữa lòng Châu Âu - ảnh 2
Anh chị Dũng Liên


Từ lúc còn công tác tại Cục quản lý Bộ lao động rồi tham gia văn phòng đại diện Bộ lao động tại Cộng hòa Séc, bạn bè thân quen đã biết đến tài chế biến món ăn, đặc biệt là món chả nướng của anh Dũng. Vốn tính xởi lởi lại tuân thủ theo nếp sống trọng nghĩa, trọng tình nên việc vào bếp để phục vụ bạn bè khi có dịp, được anh coi như niềm vui. Mỗi lần như vậy bạn bè ở đủ lứa tuổi, đủ vùng miền họ góp ý để anh rút ra công thức pha chế, tẩm ướp cho riêng mình. Mọi người khuyên anh nên mở nhà hàng với đặc sản này. Cũng trăn trở, đắn đo bởi làm cho một nhóm người ăn khác hơn việc phục vụ cho cộng đồng. Được sự động viên hỗ trợ của vợ anh quyết định thử sức. Bắt đầu bằng chả nướng. Khi được người ăn chấp nhận món chả nướng từ thịt lợn anh mới nghĩ về món ruột của mình ấy là ngan luộc và nướng. Khi tìm được nguồn cung cấp, anh thuê một trang trại để thuần chủng lại giống ngan vốn được nuôi bằng phương pháp công nghiệp đến khi lượng mỡ béo đã giảm, ngan chắc lại, lúc đó mới đem về thịt. Điều đó lý giải vì sao thịt luộc trong quán của anh phần nạc dầy và không có lớp mỡ dưới da.

Thịt ngan được nhiều người biết đến như một món ăn lành và giàu dinh dưỡng. Ngoài tác dụng điều hòa ngũ tạng, lợi thủy, trừ nhiệt ra nó còn có tác dụng trấn định tâm thần. Hiểu như thế để thấy trong thế giới bao la ẩm thực, chọn một món ăn vừa ngon, vừa giúp cho sức khỏe tốt là điều cần quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh các loại thực phẩm chế biến từ gia cầm đều ít nhiều bị ảnh hưởng từ cơ chế thị trường. Đang giảng giải cho anh bạn sinh ra và lớn lên ở miền nam hiểu thêm về món ngan luộc đã thấy người phục vụ mang ra đĩa thịt bày rất đẹp. Một đĩa bún, bát nước chấm pha tỏi, ít rau thơm và một bát canh măng. Lấy miếng thịt thái vừa đủ miếng, lựa chấm cho đều vào bát xì dầu, cho thêm tí ớt cay, một cọng rau húng rồi từ từ nhai. Nước từ miếng thịt chắt ra ngọt lịm, cộng hưởng với chút cay của ớt, thơm của húng tạo nên sự khoái khẩu đến bần thần của món ăn này. Anh Dũng tiết lộ: "Để cho miếng chả giữ được vị thơm ngọt của thịt ngan, sau khi tẩm ướp gia vị cần phải được nướng trên bếp than hoa. Chả ngan có thể ăn kèm với bún tươi hoặc chấm nước mắm ớt tỏi được pha chế đặc biệt. Thực khách có thể chọn thêm món ngan luộc ăn với bún và canh măng. Canh măng phải có vị ngọt của xương ngan. Như vậy, với đĩa chả ngan nướng hoặc luộc và một bát canh ăn cùng với bún, thực khách đã có một bữa ăn ngon miệng, mang đậm hương vị Việt Nam”.

Nhiều năm trôi qua, quán bún ngan mang tên Dũng Liên đã làm tốn không ít giấy mực của các tờ báo nước sở tại bởi sự đặc trưng tinh túy của ẩm thực do người Việt Nam chế biến. Điều đó lý giải vì sao, trong các tua du lịch, mỗi khi có dịp đến thăm quan Praha, quán của anh chị lại trở thành địa chỉ để các hãng lữ hành giới thiệu điểm ẩm thực không thể bỏ qua cho khách hàng của mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác