"Mưu sinh": Muôn nỗi thân phận Việt trên đất khách

(VOV5)- Tác phẩm “Mưu Sinh” của tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng được kết cấu theo dòng thời gian suốt những năm cuối cùng của thế kỷ XX và những năm khởi đầu của thế kỷ XXI, về những thân phận người Việt ở LB Nga. Đài TNVN xin giới thiệu những lời tự bạch của tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhân dịp chuẩn bị ra mắt tác phẩm này tại Thư viện Hà Nội (thứ 6 -27/03/2015).

Lưng chừng đời ngoái lại, dưới góc độ của một người cầm bút sống ở Liên bang Nga, gạt sang một bên những đắng cay, mất mát; tôi nhận thấy dẫu sao số phận cũng ngẫu nhiên ban cho mình những điều có thể gọi là may mắn.

Đầu những năm chín mươi, tôi xót xa chứng kiến sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết; được tận mắt nhìn thấy sự chuyển biến của nước Nga mới bước sang chế độ dân chủ và kinh tế thị trường; được sống trong dòng xoáy hỗn mang của “một thời đang đảo lộn và đang được sắp xếp lại”; được rong ruổi hầu khắp trên hầu hết các vùng miền của đất nước Nga bao la rộng lớn.

Tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với những người Nga nhiều thế hệ, nhiều thứ bậc, từ những người nông dân chất phác, đến những doanh nhân; từ những công chức bình thường đến những trinovnhik, quan chức mới cao cấp; từ những sinh viên đến những học Nga giả nổi tiếng.

Thế hệ chúng tôi, những người sống ở Nga từ những năm tám mươi, chín mươi thế kỷ trước, là chứng nhân của sự hình thành, ra đời của cộng đồng người Việt, một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở Liên bang Nga, dạt trôi, co cụm, tồn tại và bắt mầm, bén rễ.

Ý định viết về tất cả những điều đó đã được nhen nhóm trong tôi từ khá lâu. Sau khi hai tác phẩm thơ được ra đời năm 1995 và 1996 tại Nhà Xuất bản Văn học Hà Nội, tôi cho ra mắt tập Truyện Ký đầu tiên in tại Matxcơva:  “Matxcơva thời mở cửa”. Tái bản tại Hà Nội, tập sách được bạn đọc, đặc biệt là những người đã từng sống ở Liên Xô, dành cho một sự ưu ái, và giành được giải thưởng của Báo Văn nghệ Trẻ.

Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy những điều mình đã viết, chỉ mới phản ánh được một khía cạnh rất nhỏ, mới chế tác được một phần chưa đáng là bao trong vỉa quặng nhiều năm qua tôi dày công khai khẩn và tích lũy.

Dường như những năm chín mươi đã tạo thành một ranh giới phân chia một cách rõ rệt hai miền cảm xúc, hai khoảng hiện thực của những năm tháng kỳ vĩ đã qua và một thực tại nghiệt ngã đang đến. Nước Nga của những năm chín mươi không còn là hình ảnh long lanh trong tâm tưởng của những người từng sống và yêu, từng đến và đi của những tháng năm vàng son Xô Viết.

Cái cảm giác thanh bình, nên thơ của Liên Xô một thời được thay thế bằng sự khó khăn, bất an mà những người lao động Việt có mặt ở nước Nga luôn nơm nớp mang theo trong hành trang trong suốt những năm chín mươi.

Hơn 200 ngàn công nhân Việt tại Nga, sản phẩm của mối tình hữu nghị Xô Việt, trừ một số về nước, số còn lại, rời các nhà máy, công xưởng, bước vào kỷ nguyên thương trường mới, một nghiệp nghề hoàn toàn lạ lẫm mà cuộc sống đã tạm cấp chứng chỉ cho, mặc dù họ không hề được đào tạo, không hề có vốn liếng và không hề có kinh nghiệm. Họ đối mặt với cuộc mưu sinh cơm áo với lẽ sống còn, với một phẩm chất quyết liệt vốn có trong dòng máu Việt như những người đi mở đất.

Những năm cuối thế kỷ XX thế giới chứng kiến những cuộc di cư vĩ đại của những dòng người từ Đông sang Tây với mục đích kiếm sống, nó được thừa nhận như một hiện tượng xã hội. So với hai triệu người Việt Nam nhập cư ở Mỹ, trong tổng số bốn triệu người Việt sống rải rác khắp thế giới, thì hơn một trăm ngàn người Việt hiện đang sống tại Nga chỉ là một con số khiêm nhường.  Hầu hết, họ sang Nga bằng con đường có tổ chức, dù học vấn khác nhau, nhưng đại đa số đều được học xong phổ thông trung học và đều có sức khỏe, ra đi với mục đích sinh nhai, do đó có thể nói cộng đồng người Việt tại Nga là một cộng đồng lành mạnh.

Không thể gọi tất cả những người Việt ở Nga là Việt kiều, bởi lẽ hơn ba chục năm trôi qua, ba thế hệ ông đến cháu đã có mặt ở xứ tuyết băng, nhưng chỉ một số ít ỏi người Việt Nam có được quốc tịch Nga, được ngang bằng người bản địa về mặt giấy tờ hành chính; còn lại vẫn mây trôi, bèo dạt, sống đăng ký tạm trú từng năm, qua ngày, đoạn tháng.

Dọc suốt chặng đường cơm áo mưu sinh đó, có những người đã bứt lên khỏi đám đông lầm than, đã thành đạt, có tài sản, có vốn liếng và có một chỗ đứng dưới mặt trời. Họ vươn lên thành địa vị những ông chủ, những doanh nghiệp và ngẩng cao đầu bước vào lãnh địa của những đại gia, điều mà trong quá khứ bị chối bỏ và cấm đoán.

Những người giàu có và thành đạt dù ở Nga, ở Việt Nam hay bất cứ ở một quốc gia nào khác trên thế giới, dĩ nhiên là những người tài năng, có bản lĩnh và may mắn. Nhưng tôi không viết về họ, bởi vì báo chí và các phương tiện truyền thông dễ dàng tiếp cận và viết nhiều, viết hay về họ.

Cũng như trong thơ, trong văn xuôi, tôi đứng về “phe nước mắt”, tôi thường viết về những người kém may mắn, những người ở tận đáy thẳm sâu của cuộc sống; rủi ro và những điều bất hạnh luôn rình rập họ. Chẳng ai thống kê về mặt xã hội học, là số lượng những người chạy chợ, những người lao động phổ thông, những người không giấy tờ tùy thân, những người sống chui lủi ở Nga là bao nhiêu. Nhưng đó là một con số rất nhiều.

Họ sang Nga không hề được chuẩn bị hành trang như thời Lưu học sinh những năm bảy mươi, tám mươi, không có trong tay ngữ ngôn, vốn liếng, sự hiểu biết về phong tục tập quán. Họ ra đi để lại đằng sau quê hương bản quán, con cái, cha mẹ và dĩ nhiên là cả một gánh nặng nợ nần đi tìm miền đất hứa. Giống như người lần đầu ra biển rộng, họ bị dạt xuống đại dương và tự bơi, tự định hướng với một khát vọng: phía trước là bờ.

Không phủ nhận là một phần trong số những người lao động sang Nga, có những người đã vượt lên số phận, đã thích nghi và hội nhập, đã thoát khỏi cảnh chân lấm, tay bùn, biến giấc mơ phú gia từ trong lớp lớp mây mù trở thành hiện thực.

Còn lại, hàng chục ngàn người lao động vẫn chui rúc trong các xưởng may đen, nhờ nhờ, nửa đen, nửa trắng, theo các thuật ngữ bên này gọi tình trạng các cơ sở sản xuất; hàng ngàn người vẫn làm thuê xây cất nhà cửa tận miền núi Kavkaz xa lắc, xa lơ như những thân phận lưu đày thế kỷ XIX. Đáng tiếc trong những tác phẩm của tôi, những số phận này chưa có một vị trí nổi bật lẽ ra mà nó có. Hy vọng trong quyển sách tới, tôi sẽ đi sâu vào mảng đề tài luôn nhức nhối và nóng bỏng này.

Trong quyển sách này, mảng đề tài về cuộc sống Nga, bức chân dung đa dạng về sự biến cải thăng trầm của xã hội, tôi dành cho một sự quan tâm thích đáng. Trước đây, tôi nhìn nhận và đánh giá người Nga chủ quan, một chiều; theo dòng năm tháng, tôi nhận thức và đánh giá người Nga một cách khách quan như một người trọng tài vô tư. Tôi hiểu về tầm vóc, tính cách và những phẩm chất của họ để giải thích vì sao, nước Nga là một cường quốc về văn hóa, vì sao dân tộc Nga lại sinh ra được những vĩ nhân, vì sao mảnh đất Nga ai đã đi qua dầu chỉ một lần vẫn nặng lòng mãi mãi; đồng thời cũng hiểu vì sao nước Nga giàu có, phì nhiêu vẫn chưa chạm tới đích châu Âu trong nhiều lĩnh vực.

Và tôi cũng muốn biết chúng ta hiện là ai trong con mắt nhân dân Nga, đặng tìm ra những lời giải gần với sự thật hơn khi cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc ta đã lùi xa gần nửa thế kỷ, khi mối quan hệ giữa hai nước vẫn vẹn nguyên kể từ ngày thiết lập.

Trong cuốn sách, dù không nhiều, tôi không ngần ngại viết về những hiện trạng tiêu cực đầy rẫy trong xã hội Nga sau khi chính quyền Xô Viết sụp đổ. Trong bối cảnh thể chế Liên Xô ra đi, những mặt trái xã hội được dịp phát triển và sinh sôi, làm náo loạn, nhức nhối kỷ cương hơn bảy chục năm tồn tại.

Tôi không dám coi quyển sách của tôi như là biên niên một chặng hành trình của cộng đồng, nhưng tôi tin rằng, nó đã phản ánh được nhiều mảng màu của một thời “nhất khứ bất phục phản”, một đi không trở lại. Đọc nó, có người sẽ tiếc nuối, nhớ nhung; có người sẽ kinh hoàng khi nhìn lại; có người sẽ xao lòng tìm thấy một chút hình bóng của mình; có người sẽ cay đắng và chua xót vì một quá khứ ám ảnh. Nhưng dù nghiệt ngã, dù lên thác, xuống ghềnh, dù rụng rơi, mất mát, thì những gì đi qua sẽ trở thành kỷ niệm, mà kỷ niệm thì bao giờ cũng quý giá và đẹp đẽ. Tôi mong rằng, quyển sách của tôi sẽ lưu lại trong ký ức người đọc một chút tâm hồn Nga, hương vị Nga cùng với mồ hôi, nước mắt và những nụ cười người Việt.

Tác phẩm “Mưu Sinh” được kết cấu theo dòng thời gian suốt những năm cuối cùng của thế kỷ XX và những năm khởi đầu của thế kỷ XXI. Nó được Nhà Xuất bản Hà Nội tuyển chọn từ hai tác phẩm “Matxcơva thời mở cửa” và “Đếm bước cuộc hành trình”.

Tôi mạnh dạn đưa thêm vào một số bài viết mang tính tường thuật lại một số câu chuyện người thật, việc thật trong muôn vàn câu chuyện xảy ra, mang tính minh họa cho cuộc sống người Việt tại Nga trong những năm qua. Những câu chuyện đó nói về những phận người, những bước gia truân và rủi ro họ gặp phải. Và chính trong bối cảnh đó, mới toát lên được sự đùm bọc và tấm lòng của bà con cộng đồng trong cơn hoạn nạn.

Đồng thời phần cuối của cuốn sách được bổ sung thêm một số bài ghi lại thời kỳ mới đầy sóng gió và thử thách của nước Nga và cộng đồng Việt trong cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề cuối năm 2014, 2015.

Với những tình cảm chân thành của một người Việt Nam sống xa Tổ quốc hàng ngàn dặm, với tất cả tấm lòng yêu mến nước Nga,  tôi trân trọng kính dâng tập tuyển chọn Truyện ký Mưu sinh này cho bạn đọc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác