Yêu quê hương qua những điệu múa dân tộc

(VOV5) - Yêu quê hương thông qua những câu hát, điệu múa dân tộc cũng là một cách mà trường tiếng Việt Sao Mai, Berlin đang thực hiện để giúp tuổi trẻ kiều bào nâng cao ý thức về cộng đồng dân tộc, nhân lên tình yêu, sự hấp dẫn đối với văn hóa truyền thống.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Trường Tiếng Việt Sao Mai đặt tại Berlin, CHLB Đức từ lâu đã được nhiều người biết đến với những giáo viên cần mẫn dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào. Bên cạnh việc dạy ngôn ngữ mẹ đẻ, các cô giáo còn tổ chức phong trào văn nghệ cho học sinh bằng những lời ca, điệu múa mang đậm bản sắc Việt.


Yêu quê hương qua những điệu múa dân tộc - ảnh 1
Nhóm múa trường Tiếng Việt Sao Mai, Berlin trình diễn tiết mục múa nón


Năm 2008, để phục vụ cho Lễ khai giảng năm học mới, giáo viên trường tiếng Việt Sao Mai, Berlin, CHLB Đức đã nhờ chị Vũ Thị Thanh Hà, một phụ huynh học sinh có nhiều am hiểu về biên đạo múa dựng giúp một tiết mục văn nghệ. Chị Hà đã nhận lời và bắt tay ngay vào việc hướng dẫn các học sinh trong trường tập múa. Không ngờ, tiết mục múa “Một thoáng quê hương” đã thành công chỉ trong một thời gian ngắn tập luyện. Và cũng từ đó chị Hà trở thành cô giáo dạy múa chính thức của trường Tiếng Việt Sao Mai.

Đội múa có khoảng 20 em học sinh, được chia thành 2 nhóm theo độ tuổi. Điểm đặc biệt của nhóm múa ở đây là sau giờ học văn hóa cụ thể là học tiếng Việt, các bạn ở lại trường và say sưa tập múa. Nội dung của các bài múa thường có hơi hướng gắn với quê hương Việt Nam. Lisa Phan, Nguyễn Hằng Julia và Thảo là những học sinh tham gia miệt mài, bền bỉ nhất của nhóm múa Sao Mai. Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên dạy tiếng Việt của trường, đã có những câu thơ dung dị viết về nhóm múa: “Nhóm múa Sao Mai của chúng em/ Các bạn đều tươi tắn/ Bạn Thu Hằng nhỏ nhắn/Mắt đen láy hạt cườm”. Cứ nhắc đến múa là Hằng lại trở nên say sưa như đang trên sàn tập: “Vừa rồi, cháu có tham gia múa trong chương trình 40 năm người Việt hội nhập ở Đức. Cháu múa hai bài: bài “Việt Nam ơi” và “những cô gái Việt Nam”. Bài “những cô gái Việt Nam” thì múa cùng với nón quai thao, mặc trang phục của người quan họ. Qua những điệu múa, cháu được học thêm về văn hóa của vùng đất đó”.

Còn Nguyễn Thị Ngọc Mai cũng tham gia đội múa được hai năm nay. Mai kể: “Cháu thấy hôm nào cũng vui, tập với các bạn cùng các anh chị biểu diễn. Mình tập nhiều, tập tốt được các bác khen. Có lần nhóm múa cũng tham gia thi đấu với nhóm múa khác và tiết mục của nhóm múa được đứng thứ hai”.

Mới đây, nhóm tham dự cuộc thi múa hát của trẻ em Berlin và đoạt giải nhì. Để có được thành tích đó, cô giáo Vũ Thị Thanh Hà luôn cần mẫn, theo dõi sát đội múa. Cô cũng hay tìm tòi ra các chủ đề, cách thức múa sao cho vừa hay lại vừa hợp với truyền thống. Cô Hà cho biết cô thường hướng dẫn các học sinh của mình trình diễn những điệu múa dân gian như múa nón, nón quai thao, múa ô, múa quạt để giúp những học sinh gốc Việt gần gũi hơn với phong tục tập quán của người Việt Nam. Kể về cô giáo Hà, Ngọc Mai tâm sự: “Cháu thấy là cô là người rất tốt, giúp nhiều người, nói chuyện cũng dễ thương hay nói nhiều điều buồn cười để các bạn phải cười. Cháu nhớ có một hôm cháu buồn, cô nhìn thấy rồi cô hỏi ngay tại sao Mai lại buồn thế. Cô cũng là một người mẹ thứ hai của chúng cháu  trong nhóm múa”.

Với cô giáo Hà cũng vậy. Cô luôn coi các học sinh của mình như con. Cứ khi nào trở về Việt Nam, cô lại dành nhiều thời gian để đi lùng tìm các trang phục, phụ kiện biểu diễn để mang sang cho nhóm múa.


Yêu quê hương qua những điệu múa dân tộc - ảnh 2
"Các bạn trẻ tham gia chương trình SIVITA 2015 tại Đức được khán giả rất yêu thích".


Trong bảy năm kể từ khi thành lập, nhóm múa trường tiếng Việt Sao Mai, Berlin đã tham gia biểu diễn ở nhiều tổ chức, hội đoàn trong các dịp lễ, Tết. Chẳng hạn như dịp đón Tết cùng Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, Ngày hội văn hoá ngoại giao, Lễ kỷ niệm 40 năm người Việt hội nhập và phát triển tại Đức…. Nhóm còn tích cực tham gia biểu diễn phục vụ cho người Đức ở nước sở tại như biểu diễn cho người cao tuổi ở trại dưỡng lão, tham gia vào các phong trào văn nghệ của các quận trung tâm và ngoại ô Berlin.


Yêu quê hương qua những điệu múa dân tộc - ảnh 3
Ba bạn trong nhóm múa biểu diễn tiết mục Sen hồng tại lễ bế mạc Trại hè Việt Nam 2015


Trong chương trình trại hè Việt Nam 2015, Ngọc Mai, Nguyễn Hằng Julia và Lisa Phan là ba bạn được đại diện cho nhóm múa trường tiếng Việt Sao Mai về Việt Nam tham dự. Trong hành trình xuyên Việt, đi qua nhiều tỉnh, thành của cả nước, các bạn đã trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc như “Một thoáng quê hương”, “Việt Nam ơi”, “Những cô gái Việt Nam” trong các chương trình giao lưu giữa thanh niên kiều bào và tuổi trẻ trong nước.

Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa, nhiều người lo lắng cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, ở bên Đức, hình bóng quê nhà đã được các bạn trẻ kiều bào ở trường tiếng Việt Sao Mai, Berlin thể hiện thông qua chiếc nón lá, tà áo dài thướt tha, thông qua những chiếc áo “mớ ba mớ bảy” rực rỡ sắc màu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hay hội diễn văn nghệ. Yêu quê hương thông qua những câu hát, điệu múa dân tộc cũng là một cách mà trường tiếng Việt Sao Mai, Berlin đang thực hiện để giúp tuổi trẻ kiều bào nâng cao ý thức về cộng đồng dân tộc, nhân lên tình yêu, sự hấp dẫn đối với văn hóa truyền thống. Để từ đó chính các em sẽ là sứ giả giới thiệu những giá trị của bản sắc Việt Nam với bạn bè thế giới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác