Chân dung vị già làng nặng lòng vì buôn làng dân tộc

(VOV5) - Già làng Ama Loan, dân tộc Ê đê, sống tại buôn A kok thon, Buôn Ma Thuột,  Đak Lak được nhân dân đồng bào yêu thương, coi trọng không chỉ vì những hiểu biết sâu rộng về văn hóa Ê đê mà còn vì tấm lòng nhiệt huyết trong việc lưu giữ bảo tồn những giá trị văn hóa đó.


Chân dung vị già làng nặng lòng vì buôn làng dân tộc - ảnh 1
Già làng Ama Loan trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc 2016

Nghe âm thanh tại đây:


Trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc diễn ra tại làng du lịch văn hoa các dân tộc, tại khu vực làng Ê đê, có một cụ ông tóc đã bạc nhưng vẫn rất nhanh nhẹn hướng dẫn và sắp xếp các đội đánh cồng chiêng và chơi các nhạc cụ dân tộc. Ông là Ama Loan, già làng của buôn A- kok- thon, Buôn Ma Thuật, tỉnh Đak Lak. Đầu năm 2016, đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên, già làng Ama Loan ra Hà Nội và sinh hoạt tại khu của người Ê đê tại làng du lịch - văn hóa các dân tộc. Du khách khi đến đây sẽ được già làng Ama Loan, một hướng dẫn viên du lịch “đặc biệt” cũng chính là các chủ thể văn hóa trực tiếp giới thiệu những nét đẹp truyền thống và hướng dẫn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt văn hóa của người Ê đê. Già làng Ama Loan chia sẻ: "Tôi đã mong ước từ ngay khi còn ở địa phương hay từ ngay trong gia đình của mình ham mê vấn đề nhạc cụ, ham mê văn hóa, ca hát. Cho nên, bản thân tôi từ đó, bất cứ chỗ nào nhà nước yêu cầu mình cũng sẵn sàng tới, thật ra đây là muốn giữ lại những nét đẹp, mà muốn giữ lại là phải phát triển, muốn phát triển là phải đào tạo như thế nào đó đối với tuổi trẻ, lớp người mới đề họ tiếp thu sau này".

Chân dung vị già làng nặng lòng vì buôn làng dân tộc - ảnh 2
Già làng Ma Loan điều hành buổi lễ cúng sức khỏe của người Ê đê


Từ ngày còn trẻ, già làng Ama Loan đã làm công tác vận động quần chúng đi theo Cách mạng. Đến năm 1980, ông được bầu làm Phó Bí thư tỉnh đoàn Đak Lak. Sau này ông phụ trách phòng khuyến học của Ban tuyên huấn tỉnh ủy Đak Lak. Đến nay, đã nghỉ hưu nhưng già làng vẫn không ngừng góp sức mình cho quê hương. Già luôn đau đáu làm sao có thể bảo tồn những nét đẹp trong phong tục, tập quán của người Ê đê. Đó là lí do năm nay tuy đã 78 tuổi nhưng già làng vẫn lặn lội ra Hà Nội, đến làm nhiệm vụ giới thiệu và quảng bá về văn hóa Tây nguyên tại làng du lịch văn hóa các dân tộc.

Già Ama Loan có thể chế tác hầu hết các nhạc cụ dân tộc ở Tây Nguyên. Lần nào ra Hà Nội, già cũng  mang theo rất nhiều loại  nhạc cụ dân tộc như đàn Đinh Năm, Tak Tar, Đinh Tút, K’ni…. Với những nhạc cụ mà nguyên vật liệu khó tìm, già Ama Loan đã sáng tạo chuyển sang các vật liệu đơn giản, nhưng chất lượng âm thanh vẫn giữ được như cũ.

Chân dung vị già làng nặng lòng vì buôn làng dân tộc - ảnh 3
Già làng Ma Loan điều hành buổi lễ cúng sức khỏe của người Ê đê


Nói về cha mình, cô con gái út của già làng Ama Loan là H’ Hoa Niê không giấu nổi ánh mắt tự hào. Chính cha là người đã truyền những nhiệt huyết để H’ Hoa Niê và các anh chị em trong gia đình noi theo, tiếp bước cha trong việc bảo tồn và giữ gìn văn hóa của Tây nguyên đại ngàn: "Ba già về đây với nhiệt huyết sẽ đưa lại truyền thống văn hóa của người Ê đê và giữ gìn lại. Dù tuổi cao nhưng già luôn có thao thức và mong muốn giữ lại nền văn hóa cho người Ê đê, quảng bá những điều đẹp đẽ và không bị mai một. Và già luôn là người đi đầu và là một già làng tại làng văn hóa Ê đê này".


Chân dung vị già làng nặng lòng vì buôn làng dân tộc - ảnh 4
H Hoa Niê - con gái của già làng Ama Loan


Chân dung vị già làng nặng lòng vì buôn làng dân tộc - ảnh 5
H Hoa Niê giúp cha trong lễ cúng sức khỏe của người Ê đê


Là đại diện hình ảnh của 8 dân tộc Tây Nguyên, già làng Ama Loan mong muốn trong thời gian tới, tại làng du lịch văn hóa các dân tộc sẽ có đầy đủ đại diện của các dân tộc. Vì theo già, các dân tộc Tây nguyên như Ba Na, Gia rai, Khơ me... tuy gần nhau nhưng có những nét đặc sắc riêng mà là một người Ê đê, già không thể nắm rõ hết. Già cũng đề xuất nhiều chương trình, hoạt động để tăng tính kết nối, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc hiện có tại làng du lịch – văn hóa các dân tộc. Tấm lòng của già làng Ama Loan được những người đồng bào nơi đây ví như một cây đại thụ, luôn nặng lòng che chở chở cho giá trị văn hóa của dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác