Diện mạo nông thôn mới dưới chân núi Mường Hung

(VOV5) - Là một trong những xã biên giới khó khăn nhất của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, song những năm gần đây nhờ chuyển đổi phương thức canh tác và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, kinh tế của người dân xã Mường Hung đang dần có sự thay đổi, bộ mặt nông thôn vùng biên giới có nhiều khởi sắc. 

Diện mạo nông thôn mới dưới chân núi Mường Hung - ảnh 1
Nông thôn mới Mường Hung

Nghe nội dung bài viết tại đây:



Nhiều năm trước, gia đình ông Lò Văn Lệt là một trong những hộ nghèo của bản Phiêng Pẻn, xã Mường Hung, huyện Sông Mã. Để phát triển kinh tế, gia đình đã mạnh dạn vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội đầu tư vườn nhãn ghép và mở rộng diện tích ao cá, chăn nuôi gia súc.


Có kinh nghiệm làm ăn và số vốn gần 300 triệu đồng, ông Lệt lại mua 15 con hươu sao về nuôi lấy nhung. Vừa chăn nuôi, vừa mở rộng quy mô sản xuất, tới nay, gia đình ông Lệt đã xây được 2 ngôi nhà trị giá gần 2 tỷ đồng.


Diện mạo nông thôn mới dưới chân núi Mường Hung - ảnh 2
Ông Lò Văn Lệt đang cho đàn gia súc ăn


Ông Lò Văn Lệt nói: “Trước kia gia đình chỉ trông chờ vào cây lúa nước, không có của ăn của để. Hiện giờ gia đình đã khấm khá, đã làm được nhà cho các cháu ở. Tôi thấy nuôi hươu sao là có thu hoạch cao, cho nên gia đình thống nhất với nhau là sẽ tiếp tục đi bắt về khoảng 15 con hươu sao về nuôi thêm, để có thu hoạch”.


Là một trong những hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La chuyển đến từ năm 2010, thời gian đầu gia đình anh Lường Văn Thực, đội 6, xã Mường Hung gặp rất nhiều khó khăn.


Anh Lường Văn Thực cho biết: “Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này vào trong chăn nuôi, để giảm thiểu chi phí. Và tiếp tục tuyên truyền cho các đồng chí đoàn viên thanh niên, bà con hội nông dân và cũng như tất cả bà con có nhu cầu học tập và làm theo mô hình kết hợp của gia đình”.
Qua công tác tuyên truyền, giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng số tiền hỗ trợ sản xuất của Nhà nước, anh Thực đã đầu tư mở rộng vườn, ao, chuồng với hơn 800 con gà vịt; hơn 60 con lợn; ao cá rộng gần 1 héc ta. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi, bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập  trên 150 triệu đồng.



Diện mạo nông thôn mới dưới chân núi Mường Hung - ảnh 3
Kết thúc ngày làm việc, anh Thực thường về chăm sóc đàn gia súc của mình


Mường Hung là xã có 15,5km đường biên tiếp giáp với huyện Mường Ét, của nước bạn Lào. Những năm qua, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bộ mặt nông thôn vùng biên đang có sự đổi thay mạnh mẽ. Sản lượng lương thực có hạt năm 2014 đạt hơn 8.000 tấn, tăng gần 3.000 tấn so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người 9,5 triệu đồng/người/năm…


Ông Bùi Văn Thủy, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Mường Hung cho biết:“Trong thời gian tới, Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đẩy mạnh công tác phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; đặc biệt đẩy mạnh công tác phòng chống và kiểm soát ma túy; thực hiện đúng theo kế hoạch, nhiệm vụ của Đại hội đã đề ra”.


Trên mỗi thửa ruộng, vạt nương, người dân Mường Hung đang mở rộng sản xuất, thâm canh tăng vụ để nâng cao đời sống. Bà con đang  phấn đấu vươn lên trong xây dựng cuộc sống mới thông qua việc thực hiện hiệu quả các phong trào xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng vùng biên ngày càng giàu mạnh.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác