Đồng bào Khmer phát triển kinh tế nhờ chuyển đổi cây trồng

(VOV5) - Vùng đất Trà Cú một thời được xem là vùng đất khó, đất cát nóng bỏng nên một năm chỉ sản xuất lúa được một vụ duy nhất, năng suất bấp bênh. Thế nhưng từ khi địa phương có chủ trương chuyển sang luân canh lúa –màu và tăng cường điện khí hóa thì nơi đây đã hoàn toàn thay da đổi thịt.

Đồng bào Khmer phát triển kinh tế nhờ chuyển đổi cây trồng - ảnh 1
Người dân Trà Vinh được mùa bắp vàng (Ảnh minh họa - nguồn: vnexpress.net)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Trà Cú là huyện có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh Trà Vinh, chiếm hơn 60% dân số và là huyện có đồng bào Khmer đông nhất nước. Trước đây bà con sống bằng nghề nông và làm thuê nên tỉ lệ hộ nghèo còn khá cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ Trung ương, nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đối tượng canh tác, nuôi trồng, đời sống của người dân vùng nông thôn nghèo này đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Không có đất canh tác, gần 20 năm nay bà Thạch Thị Năm, 55 tuổi ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, từng lặn lội hết xuống tận Cà Mau, qua Đồng Tháp, rồi lên thành phố Hồ Chí Minh để làm thuê mưu sinh. Nhưng nay, bà không cần đi đâu xa  có việc làm tại quê nhà cho thu nhập từ bảy, tám chục ngàn đồng/ngày. Bà Năm chia sẻ: "Trước tôi lên thành phố Hồ Chí Minh làm thuê nhưng làm không nổi vì công việc vác đồ xuống xe lên xe nặng quá. Giờ tôi ở nhà đi nhổ đậu thuê, công việc này nhẹ hơn. Nói chung ở quê người ta thuê gì làm nấy, được cái là sáng ra đi chiều về tới nhà. Còn ở thành phố một tháng mới được về một lần, có khi cũng không được về".

Vùng đất Trà Cú này một thời được xem là vùng đất khó, đất cát nóng bỏng nên một năm chỉ sản xuất lúa được một vụ duy nhất, năng suất bấp bênh. Thế nhưng từ khi địa phương có chủ trương chuyển sang luân canh lúa –màu và tăng cường điện khí hóa thì nơi đây đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Nếu như trước đây dù là hộ có cả chục công đất mà vẫn thiếu trước hụt sau thì nay được xem là hộ giàu, thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Bà Thạch Thị Dưng, có 4 công ruộng, đang nuôi con học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Trồng đậu phộng một vụ, đậu xanh một vụ và lúa một vụ. Trồng đậu lời nhiều hơn lúa rất nhiều. Hồi chưa trồng màu gia đình khó khăn lắm, nhà có hai mẹ con mà con đang đi học nên rất chật vật. Từ khi trồng đậu thấy khá hơn nhiều, năm nay thấy khá hơn mọi năm".

Gia đình chị Kim Thị Bích Phượng ở xã Tân Sơn, cũng đã thoát nghèo nhờ vào việc chuyển sang luân canh lúa màu. Từ khi được tập huấn kỹ thuật, vợ chồng chị đã mạnh dạn chuyển cả 2 công đất lúa sang màu, từ đó năm nào cũng thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng. Đặc biệt mùa lễ hội Sen Đôn ta  năm nay, dù giá không cao so với vụ trước chỉ 12 ngàn đồng/kg nhưng với 2 công ớt gia đình thu về 15 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Chị Kim Thị Bích Phượng cho biết: "Trước đây trồng màu một vụ, lúa 2 vụ nhưng nay trồng màu cả 3 vụ; dưa leo 1 vụ, khổ qua 1 vụ và ớt một vụ. Dưa leo được 10 triệu, khổ qua cũng 10 triệu còn ớt đang thu hoạch chưa biết; Nhưng một ngày cũng được 70-80kg, giá hiện nay 12 ngàn đồng/kg tại ruộng".

Ở tất cả khu vực trồng lúa kém hiệu quả trước đây của huyện Trà Cú đều được chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tính đến nay đã có gần 4.000ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi, trồng trọt như luân canh màu – lúa; chuyên canh màu-nuôi thủy sản; trồng cây ăn trái …Song song đó địa phương còn tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, theo đó từ đầu năm đến nay đã có gần 60 lớp tập huấn được tổ chức với hơn 1.500 lượt người tham gia.

Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, từ nguồn kinh phí Trung ương, huyện Trà Cú đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các đường giao thông liên xã, liên ấp, cầu nông thôn, với số tiền trên 45 tỷ đồng. Huyện dành hơn 100 tỷ đồng cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, 17 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho các hộ Khmer nghèo khó khăn về nhà ở … Đồng thời các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động hướng dẫn, cổ vũ các hộ nghèo tự lực vươn lên, quyết tâm thoát nghèo. Kết quả đạt được là tỉ lệ hộ nghèo của địa phương từ 30% giảm còn 21,15%. Ông Kim Ngọc Sương, Trưởng Phòng dân tộc huyện Trà Cú, cho biết: "Được sự hỗ trợ của Nhà nước nhất là các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thực tốt việc chuyển dịch cây con trong nông nghiệp đời sống đồng bào Khmer huyện Trà Cú chuyển biến rất rõ rệt. Đặc biệt là kinh tế hộ thời gian gần đây phát triển rất tốt. Nhìn chung bà con đón Sên đô ta tương đối khá nhưng không lãng phí, tổ chức vừa phải đảm bảo truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình".

Hiệu quả sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Trà Cú ngày càng được phát huy và đang tạo được chuyển biến trong đời sống vật chất tinh thần của đồng bào Khmer nơi đây. Điều đó là nguồn động lực để đồng bào dân tộc sinh nơi đây vươn lên thoát nghèo./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác