Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Đơn Dương là vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Nghề trồng rau ở Đơn Dương có từ lâu đời. Cùng với chương trình xây dựng nông mới, nông dân huyện Đơn Dương mạnh dạn đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, theo hướng công nghệ cao nhằm ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hướng tới mục tiêu đến năm 2015, Đơn Dương sẽ là huyện đầu tiên ở tỉnh Lâm Đồng đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trước hết huyện tập trung xây dựng hạ tầng.  Từ đầu năm đến nay, Đơn Dương huy động  được 7,7 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư 5,8 tỷ đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Thái On, bí thư huyện Đơn Dương, cho biết trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại. Đặc biệt là chú trọng nâng cao đời sống của nhân dân gắn với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Huyện Đơn Dương là huyện nghèo, đặc biệt từ năm 2005 đến nay huyện tập trung vào các chương trình trọng tâm, mà nhất là phát triển nông nghiệp. huyện đơn dương là huyện thuần nông là đi vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thứ hai là chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao đưa năng suất đi lên và xây dựng nông thôn mới để đảm bảo thay đổi đời sống của nhân dân thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh.

Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Cánh đồng cà chua xanh mướt

Tổng diện tích rau thương phẩm gieo trồng được trong năm 2013 của huyện Đơn Dương là gần  22.000 ha thì diện tích được ứng dụng công nghệ cao hiện đã chiếm khoảng 70%, đạt doanh thu bình quân 120-150 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân cao gấp đôi, có khi gấp 5 lần.

Đơn Dương là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc như Chơ Ru, K’Ho… Với bản tính cần cù lại được chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đơn Dương đã biết cách sản xuất theo công nghệ mới. Ông Thái On cho biết: Huyện Đơn Dương có 75% dân số theo đạo. Sự đồng thuận trong xã hội buộc các tôn giáo, chức sắc trên địa bàn hòa hợp gắn lại với nhau, đi vào một điều duy nhất là nâng cao đời sống của nhân dân đảm bảo quê hương nông thôn đi lên theo bước tiến của xã hội.

Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng xây dựng nông thôn mới - ảnh 2
Vườn hoa trồng trong nhà kính của gia đình anh Hậu

Đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Đơn Dương là xã Ka Đô. Ka Đô có gần 11.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc chiếm 25% . Sau hơn hai năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã đã thực hiện được 15 tiêu chí. Đời sống bà con các dân tộc nơi đây đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt từ 28 – 30 triệu đồng/người, tuy chưa cao so với các vùng miền khác nhưng so với mặt bằng đời sống ở đây là mức khá. Việc xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất rau, hoa thương phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Ka Đô đã giúp đồng bào tiếp cận, làm quen với phương thức sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã có trên 1.500 ha sản xuất rau thương phẩm, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha. Gia đình anh Vũ Quang Hậu có gần 15.000m2 đất trồng trọt, 2 năm qua anh mạnh dạn đầu tư nhà kính, hệ thống tưới tiêu dành 4000 m2 trồng hoa. Anh cho biết: Năm nay là năm thứ 3 làm trong nhà kính. Thấy trồng bông thu nhập ổn định hơn, thậm chí trồng ớt tay thu nhập cao hơn trồng rau màu mà diện tích đất không tốn như trồng rau màu. Bây giờ nhiều người đang thay đổi, có hướng làm nhà kính để trồng cây cao cấp như bông và ớt. Vì cây hoa cho thu nhập ổn định hơn mặc dù chi phí cao hơn nhưng bà con thích làm hơn. Bởi vậy bà con dù không đủ vốn vẫn đi vay để làm.

Trong những năm tới, huyện Đơn Dương tiếp tục khuyến khích nông dân mở rộng phát triển mô hình kinh tế mới. Đơn Dương cũng đang chuyển đổi một số giống rau mới có năng suất, chất lượng tốt phục vụ sản xuất, tăng cường chuyển giao các quy trình kỹ thuật về sản xuất theo hướng công nghệ cao, tiêu chuẩn Viet GAP , tiêu chí quốc tế ở Việt Nam. Huyện còn thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong các vùng sản xuất rau, nâng cao chất lượng rau, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để cùng nhau thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới hiệu quả./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác