Khoa học công nghệ gắn với phát triển kinh tế nông thôn, miền núi

(VOV5) - Việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nông thôn miền núi đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần cải thiện đời sống người dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Dự án nuôi hàu thương phẩm, chế biến thực phẩm chức năng từ hàu tại tỉnh Bình Định đã phần nào góp phần phát triển nghề nuôi hàu, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho ngư dân vùng ven biển. Trước kia người dân địa phương chủ yếu nuôi hàu từ nguồn giống tự nhiên, khiến tỷ lệ hàu bị chết cao, lượng thịt ít và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các lứa nuôi sau. Nay người dân ven biển đã áp dụng có hiệu quả kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm giống hàu Thái Bình Dương và hàu muỗng Bình Định. Nhờ đó, năng suất nuôi của người dân đã tăng từ 3,2 tấn/hécta/năm lên 25 tấn/hécta/năm, giá bán thương phẩm tăng hơn 30% so với hàu tự nhiên. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Chủ nhiệm Dự án nuôi hàu thương phẩm, chế biến thực phẩm chức năng từ hàu tại tỉnh Bình Định cho biết:  Nhờ dự án này, người dân đã biết ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất nuôi hàu lên từ 3 đến 8 lần so với trước đây. Chất lượng hàu rất tốt, đặc biệt lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, kể cả thị trường hay doanh nghiệp đều có nhu cầu lớn cho sản phẩm từ nguồn này. Hiện nay, dù không có sự hỗ trợ của chương trình nhưng rất nhiều hộ dân đã tình nguyện bỏ kinh phí ra để đầu tư ban đầu. Họ cũng rất mong muốn được quy hoạch phân mặt nước để họ tiếp tục phát triển nghề nuôi hàu này.

 Khoa học công nghệ gắn với phát triển kinh tế nông thôn, miền núi - ảnh 1


Còn tại tỉnh miền núi Bắc Giang, trong những năm qua đã không ngừng áp dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Về công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khuyến nông nông nghiệp, giai đoạn 2011-2014 trên địa bàn tỉnh đã triển khai hàng trăm mô hình, đề tài, dự án. Trong đó, một số đề tài, dự án tiêu biểu đã được thực hiện như: dự án nâng cấp Trung tâm giống nấm, Trung tâm giống thủy sản, Trung tâm giống cây ăn quả. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu, 100% diện tích được áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, khâu thu hoạch lúa, đồng thời gắn doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua mô hình cánh đồng mẫu đã góp phần giảm chi phí đầu vào, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà từ 10-15%. Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang kiến nghị:  Nếu các chương trình khác cũng hiệu quả như chương trình này thì sẽ tác động rất lớn đến việc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Cái chúng tôi quan tâm đó là việc nhân rộng, nếu nhân rộng thành công đó chính là hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngày càng nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới đã được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, giúp cho nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến góp phần thúc đẩy tổc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Trong những năm qua, Bộ khoa học và Công nghệ đã thực hiện ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả trên 4.800 công nghệ và hơn 2.500 mô hình về ứng dụng công nghệ tại 62 tỉnh thành. Các mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có tính đại diện của địa bàn triển khai. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, cho biết: Qua thời gian thực hiện, chương trình đã khẳng định nơi nào thực hiện được các dự án nông thôn miền núi, thì nơi đó sớm đạt được các tiêu chí cần thiết của nông thôn mới và khẳng định được vị thế nông thôn mới của mình. Hai là hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống và đảm bảo an ninh quốc phòng. Cuối cùng là định hướng tập trung vào một số sản phẩm quốc gia như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, cá da trơn và sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu.

Từ năm 2016 đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, nhất là khu vực nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ công nghệ cụ thể để nhân rộng vào thực tiễn; thúc đẩy hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị có hiệu quả cao, mà hạt nhân là các doanh nghiệp để ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất. Đây cũng là cơ hội giúp người dân làm giàu bền vững từ sản xuất nông nghiệp./.

Phản hồi

Các tin/bài khác