Quảng Bình xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

(VOV5)- Đối với xây dựng nông thôn mới, việc chú trọng thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn chính là một trong những giải pháp để góp phần thực hiện có hiệu quả kinh tế từ việc tổ chức sản xuất. Xác định được tầm quan trọng đó, tỉnh Quảng Bình xem đây là bước đột phá nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Quảng Bình xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp - ảnh 1
Một mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa giống chất lượng cao ở Lệ Thuỷ. - Ảnh: Văn Minh/ Báo Quảng Bình



Ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Bình chủ trương quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, xây dựng đường nội đồng, đường liên thôn, kiên cố hóa kênh mương. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp đã góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, qua tham quan học tập cách thức tổ chức sản xuất hiệu quả ở các tỉnh bạn, một số địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn ngay tại địa phương mình. Kết quả, nhiều mô hình này bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến khá tích cực cả về năng suất, chất lượng, giá trị. Nhờ đó, mô hình này đã và đang được nhiều địa phương chú trọng triển khai nhân rộng...Đến thời điểm này, ruộng của mỗi hộ nông dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình không còn manh mún như trước. Một thửa ruộng rộng gần 1 ha, đường ra đồng ruộng được bê tông hóa kiên cố, rất thuận tiện cho việc cày cấy bằng máy. Bà Trần Thị Thanh, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, mỗi năm gia đình bà sản xuất 2 vụ lúa với tổng diện tích hơn 6 sào ruộng. Bà Thanh nói, trước đây ra ruộng cực lắm, giờ chạy xe máy vài phút là tới nơi mình làm: "Có nhiều lợi ích lắm chứ. Ví dụ cái đường này hồi trước họ không làm mỗi lần gánh lúa, gánh đồ vất vả lắm. Chừ hôm nay có đường rồi dễ vận chuyển, xe gì cũng đi được, xe tải cũng đi được, công nông cũng đi được."


Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp trong cùng tham gia ký kết thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, ớt, sắn, lạc, ngô, khoai lang....14/14 xã, thị trấn ở huyện Quảng Ninh đã triển khai dồn điền đổi thửa với khoảng 5.200 héc ta, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xã Hàm Ninh là địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay cả xã có 15 ha đất trồng dưa hấu, với 3 vùng rộng lớn. Ông Hà Xuân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: thu nhập từ dưa hấu tăng từ 3 đến 4 lần so với trồng cây lúa: "Năng suất dưa hấu cao cho nên bà con rất phấn khởi để làm dưa hấu. Từ một sao ruộng thu nhập 1 năm có 3 triệu, nhưng thu nhập dưa hấu thì khoảng từ 10 đến 12 triệu đồng/sào. Do vậy nhờ thu nhập đó cao, cho nên chúng tôi xác định đây là một trong những chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo, đưa đời sống của người dân đi lên."


Năm 2016, tỉnh Quảng Bình tập trung sản xuất theo cánh đồng lớn với diện tích hơn 6.600 ha. Việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động lúc chính vụ cũng như lúc nông nhàn. Ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh Quảng Bình chú trọng gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết với doanh nghiệp: "Quảng Bình là một trong những tỉnh sớm phê duyệt chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cho đến nay liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp có những chuyển biến rất quan trọng. Mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn đã từng bước được mở rộng. Các cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất nông nghiệp được đầu tư rất mạnh mẽ."


Để mô hình cánh đồng mẫu lớn tiếp tục được nhân rộng, phát huy hiệu quả, các địa phương trong tỉnh đang  đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa; tăng cường xúc tiến với các doanh nghiệp, hộ nông dân, để tiến hành ký kết thực hiện mô hình này. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chú trọng tới công tác quản lý nhà nước trong khâu giống và mở rộng nhiều loại cây trồng hơn trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác