Thị xã Ngã Bảy, lá cờ đầu xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long

(VOV5)- Sau 5 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, Thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang vinh dự đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 


Nghe âm thanh bài viết tại đây



Thị xã Ngã Bảy, lá cờ đầu xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 1
Giao thông nông thôn được bê tông hóa ấp liền ấp tại thị xã Ngã Bảy. Ảnh: daidoanket.vn


Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Hậu Giang cũng là một trong số huyện đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 


Cách đây hơn 3 tháng, Thị xã Ngã Bảy tổ chức Lễ đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sự kiện này được đông đảo người dân ở đón chào như đánh dấu mốc phát triển mới. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới biểu dương những thành tích, kết quả đáng tự hào mà chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang và  Thị xã Ngã Bảy nỗ lực phấn đấu và đạt được trong những năm qua: Thị xã Ngã Bảy đã biết phát huy nội lực, lợi thế của đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy, kiên trì, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả ấn tượng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng năm 2015. Toàn bộ 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là đơn vị cấp huyện đầu tiên ở vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu giang nói chung, Thị xã Ngã Bảy nói riêng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước về xây dựng nông thôn mới.


5 năm trước đây, Thị xã Ngã Bảy có 3 xã được chọn triển khai xây dựng xây dựng nông thôn mới gồm: Đại Thành, Tân Thành và Hiệp Lợi, trong đó, Đại Thành là xã điểm của tỉnh. Ngay từ những ngày đầu, chính quyền thị xã Ngã Bảy đã vạch ra những lộ trình, bước đi cụ thể, đặc biệt là hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện. Với tổng nguồn vốn đầu tư gần 848 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 33%, còn lại là vốn tín dụng, đóng góp của doanh nghiệp và người dân, trong đó người dân đóng góp gần 30%, thị xã Ngã Bảy từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ở các xã như các công trình: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa ấp, đồng thời vận động nhân dân chung tay góp sức xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.


Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, xã Đại Thành đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là xã nông thôn mới. Đây cũng là xã nông thôn mới đầu tiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những năm tiếp theo, bằng những bước đi chặt chẽ, phù hợp, sự phấn đấu và nỗ lực hết mình, các xã còn lại của thị xã Ngã Bảy cũng lần lượt được công nhận là xã nông thôn mới. Nhận xét về quá trình xây dựng nông thôn mới của Thị xã Ngã Bảy, ông Nguyễn Liên Khoa, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Điều quan trọng là tổ chức triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của Ngã Bảy, rất bài bản. Cán bộ chính quyền biết dựa vào dân, cho nên khi triển khai ra thì cái đồng tình hưởng ứng của người dân rất là cao. Chính điều này cũng đã giúp sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của Thị xã Ngã Bảy.


Bên cạnh đầu tư cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch để giúp giảm công lao động, thị xã còn chỉ đạo hình thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất điểm để từ đó nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả. Theo đó, xã Đại Thành và Tân Thành có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp với cây cam sành, tập trung xây dựng khép kín hệ thống đê bao, đảm bảo chủ động nguồn nước, tập huấn kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch bệnh. Thị xã cũng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Cam sành Ngã Bảy”, đồng thời triển khai nhiều giải pháp, chính sách giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện các chính sách hỗ trợ đó mà mức thu nhập của người dân nơi đây không ngừng nâng lên. Hiện người dân ở Ngã Bảy đã có mức thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/ năm. Ông Lư Văn Mừng ở ấp Đông An A, xã Đại Thành, Thị xã Ngã Bảy, tâm sự: “ So với trồng lúa ngày xưa thì nay thu nhập gấp 30 lần. Hồi trước với 15 công này tôi thu hoạch bán 45-50 triệu/ ha, nhưng bây giờ thì nếu 15 công này thì bán khoảng bạc tỷ, tỷ mấy/năm. Đời sống bà con cô bác ai cũng đầy đủ hết, không có kiểu nghèo khó như trước đây”.


Việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã khó, nhưng việc giữ vững và phát huy được lợi thế từ các tiêu chí này lại càng khó hơn. Ngã Bảy tiếp tục phấn đấu đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người dân luôn dược năm sau cao hơn năm trước.  Ông Nguyễn Thiện Nhơn, Bí thư Thị ủy Thị xã Ngã Bảy, cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục có những đổi mới trong việc nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới. Bằng cách thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở những tiêu chí thiếu cái tính phát triển  bền vững thì những tiêu chí này chúng tôi lưu ý, quan tâm đậc biệt để làm sao có chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho nó sát và đạt những nội dung theo yêu cầu”.


Bên cạnh việc nâng cấp các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các xã ở thị xã Ngã Bảy tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các xã. Đồng thời với việc nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hoạt động của các tổ hợp tác cũng như hợp tác xã nông nghiệp. Việc hoàn thiện các tổ chức tổ hợp tác nhằm hình thành chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp có giá trị cao, đủ sức đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trên thị trường. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác