Thư viện cộng đồng góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn

(VOV5) - Hơn 10 năm trở lại đây, trụ sở Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, nơi có thư viện phục vụ bà con đã trở thành địa điểm quen thuộc của người dân làng Bình Vọng, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Việc đến thư viện của làng vào mỗi buổi chiều do vậy cũng chính là niềm vui, nếp quen của nhiều nông dân sống sau lũy tre làng. Từ ngày được tiếp cận thường xuyên với nguồn kiến thức từ sách báo ở thư viện, cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự đổi khác theo hướng tích cực. 


Thư viện cộng đồng góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn - ảnh 1
Thư viện lưu trữ những cuốn sách cũ nhưng có giá trị.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Hàng ngày, cứ từ 14h30 đến 17h, thư viện làng Bình Vọng lại mở cửa để bà con tới tìm đọc sách báo. Thư viện được phát triển từ mô hình tủ sách làng do ông Dương Văn Phi, một cán bộ về hưu, sáng lập năm 1999 với mong ước "mang văn hóa đọc về xã", giúp bà con mở mang kiến thức. Thấy được lợi ích của tủ sách cho mọi người, người dân làng Bình Vọng liền góp công, góp của mua sắm bàn ghế, tủ đựng sách để gây dựng một thư viện khang trang của làng.


Là một thư viện nhỏ cấp cơ sở, nhưng thư viện của làng Bình Vọng lại hoạt động khá chuyên nghiệp. Thư viện làng gồm một phòng đọc và một kho chứa sách. Trong phòng sách, các giá, tủ đựng sách được sắp xếp rất khoa học, dễ nhìn, được ghi chú cẩn thận từng lĩnh vực, giúp người dân tiện tra cứu, tìm sách. Ở đây còn trang bị cả máy vi tính để tra cứu đầu sách. Sách ở thư viện được chia thành 5 lĩnh vực: chính trị xã hội, khoa học kỹ thuật, văn học, pháp luật, thiếu nhi. Ngoài ra, do yêu cầu thực tế của địa phương, thư viện còn có 2 tủ sách riêng đó là sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết; tủ sách người Bình Vọng viết.


Thư viện cộng đồng góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn - ảnh 2
Các cuốn sách được sắp xếp ngăn nắp, khoa học trên giá và tủ sách.

Bà Trần Thị Nga, người dân làng Bình Vọng cho biết, từ ngày về hưu, chiều nào bà cũng tới thư viện để đọc sách. "
Hầu như tôi đọc các thông tin về khoa học, nhất là chữa bệnh cho tuổi già, rồi về nông nghiệp, phương pháp giáo dục cho trẻ em và cũng tìm hiểu về thơ. Tới đây đọc sách báo cũng giúp cho tôi rất nhiều. Ví dụ như phòng bệnh, chữa bệnh của tuổi già tôi cũng nắm được rất nhiều để mà phòng bệnh cho mình và phòng bệnh cho mọi người. Các cụ già không đi được hoặc chưa biết được thì mình có thể truyền đạt lại cho thông tin đấy cho họ nghe để họ nắm được và làm theo" - bà chia sẻ.


Thư viện cộng đồng góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn - ảnh 3
Sách được đánh số để thuận tiện cho việc quản lý và cho mượn


 Thư viện làng Bình Vọng đã góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương. Tới đây, trẻ em có thêm những cuốn sách hay để trau dồi kiến thức, lớp trẻ thì đọc sách để học cách quản lý kinh tế, làm giàu, nông dân đọc để học cách chăn nuôi, trồng trọt… Ông Trần Kim Phụng, người dân làng Bình Vọng, cho biết:
"Thư viện có nhiều sách nghiên cứu nhất là các vấn đề về nông nghiệp. Tôi thường đọc báo Nhân dân, Nông nghiệp. Báo Nhân dân tôi hay xem chuyên đề về chính trị, về nông nghiệp thì đi sâu về các kỹ thuật về nông nghiệp, xem thời vụ hiện nay đang có vấn đề gì trong nông nghiệp. Xem bài báo ấy xem người ta hướng dẫn cách trị cho khỏi sâu bệnh. Hay trong chăn nuôi nó phát dịch những bệnh của gia cầm thì xem thuốc nào trong sách người ta hướng dẫn thì mình mua về".


Từ 200 cuốn sách ban đầu, đến nay thư viện làng Bình Vọng có tới 8.000 cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn có giá trị. Thư viện hình thành theo mô hình xã hội hóa, do đó, người dân làng đều có ý thức mang sách đến đóng góp cho thư viện để mọi người dùng chung. Ông Lương Kim Thiệu, Phỏ Chủ nhiệm thư viện làng Bình Vọng, cho biết: "
Nhân dân chúng tôi có quan niệm là ngoài thông tin ở những kênh khác như nghe nhìn thì chúng tôi còn có văn hóa đọc. Mọi người thích đọc vì trong này chúng tôi thường xuyên nhận được những nguồn hỗ trợ sách của thư viện thành phố, thư viện huyện nên chúng tôi có nhiều đầu sách mới. Chúng tôi cũng có nhiều con em ở xa mang về biếu tặng những bộ sách có giá trị. Văn hóa đọc đã tác động đến nhiều tầng lớp".


Thư viện cộng đồng góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn - ảnh 4
Các bậc cao niên trong làng thường tới thư viện đọc báo mỗi buổi chiều


 Qua 15 năm hoạt động, thư viện đã đón gần 115.000 bạn đọc, bình quân mỗi tháng có gần 1.000 người đến đọc, mượn sách. Trong đó, có 50% là các độc giả cao niên, 40% là thanh, thiếu niên. Thư viện mở cửa vào các buổi chiều các ngày trong tuần để mọi người đến đọc sách báo. Các em trong xóm, ngoài việc đọc trực tiếp trên thư viện còn có thể mượn về nhà tham khảo vào hai ngày thứ năm và thứ bảy trong tuần. Thư viện làng Bình Vọng còn cấp 515 thẻ đọc sách cho các em để đảm bảo công tác lưu trữ sách. Việc bảo vệ, xây dựng và phát triển thư viện là nhiệm vụ chung của người dân trong làng, nhưng nòng cốt là 114 cao niên tình nguyện tham gia cùng nhau điều hành hoạt động của thư viện. Ông Lương Kim Thiệu cho biết: 
"Ở đây chúng tôi xã hội hóa hoạt động thư viện. Đây là một cách hiệu quả. 114 cộng tác viên viên được chia làm 8 tổ. Trong đó 7 tổ trực theo ngày, còn 1 tổ chuyên môn phục vụ khách tới tham quan, giới thiệu sách. Mạng lưới cộng tác viên này tham gia đến để phục vụ bạn đọc. Những người được phân công đến, đúng ngày của mình thì đến đấy trực, đọc sách báo và phục bạn đọc, liên tục trong cả năm, chỉ trừ những ngày lễ trọng của làng".


Từ khi có thư viện, bà con dần hình thành thói quen đọc sách, trẻ em ham học hơn, tỉ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của làng cũng cao hơn trước nhiều; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng được nâng cao. Ông Lương Khắc Huyên, cán bộ hưu trí làng Bình Vọng, cho rằng:
"Thư viện ngày một phát triển. Đến đây xem cũng giúp mở mang được nhận thức, hiểu biết được chính trị xã hội trong nước, trên thế giới. Thư viện giúp tất cả mọi người có ý thức, lối sống, từ đó để giáo dục con người, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa".

Hàng năm thư viện Bình Vọng thường đón nhiều đoàn khách từ các nơi về tham quan, trong đó có cả đại diện Thư viện Hoàng gia Thụy Điển đến tham khảo mô hình và kinh nghiệm tổ chức thư viện cộng đồng của làng. Thư viện làng vừa là nơi gặp gỡ giao lưu của người dân, vừa là địa điểm để bà con tìm hiểu thông tin, kiến thức. Việc xây dựng Thư viện làng đã thúc đẩy phong trào học tập cộng đồng tại địa phương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của ngôi làng ven đô./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác