Ẩm thực của người Mường ở Hòa Bình

(VOV5) - Văn hóa ẩm thực của người Mường được tạo lên từ những món ăn đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối như món rau đồ, món cá suối, món thịt lợn. Ngày nay những món ăn đặc trưng này vẫn được cộng đồng người Mường Bi ở Hòa Bình chế biến trong bữa cơm hàng ngày hay trong mâm cỗ ngày lễ tết.


Ẩm thực của người Mường ở Hòa Bình - ảnh 1
Món cá suối nướng của người Mường Vang. Ảnh: baohoabinh

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Từ những sản vật của núi rừng, ngọn rau, con cá, hay hạt lúa trồng trên nương người Mường Bi ở Hòa Bình biết chế biến thành những món ăn cực kỳ hấp dẫn mang hương vị đặc biệt của núi rừng. Trong bữa ăn hàng ngày, đầu tiên phải nhắc tới món rau đồ. Chị Bùi Thị Diên cho biết khí hậu ở Hòa Bình mát mẻ hiền hòa, là điều kiện phù hợp để trồng các loại rau củ quả, nhất là rau cải. Chị Bùi Thị Diên cho biết: “Chọn nhiều loại rau như rau đu đủ, rau cải mèo, nếu cho thêm rau lá lốt, rau cải đồng  thì mùi rất thơm. Rau cải mèo thường mùa đông mới gieo trồng, nhanh phát triển. Rau cải đồng tự mọc tự nhiên. Rau cải này thường có vị đắng hơn các loại rau khác, và vị này là vị truyền thống của người Mường”.

Trong món rau đồ của người Mường có lá cây đu đủ nên trong vườn nhà nào cũng trồng loại cây này. Hoa, lá hom, quả non của cây đều được sử dụng để chế biến tạo ra vị đắng cho các món ăn. Về cách chế biến, các loại rau sau khi rửa sạch, được thái nhỏ, trộn đều thêm một ít hoa chuối thái mỏng, rồi đồ lên bằng chõ gỗ. Nước đun sôi, lúc đó mới cho rau vào chõ gỗ để đồ. Sau khoảng 15 phút, khi ngửi thấy mùi thơm của các loại rau, đặc biệt là lá lốt, có nghĩa là rau đã chín: “Rau được đồ chín bằng hơi nên không nát. Đây là món ăn  bình thường. Người ta đi rẫy hái rau về làm món ăn hàng ngày luôn”.

Món rau đồ được ăn kèm mới nước chấm ớt lòng cá. Nước chấm được làm khá cầu kỳ, là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu đầy màu sắc: màu vàng của gừng, màu đỏ của ớt, cà chua, màu xanh của thì lá hành lá, màu trắng của mẻ. Anh Bùi Văn Hai cho biết: “Món rau đồ quen thuộc gồm cả các loại lá trên rừng là những lá thuốc. Khi lấy về chế tạo thành món ăn là rau đồ và chấm với lòng cá rất là ngon. Những vị đắng mỗi một loại có khác nhau. Hoa chuối có vị chát, rau đu đủ có vị đắng, các loại ngọt đắng chát kết hợp với nhau rất là ngon”.

Rau đồ là món ăn trong bữa cơm hàng ngày của người Mường. Còn trên mâm cỗ cúng vào ngày giỗ, ngày lễ tết của người Mường không thể thiếu món cá. Món cá được chế biến thành nhiều món nhưng món cá đặc trưng của người Mường được gọi là ốt đồ. Cá được ướp với nhiều loại gia vị như muối, tiêu, gừng giã nhỏ. Củ xả, ớt thái thật nhỏ, gừng giã nhuyễn được trộn lẫy với nhau rồi nhồi vào bụng cá. Nồi cá hấp được đun trên bếp củi liu riu tỏa ra mùi thơm của cá, của xả quyện lẫn với mùi khói bếp tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt. Ông Bùi Văn Khẩn cho biết: “Món cá thông thường người ta cho vào lá ốt lên, cho đồ cách thủy, bọc trong lá chuối. Con cá tượng trưng con cá biết bơi, biết lội, biết chìm, biết nổi”.

Cạnh món cá hấp thơm ngon, món thịt lợn luộc của người Mường cũng thơm ngon không kém. Thịt luộc được chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Khách thưởng thức món ăn sẽ cảm nhận được độ ngọt của thịt lợn, giòn của bì và mỡ, mùi thơm của lá chuối, hương thơm của hạt dổi và vị đậm đà của muối rang.

Người Mường thường sử dụng lá chuối để bày các món ăn. Ông Bùi Văn Khẩn lý giải:  “Các thức ăn đều cho vào lá chuối. Lá chuối thì lấy lá ở ngọn. Tổ tiên ngày xưa chắc là nghèo khổ dùng lá gói, bọc thức ăn nên đến giờ phong tục đó vẫn còn. Thịt để trên lá chuối có mùi thơm, dễ xếp mâm cỗ hơn. Để trên lá chuối ai thích ăn món nào cũng dễ”.

Mâm cỗ thường bày trên mẹt có lót lá chuối đã hơ lửa và người Mường thường gọi là cỗ lá. Trên mỗi mẹt lá bày đủ các món nướng, luộc, hấp và được sắp xếp rất đẹp mắt. Thưởng thức cỗ lá, khách phương xa cảm nhận được tình cảm mộc mạc, chân thành thông qua cách bày cỗ, cảm nhận được lễ giáo, phép tắc thông qua cách ngồi, cách ăn… của người Mường. Cỗ lá là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, chứa đựng ân tình của con người đối tổ tiên, với đất, trời, núi rừng./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác