Bản làng người Nùng ở Chi Lăng, Lạng Sơn

(VOV5) - Nhiều du khách tới thăm Lạng Sơn, mảnh đất địa đầu phía Bắc Việt Nam đều rất ấn tượng với những bản làng của người Nùng bình yên bên thung lũng, sườn đồi, những dòng suối thơ mộng. Bản người Nùng ở huyện Chi Lăng với tập tục sinh hoạt bình dị của người dân đem lại cảm giác vừa  bình yên, vừa ấm áp tình người. 

Bản làng người Nùng ở Chi Lăng, Lạng Sơn - ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Lạng Sơn)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Cách thủ đô Hà Nội khoảng 120 km, huyện Chi Lăng, thuộc tỉnh Lạng Sơn, là vùng đồi núi có địa thế hiểm trở với di tích Ải Chi Lăng nổi tiếng, gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là nơi có đông đồng bào dân tộc Nùng sinh sống. Cả huyện Chi Lăng có 19 xã thì xã nào cũng có bà con dân tộc Nùng. Cũng như những nhóm người Nùng ở các địa phương khác, người Nùng ở Chi Lăng vẫn duy trì được nhiều nét văn hóa độc đáo, mang bản sắc  riêng của dân tộc mình. Bà Triệu Thủy Tiên, cán bộ văn hóa của tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Người Nùng vốn từ xưa tới nay sống quy tụ thành làng thành bản, cũng có thể thành họ tộc trong địa bàn. Người Nùng sống quần cư, cố kết với nhau. Từ xa xưa, người Nùng  có  quan niệm giống như  người miền xuôi từng nói “ bán anh em xa mua láng giềng gần” với ngụ ý người ở xa chẳng bằng  anh em ở ngay chân cầu thang nhà mình, lửa sáng có thể xin nhau. Điều này còn thể hiện sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư".

Những bản của người Nùng thường ở địa thế cao hơn. Đây không đơn thuần phải do tập quán sinh sống, mà từ nguồn gốc lịch sử.  Từ đường quốc lộ 1A nơi có tấm bảng di tích lịch sử  "Ải Chi Lăng" rẽ vào con đường với nhiều đèo dốc, sỏi đá lởm chởm, đi chừng khoảng 30 - 40km nữa mới tới được các bản Co Hương, Thằm Nà và Suối Mạ ở độ cao 1.200 - 1.300m so với mực nước biển. Tuy đi lại khó khăn, nhưng bù lại vùng đất này được thiên nhiên ban tặng những cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Du khách tới đây như lạc vào một thế giới khác. Đó một vùng cao nguyên xanh, những đàn dê, đàn ngựa của đồng bào dân tộc nhởn nhơ gặm cỏ. Đã từ lâu, đồng bào dân tộc Nùng ở các bản này rất giỏi trong chăn nuôi gia súc. Cuộc sống làng quê ở đây luôn yên ả. Sự mến khách, lối sống, ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc cũng để lại cảm xúc khó quên trong lòng mỗi người khi có dịp qua đây.

Những năm gần đây, ở những bản làng ở vùng thấp hơn, bà con còn kết hợp chăn nuôi, trồng lúa với trồng cây công nghiệp, cây ăn quả để phát triển kinh tế. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, một số người tình cờ mang cây na về trồng thử trên những sườn núi đá vôi, thung lũng khô cằn ở Chi Lăng. Vậy mà không ngờ, cây na lại bén “duyên” với vùng đất này, đến nay trở thành loại cây chủ lực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào dân tộc ở đây. Bà Triệu Thị Nhất, dân tộc Nùng ở xã Chi Lăng, cho biết: "Gia đình chúng tôi giờ vừa trồng lúa, trồng na và chăn nuôi. Trong đó cây na là nguồn thu nhập, nguồn sống chủ lực. Nhờ đó gia đình tôi xây sửa nhà và sắm thêm các đồ tiện nghi trong gia đình".
Cùng với sự đi lên của xã hội, những bản làng người Nùng ở huyện Chi Lăng đã đổi thay. Không còn nhiều những ngôi nhà sàn, nhà đất truyền thống, thay vào đó nhiều ngôi nhà gạch, nhà tầng được xây dựng khang trang đẹp đẽ.

Trong cuộc sống hôm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng con cháu các dòng họ trong các bản người Nùng vẫn duy trì truyền thống đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác