Bàn thờ và hệ thống tín ngưỡng của người Sán Chỉ

(VOV5) - Trong 54 dân tộc Việt Nam, cộng đồng Sán Chỉ là tộc người có hệ thống bàn thờ  khá đồ sộ bởi  họ chịu ảnh hưởng của nhiều đạo và tín ngưỡng. Ngoài những tín ngưỡng nguyên thủy như thờ tổ tiên, làm ma cho người chết, thờ ma dòng họ, bùa, ngải, thần chăn nuôi, các nghi lễ nông nghiệp, người Sán Chỉ còn chịu ảnh hưởng của nho giáo, đạo giáo và phật giáo. 


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Trong nhà người Sán Chỉ, trên tầng cao nhất người ta sẽ thờ Ma ham, tức là ma dòng họ hay còn gọi là ông tổ của dòng họ. Bàn thờ Ma ham được bố trí đơn giản, chỉ có bát hương. Với người Sán Chỉ thì đây là bàn thờ linh thiêng nhất, không ai được đụng vào trừ ngày lễ hoặc ngày có công việc lớn. Tuy nhiên, việc thờ Ma ham chỉ có người Sán Chỉ ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang và ở tỉnh Tuyên Quang là thờ cúng. Tiến Sĩ Đặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện gia đình và giới, cho biết: "Riêng trong nghi lễ gia đình có nghi lễ đặc trưng đó là nghi lễ thờ Ma ham. Một tín ngưỡng đa thần. Tùy theo dòng họ, tùy theo gia đình, họ có một bàn thờ đặc biệt, họ treo trong nhà và có thờ cúng riêng cho dòng họ đó. Thờ Ma ham là biểu tượng siêu nhiên, vị thần cai quản trong ngôi nhà ấy. Thuật ngữ Ma ham là vị thần cai quản các vị thần trong nhà và chăm sóc đặc biệt về sức khỏe, đặc biệt với trẻ em. Nghi lễ này được diễn ra hàng năm trong hộ gia đình. Thông thường vào dịp năm mới làm lễ và cuối năm làm lễ cảm ơn".


Bàn thờ và hệ thống tín ngưỡng của người Sán Chỉ - ảnh 1

Bàn thờ của người Sán Chí ở Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: backantv.vn

Ở dưới bàn thờ Ma ham là bàn thờ Ngọc Hoàng thượng đế. Bàn thờ được trang trí bằng những tờ giấy đỏ che kín phía ngoài. Tại bàn thờ này, ngoài Ngọc Hoàng người ta còn thờ Tam thanh, 3 vị thần tiên tối cao trong đạo giáo. Quả thực người Sán Chỉ chịu ảnh hưởng của đạo giáo với triết lý về thế giới 3 tầng rõ rệt: tầng trên cùng là tầng cao nhất do Ngọc Hoàng và các thánh thần ngự trị. Tầng ở dưới là tầng con người và muôn vật sinh sống. Tầng thứ ba là tầng âm phủ, là thế giới của ma quỷ, là con người ta đi về khi chết đi. Và theo người Sán Chỉ, cả 3 tầng này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tiến sĩ Trần Bình, giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: "Con người sống ở giữa là có liên hệ với thế giới bên trên và có liên hệ với thế giới âm phủ. Ở trên họ theo dõi, họ điều trị, điều chỉnh cuộc sống ở dưới. Người ta tin là như vậy, cho nên muốn cái gì là phải cầu cúng. Và trên kia giải thoát cho mình thì được, phù hộ thì được. Còn khi anh chết đi, anh về thế giới âm phủ, nếu trên trần gian anh có nhiều tội lỗi thì xuống dưới anh sẽ bị tiêu diệt. Giam vào ngục chẳng hạn. Cho nên có 3 cung: thiên cung, địa cung và thủy cung. Theo đạo giáo là như vậy. Tất cả hành vi của họ trong cuộc sống đều hướng theo cái đó".

Bàn thờ và hệ thống tín ngưỡng của người Sán Chỉ - ảnh 2

Mâm cúng trong ngày lễ cầu mùa của người Sán Chay ở Phú Thọ. Ảnh: Làng Việt


Đặt ngang hàng với bàn thờ Ngọc Hoàng nhưng ở phía tay trái, nhìn từ ngoài vào là bàn thờ tổ tiên với các đời trong dòng họ, phía tay phải là ban thờ Tam bảo. Chịu sự ảnh hưởng của phật giáo nên tại ban thờ Tam bảo, người Sán Chỉ thờ Phật tổ Như Lai hoặc Phật tổ Di Lặc để cầu an và thờ Quan âm Bồ tát với mong muốn giải thoát con người khỏi những khổ đau, đói rách, thờ Vân thù Bồ tát để cầu trí tuệ. Thậm chí, người Sán Chỉ còn thờ cả Thiện tài đồng tử, vị phật sinh ra của cải vật chất để mong phú quý, giàu sang. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Bình, lại có sự khác biệt giữa người Sán Chỉ với các tộc người cùng theo đạo phật khác: "Ở đây người Sán Chỉ thờ phật nhưng không cầu kinh. Nơi thờ cũng khác , những người thân chết đi nhưng chưa trưởng thành tức chết lúc còn trẻ, chết yểu thì người ta lại có ban thờ riêng không đưa lên ban thờ tổ tiên. Thường có bàn thờ nhỏ bên cạnh, treo lên cái tường, cái vách đó. Trước đây người ta đóng rất đẹp, mặc dù nó nhỏ thôi nhưng đóng bằng gỗ rất tốt và sơn son thiếp vàng, trạm khắc cầu kỳ".

Bàn thờ và hệ thống tín ngưỡng của người Sán Chỉ - ảnh 3

Tranh thờ: Thần Nông (Ảnh trái) - Bộ tranh 2 bức của dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ do nghệ nhân Đông Hồ thể hiện


Theo Tiến sĩ Trần Bình, trong hệ thống bàn thờ này, nếu như gia đình có người làm nghề thầy cúng, ở dưới 3 ban thờ này họ sẽ cúng thờ thêm vị tổ nghề. Và ở dưới đất họ sẽ thờ thần tài, chuyên lo toan chuyện giàu có, của cải của ngôi nhà đó. Quan niệm dân gian về thần tài của người Sán Chỉ rất đặc biệt: "Ông thần tài ông cứ bò dưới mặt đất hay chui xó xỉnh nên thờ ông ấy là phải thờ dưới mặt đất. Và ông này chết do bị đánh độc nên khi cúng là phải ăn một tí, cúng một hộp bánh thì phải mở ra ăn một chút, cúng ông ấy điếu thuốc phải hút đi một tí, cúng bẹ chuối phải ăn đi một quả thì ông ấy mới dám ăn".

Bên cạnh hệ thống bàn thờ đồ sộ và linh thiêng, trong nhà người Sán Chỉ còn có nhiều vị trí đặt bàn thờ khác. Để canh quỷ không cho vào nhà người ta thờ môn thần tại cửa. Trong buồng, người ta thờ ma buồng, thậm chí thờ bà mụ để lo toan sức khỏe của phụ nữ và những đứa trẻ trong gia đình. Trong quan niệm của người Sán Chỉ, lực lượng thế giới siêu nhiên rất phức tạp và có quan hệ chặt chẽ với đời sống của chính họ. Mỗi con người khi sinh ra, khỏe mạnh, ốm đau, trưởng thành đều có mối quan hệ chặt chẽ với lực lượng siêu nhiên và bàn thờ trong nhà là cầu nối giữa họ với thế giới siêu nhiên. Và niềm tin đó đến giờ vẫn được họ gìn giữ. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác