Chùa Dơi, ngôi chùa theo dòng Phật giáo Nam tông Khmer

(VOV5) -  Đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer  và chùa Dơi ở Sóc Trăng là một trong những ngôi chùa có quần thể kiến trúc đẹp và độc vào bậc nhất.


Chùa Dơi được xây dựng vào thế kỷ XVI có tên theo ngôn ngữ Khmer là Sêrây Têchô Mahatúp. Đây là ngôi chùa theo dòng Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, Thành phố Sóc Trăng.

Chùa Dơi, ngôi chùa theo dòng Phật giáo Nam tông Khmer - ảnh 1
Chùa Dơi là ngôi chùa theo dòng Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, Thành phố Sóc Trăng. Ảnh: Internet.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Chùa Sêrây Têchô Mahatúp, là gọi theo tiếng Khmer còn theo tiếng Việt thì gọi là Mã Tộc. Tuy nhiên dân gian thường gọi là chùa Dơi, bởi hàng trăm năm nay, nơi đây trở thành điểm di trú tự nhiên của đàn dơi quạ. Chùa Dơi được xem là một bảo tàng hoàn hảo về giá trị văn hóa nghệ thuật lẫn vật chất, từ chi tiết nhỏ đến tổng thể các hạng mục như cổng Chùa, kiến trúc chánh điện, Sala, nhà tăng. Kiến trúc tổng thể của chùa Dơi theo đặc trưng truyền thống chùa Khmer Nam Bộ với các họa tiết điêu khắc, trang trí, hoa văn chủ đạo là hình cánh sen cách điệu vừa hài hòa, vừa tinh tế. Anh Hoàng Văn Việt, công tác trong ngành du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chùa Dơi nằm trong khuôn viên rộng trên 3ha, bao quanh là những hàng cây sao, cổ thụ, tạo cho công trình này một vẻ đẹp hài hòa: “Không gian kiến trúc của chùa Mahatúp nhìn ra ngoài tổng thể từ nhà chánh điện và nhà hội hài hòa với thiên nhiên, với khu vực xung quanh, tạo cảm giác bình yên, thoải mái. Vào đây con người cảm thấy mát mẻ, dễ chịu, tạo cho mình có cảm giác bình yên trong tâm hồn”. 

Ngay khi bước chân vào cổng chùa, một màu vàng óng rực rỡ bao phủ toàn bộ chùa Dơi. Đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân Khmer đã kiến tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp bậc nhất với mái hai lớp ngói màu. Bốn đầu mái là biểu tượng rắn Naga cong vút, được chạm trổ tinh xảo trên đỉnh chùa có một tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa đều có biểu tượng tiên nữ Kemnar với đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời chào đón, chúc phúc khách thập phương đến vãn cảnh chùa. Bước vào chánh điện, những nét văn hóa truyền thống của người Khmer hiện lên rõ nét nổi bật là pho tượng phật Đức Thích Ca Mâu Ni được sơn son thiếp vàng: “Chùa của người Khmer quan trọng nhất là trong chánh điện. Người Khmer theo dòng Phật giáo Nam tông cho nên chánh diện cũng như tổng thể ngôi chùa của người Khmer so với chùa của người Kinh là trung tâm của chánh điện họ chỉ thờ phật thích ca. Trong khi đó chùa của người Kinh ngoài thờ phật thích ca thì còn thờ nhiều vị phật, bồ tát khác. Đó là cách để phân biệt với chùa của người Việt hay của người Hoa”.

Phía ngoài chánh điện được trang trí bằng các hoa văn, phù điêu mang đặc trưng của kiến trúc Khmer Nam Bộ. Đặc biệt có 28 bức tranh được vẽ lên tường miêu tả lại cuộc đời Đức Phật Thích ca, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Xung quanh ngôi chánh điện là những ngôi bảo tháp, nơi để tro cốt của các vị sư sãi cùng người thân quá cố theo phong tục dân tộc Khmer, lát bằng gạch men, mang nhiều kiểu dáng khác nhau.

Chùa Dơi là công trình có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc, đồng thời là nơi gìn giữ truyền thừa bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức các hoạt động lễ hội, lễ tết và là điểm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật, thi đấu thể thao, là nơi học chữ, học giáo lý, mở mang kiến thức, gìn giữ vốn quý văn hóa dân tộc Khmer của cộng đồng. Ông Trần Văn Nam, người Khmer nhà ở gần chùa Dơi, cho biết: “Sáng ra tôi lại chùa thắp nhang. Ở đây hàng năm đến Tết Khmer bà con cũng tập trung gói bánh, nấu cơm nước đêm đến chùa để cúng nhằm tưởng nhớ công ơn những người đã khuất. Ngày rằm, ngày lễ người dân cũng tập trung, đến rằm tháng 8, lễ Đon ta người dân cúng 3 ngày ở nhà sau đem vô chùa cúng viếng rồi nhờ sư đọc kinh, nhớ tới những người quá cố”.

Nét độc đáo của Chùa Dơi còn ở chỗ đây là địa điểm cư trú của đàn dơi quạ quý hiếm từ hàng trăm năm nay. Bước vào khu vườn với vô vàn loại cây cổ thụ xen lẫn những loại cây ăn quả là cảnh hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng trên cành lá. Lúc cao điểm chùa thu hút tới hơn một triệu con dơi và điều đặc biệt là chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa và cũng không bao giờ ăn hoa quả ở trong chùa. Trong ánh sáng của buổi chiều tà vang lên tiếng vỗ cánh, tiếng kêu chí chóe của  đàn dơi gọi nhau đi kiếm ăn đêm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác