Đàn Chapi đong đầy tâm hồn người Raglai

(VOV5) -  Nếu chỉ những người Raglai giàu có mới sở hữu Mã La (một loại cồng chiêng) để gõ trong tất cả các nghi lễ, thì những người Raglai nghèo đã sáng tạo ra cây đàn Chapi, loại nhạc cụ đơn sơ phỏng theo thanh âm của tiếng Mã La.Cách đây chừng 20 năm, bài hát “Giấc mơ Chapi”  của nhạc sĩ Trần Tiến vô tình đã đưa cây đàn Chapi đến gần hơn với công chúng và chính bài hát nổi tiếng này đã khiến nhiều du khách tìm đến các Plây ( buôn làng) của người Raglai để tìm hiểu về cây đàn Chapi và giấc mơ Chapi. 



Nghe nội dung chi tiết tại đây:

“Ở nơi ấy trên ngọn núi cao/ Có hai người yêu nhau/ Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa/ Chỉ có một mùa yêu nhau/ Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi/ Một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui/ Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình / Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/… Ai yêu tự do hãy lên núi nghe tiếng đàn Chapi" Những ca từ mộc mạc nhưng da diết trong bài hát “Giấc mơ Chapi” như vẽ lên bức hoạ đồng quê. Mỗi khi bài hát vang lên mọi người như cảm thấy mọi lo toan, buồn  phiền trong cuộc sống thường ngày tan biến, đưa con người vào khung cảnh của giấc mơ Chapi với thảo nguyên bao la, đời sống du  mục về với thiên nhiên phóng khoáng, ngập tràn bầu không khí tự do lãn mạn nơi miền sơn cước. Trong giấc mơ Chapi, con người dường như chỉ biết yêu thương nhau…Có lẽ bởi thế khi nghĩ về cây đàn Chapi, nhiều người tự hỏi giấc mơ Chapi có thật không? và cây đàn Chapi như thế nào? Với niềm mong mỏi hồi hộp ấy, chúng tôi đã tìm về quê hương của cây đàn Chapi ở vùng núi Khánh Sơn, thuộc tỉnh Khánh Hoà. Theo sự chỉ dẫn của ông Mấu Thái Cư, chúng tôi đến thăm nhà của ông Pi Năng Thuận, một trong những người hiếm hoi còn làm đàn Chapi…

                         

Đàn Chapi đong đầy tâm hồn người Raglai - ảnh 1

Chơi đàn Chapi


Tiếng đàn Chapi vang vọng giữa trưa hè yên ả càng làm khung cảnh núi rừng, thảo nguyên thêm vẻ yên bình. Tiếp đón chúng tôi, ông Pi Năng Thuận cho biết: Người Raglai ngày nay vẫn chơi đàn Chapi trong những dịp hội hè, tuy nhiên giờ đây những người người biết làm đàn và biết chơi đàn Chapi còn rất ít. Thật may trong chuyến thăm nhà ông, chúng tôi được chứng kiến ông đang làm mấy cây đàn Chapi và thế là câu chuyện xung quanh cây đàn Chapi trở nên sôi nổi. Theo ông Pi Năng Thuận, đàn Chapi được làm từ một đoạn cây Lô ô. Ống Lồ ô làm đàn Chapi lý tưởng nhất phải là đoạn ống to có mấu ở hai đầu mà vỏ phải mỏng. Mỗi ống đàn thường có chiều dài chừng hơn 30 cm và đường kính khoảng 10 cm. Sau khi chọn được ống làm đàn, thì dùng dùi sắt nung đỏ để dùi lỗ trên ống đàn. Những lỗ nhỏ có tác dụng chuyển âm khi dây đàn Chapi rung lên. Ông Pi Năng Thuận giới thiệu: "Đây là cây đàn mình đang đục lỗ để hoàn thiện. Nó phải gồm 6 lỗ, hai lỗ ở hai đầu để cho tiếng đàn kêu vang, còn các lỗ trên ống để lưu âm âm thanh, các lỗ trên ông này được đục theo hàng cho có âm điệu…”


Dù làm đàn Chapi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, nhưng động tác của ông Pi Năng Thuận vô cùng chính xác, nhất là cách ông tách thân ống Lồ ô để làm dây đàn. Ông dùng mũi dao nhọn xẻ vào thân ống rổi làm nảy lên những dây đàn. Thành thục 12 lần để làm 12 dây đàn, ông chia làm 6 cặp dây với những âm vực khác nhau, sau đó gài những đốt tre nhỏ làm ngựa đàn để tạo ra những âm điệu phong phú. Hoàn tất công đoạn trang trí cho đàn, ông cầm cây đàn lên ngắm nghía rồi ôm đàn vào lòng, gẩy lên những tiếng đàn đầu tiên. Đó là lúc cây đàn Chapi bắt đầu vang lên tiếng lòng của người Raglai…



Trong chuyến về thăm quê hương của cây đàn Chapi, chúng tôi còn được ông Mấu Quốc Tiến, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian dân tộc Raglai cho biết thêm về lịch sử cũng như sự hiện diện của cây đàn Chapi trong nhưng sinh hoạt văn hoá lễ hội của người Raglai: “Đối với người Raglai, cây đàn Chapi còn gọi là Mã La thu nhỏ. Với lý do là trong các lời ca tiếng hát, trong các làn điệu dân ca, người ta không thể bỏ quên Mã La được. Do vậy đàn Chapi có tiếng như tiếng Mã La nên rất thuận lợi để người Raglai mang đi nương rẫy, rồi có thể cầm đánh đàn Chapi để dạy lớp con cháu sau này. Phụ nữ có thể vừa địu con vừa gảy đàn Chapi. Thành ra cây đàn Chapi cũng là một hệ nhạc cụ của cồng chiêng Mã La của người Raglai.” 



Trong mỗi dịp dân làng ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, những người già lại kể về thời vàng son của cây đàn Chapi. Trong những đêm mưa đầu mùa, người Raglai lại gảy đàn Chapi với bài “con ếch” nghe man mác buồn. Hay những lần đi nương, đi rẫy quên đồ, tiếng đàn chapi lại rộn rã bài “quên đồ” để thông báo cho mọi và ai biết thì đem trả lại. Rồi khi đôi lứa yêu nhau, trong giờ chia tay quyến luyến, chàng trai lại ôm đàn gảy lên điệu “em ở lại anh về”. Đàn Chapi  luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hoá cộng đồng của người Raglai. Sự hiện diên của cây đàn Chapi chính là giấc mơ của những người nghèo, nhưng có tấm lòng rộng mở, phóng khoáng mang theo những niềm mơ ước đơn sơ rằng ai cũng được nghe tiếng Chapi, nghe những âm hưởng của núi rừng.

Phản hồi

Các tin/bài khác