Độc đáo các ngôi chùa Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long

(VOV5) - Đến vùng bà con dân tộc Khơme sinh sống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ấn tượng nổi bật là những mái chùa cong vút, ẩn mình dưới những tán cây dầu, cây thốt nốt. Toàn vùng cư trú của người Khmer ở Nam Bộ có khoảng 600 ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau. Mỗi chùa đều mang những nét kiến trúc đặc sắc chung của đồng bào dân tộc và các chùa Khmer góp phần tạo nên một không gian "thiêng" đặc sắc về văn hoá Nam bộ Việt  Nam.

Nghe âm thanh tại đây:




Đối với người Khmer, chùa không những là nơi thể hiện sự phong phú, đa dạng về kiến trúc và giá trị nghệ thuật mà còn là nơi tu dưỡng, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tôn giáo. Nói về kiến trúc chung của chùa Khmer, ông Lý Lết, Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam, cho biết: Ngôi chánh điện thường trang trí rất đầy đủ, lên các bậc thang kế tiếp là 3 cấp. Ngoài ra nội thất thì có tượng, đặc biệt là tượng rắn, thần rắn 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu. Ngoài ra đi lên cầu thang thì có cột. Kế đó là diềm mái 3 cấp, mỗi mái đều có đầu rồng, thân rồng. Có chùa người ta lợp mái hình vảy rồng. Khi bước vào chánh điện có tượng phật lớn bởi vì chánh điện chỉ thờ duy nhất 1 Đức Phật thích ca.

Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 600 ngôi chùa Khmer. Trong số đó có rất nhiều chùa cổ vài trăm tuổi được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia và trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.  

Độc đáo các ngôi chùa Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 1
Chùa Pitu Khôsa Răngsây. Ảnh: VOV.



Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer cư trú nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, đây cũng là địa phương tập trung nhiều chùa Khmer nhất, trong đó không thể không kể đến Chùa Dơi (hay còn gọi là chùa Mahatup, chùa Mã Tộc), một trong những Di tích lịch sử văn hóa quốc gia có lịch sử trên 400 năm. Điểm độc đáo của chùa Dơi là ngoài việc được chiêm ngưỡng lối kiến trúc chùa cổ với hàng nghìn con dơi quạ trú ngụ mỗi ngày, du khách còn được thưởng thức âm nhạc truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer do chính đội nhạc của chùa hòa tấu: Sau Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh cũng là địa phương có nhiều chùa Khmer, số lượng lên đến trên 140 chùa. Trong đó phải kể đến các chùa như chùa Vàm Ray, chùa Nodol, chùa Hang và chùa Âng. Nổi bật nhất trong số này là chùa Nodol mà người dân và du khách vẫn quen gọi là chùa Cò. Hơn 100 năm nay xung quanh chùa, từ chánh điện đến các khu sinh hoạt, ăn uống của các nhà sư là nơi cư ngụ của hàng trăm chủng loại cò như cò trắng, cò quắm, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, cò mỏ trắng. Chùa cũng là cái nôi của phong trào tu học. Đến nay, chùa đã đào tạo thành danh hàng nghìn tăng sinh và học sinh. Chùa không chỉ là nơi tu học, rèn đức luyện tài cho giới tăng sinh, mà còn tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Với nhiều người Khmer, sư trụ trì chùa vừa là người thầy, người cha tinh thần đùm bọc, giúp họ trưởng thành. Bác sĩ Lâm Kươi, bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Tôi rất biết ơn nhà chùa, các sư sãi đã tạo điều kiện cho tôi được học hành tới nơi tới chốn. Không chỉ riêng bản thân tôi, các anh chị em tôi cũng nhờ sư tạo điều kiện giúp đỡ học hành thành đạt rồi sau này về công tác tại địa phương.

Theo thống kê, hiện tỉnh Trà Vinh có 136/142 chùa Khmer có tổ chức dạy bổ túc chữ Khmer từ lớp 1 đến 5 vào dịp  hè, thu hút gần 11 ngàn người tham gia. Đại đức Giang Thanh, trụ trì chùa Chrôi Tôn Sa, tỉnh Trà Vinh, ngôi chùa được xem là điểm sáng trong đào tạo thế hệ trẻ, cho biết: Ngoài học chữ, các thầy còn dạy các em về đạo đức, về cách ứng xử, chào hỏi ông bà, cha mẹ, thầy cô, cụ già theo phong tục dân tộc. Đồng thời cũng cung cấp kiến thức cơ bản nhất cho các em về văn hóa, nghệ thuật như các điệu múa, hát dân gian, trang phục… để các em hiểu và biết gìn giữ văn hóa của mình”.

Độc đáo các ngôi chùa Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 2
Những hoa văn, kiến trúc hình cong đặc trưng văn hóa Khmer. Ảnh: ivivu.com



Thông thường mỗi sóc của người Khmer có một ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa trung bình có từ 15 đến 30 vị sư sãi, thậm chí có chùa có tới 100 vị sư sãi. Cùng với chăm lo đời sống vật chất, chính quyền các địa phương đều chú trọng đến đời sống tinh thần của bà con dân tộc Khmer, trong đó quan tâm đặc biệt đến các ngôi chùa trên địa bàn. Ông Lý Xinh, Phó trưởng ban dân tộc thành phố Cần Thơ, cho biết: Thành phố Cần Thơ có 12 chùa Khmer theo Phật giáo Nam tông, đặc biệt có chùa Pothisomron ở Ô Môn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa của thành phố. Thành phố cũng rất quan tâm trong việc giúp cho các chùa phát huy truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là phát huy tiếng nói, chữ viết. Những năm gần đây các chùa đều được nâng cấp, sửa chữa rất khang trang.

Ngôi chùa, sư sãi, phật pháp là một phần cuộc sống của mỗi người dân Khmer. Chùa Khmer là biểu hiện cho sự giao thoa văn hóa của các dân tộc. Đây là tài sản quý giá không chỉ đối với người Khmer mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác