Lễ Tạ ơn của người Bana

(VOV5) - Đã trở thành truyền thống, khi đã trưởng thành, có đủ điều kiện về kinh tế, người Bana sẽ tổ chức “Lễ tạ ơn” để tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử trong gia đình của người Bana.

Nghe chi tiết tại đây:



Lễ cúng tạ ơn cha mẹ được người Bana gọi là Khop bơnê kơ me pa thường được tổ chức vào tiết nông nhàn, sau lễ mừng lúa mới. Khi người con lập gia đình, có nhà riêng, thì người đó sẽ gửi lời thông báo đến dòng họ và bố mẹ của mình về việc tổ chức lễ tạ ơn. Tùy thuộc vào mức độ kinh tế khá giả khác nhau, mà người con chuẩn bị lễ vật cúng trong buổi lễ. Đó có thể là một con bò, con heo, đôi khi là vài con gà, nhưng bao giờ cũng phải có ghè rượu cần thơm ngon được chuẩn bị từ  trước. Đây là một trong những phong tục tập quán có từ lâu đời, được các thế hệ người Bana duy trì đến ngày nay. Anh Nguyễn Quang Ngọc, hướng dẫn viên của Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Lễ tạ ơn là một trong nhưng nghi lễ  thể hiện nét đẹp nhân văn trong đời sống tinh thần của  dân tộc Bana. Điều đặc biệt  là người Bana tổ chức buổi lễ cúng  tạ ơn khi cha mẹ của họ còn sống. Đây là dịp người con bày tỏ lòng thành kính, nhắc đến công ơn cha mẹ đã  sinh thành, dưỡng dục con cái nên người. Lễ tạ ơn chính là một hình thức giáo dục thế hệ sau sống phải có hiếu nghĩa, nhớ tới ông bà tổ tiên, có cha có mẹ mới có mình hôm nay”

 

Lễ Tạ ơn của người Bana - ảnh 1
Ảnh: phuongnam.net.vn

Người Bana tổ chức lễ tạ ơn cho cả hai bên nội, ngoại. Nếu bên nào ở gần con hơn  thì sẽ được tổ chức trước, còn bên kia cũng sẽ được chọn ngày để con cháu làm lễ tạ ơn giống như vậy. Điều này nói lên sự công bằng trong  văn hoá ứng xử của người Bana trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Lễ tạ ơn thường kéo dài trong  2 ngày. Ngày đầu tiên tổ chức trong gia đình, dòng tộc, còn ngày hôm sau mới mời bà con, anh em nơi xa đến ăn uống chung vui.

 

Vào ngày được cha mẹ đồng ý, gia đình  người con mang lễ vật đến nhà cha mẹ, đặt ghè rượu  cần ở giữa nhà và bắt đầu làm đồ cúng. Đồ cúng trong buổi lễ một phần cúng ông bà tổ tiên, một phần đem ra ngoài sân cúng thần linh. Thịt bò, hay thịt heo, do tự tay người con làm, được treo vào cây tre đặt bên cạnh ghè rượu. Người con làm lễ sẽ lấy một nhánh lá rừng nhúng vào ghè rượu rồi vảy lên người cha mẹ. Sau đó cha mẹ cùng con khấn vái, mời thần linh, ông bà tổ tiên về chứng kiến sự hiếu thuận của con cháu. Lời khẩn cầu cảm ơn các vị thần linh đem lại sự no đủ, bình yên, hạnh phúc cho gia đình. Sau lễ cúng thần linh, người con sẽ tự tay làm các món ăn ngon dâng lên cha mẹ theo khẩu vị mà cha mẹ mình thích nhất. Theo trình tự buổi lễ, mẹ là người uống rượu đầu tiên, rồi mới đến cha. Trong khi mời cha mẹ uống rượu, ăn uống, người con luôn nhắc lại công ơn sinh thành, nhờ dòng sữa của người mẹ đã nuôi con lớn khôn và nhờ sự dạy dỗ, chở che của người cha mà con cái mới có ngày nay. Khi mẹ nếm rượu cần coi như đã nhận phần đền đáp của con  mình. Rượu được chuyển tiếp cho cha, rồi đến người con. Thông thường con đẻ sẽ uống trước, rồi mới đến con dâu hoặc con rể, sau đó là bà con thân thuộc trong buôn.

 

Theo phong tục truyền thống, những vị khách đến chung vui trong lễ tạ ơn thường mang theo ít gạo, trứng gà đã luộc sẵn và mang một ít tiền để tặng gia chủ, cầu mong mọi sự đều tốt đẹp, chúc gia chủ ngày càng sung túc hơn. Đàn ông thường mang theo ít rượu, có người mang theo nước ngọt, đồ ăn nhà mình có sẵn góp vui cùng gia chủ, trong khi chủ nhà lại bày thức ăn thức uống ra đãi khách, bởi thế tất cả đều ăn uống, hát hò vui vẻ. Ông Nguyễn Ngọc Linh cán bộ dự án trồng cà phê ở tỉnh Kon tum, từng tham dự nhiều lễ hội của đồng bào Bana, chia sẻ cảm xúc:                                 Điểm ấn tượng đối với tôi và nhiều người có dịp tham dự lễ tạ ơn  của người Bana chính là không khí gia đình đầm ấm yên vui, chan chứa tình cảm giữa những thế hệ trong cùng một ngôi nhà. Đến dự lễ cũng là dịp được thưởng thức những món ngon dân dã mang hương vị  đặc trưng của người Bana”

 

Lễ tạ ơn ngày nay vẫn được đồng bào Bana duy trì trong đời sống cộng đồng. Dù có đã thay đổi  chút ít trong cuộc sống hiện tại, như có thêm phần ca nhạc của lớp thanh niên trong buôn làng, nhưng lễ tạ ơn vẫn thể hiện rõ nét đẹp truyền thống, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người tham dự  và có sức lan toả trong cộng đồng dân tộc ./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác