Lễ cấp sắc của người Dao Khâu

(VOV5) - Trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, lễ Quá Tăng (lễ cấp sắc) được coi như là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao. Đặc biệt, người Dao Khâu (một nhóm thuộc cộng đồng dân tộc Dao) quan niệm, người nào chưa được cấp sắc thì khi chết linh hồn sẽ không được đoàn tụ với tổ tiên, không được công nhận là con cháu Bàn Vương. Đặc biệt, nam giới dù lớn tuổi mà chưa cấp sắc cũng chưa được coi là trưởng thành, chưa đủ tư cách để thực hiện các nghi thức cúng bái và tham gia công việc của bản làng. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Con trai Dao từ khi sinh ra đến khi lớn lên, trưởng thành, đến khi trở về với mẹ núi đều phải trải qua ít nhất một lần Quá Tăng (lễ cấp sắc). Đặc biệt, đối với nhóm Dao Khâu, nếu chưa trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao Khâu sẽ khó lấy được vợ. Quá Tăng là 1 nghi lễ quan trọng nhất trong đời của mỗi người đàn ông Dao khâu. Quá Tăng có nghĩa là cấp sắc, xác nhận sự trưởng thành của 1 con người cũng như khẳng định vài trò của cá nhân người đó trong cộng đồng và xã hội.

Một số dân tộc như Mường, Tày, Sán chay cũng có lễ cấp sắc nhưng họ chỉ cấp sắc cho những người muốn làm thầy cúng, còn đối với người Dao nó là 1 đặc điểm mà hầu như người đàn ông Dao nào cũng phải thực hiện. Nếu người đàn ông Dao Đỏ là lễ cấp sắc từ lúc 12 đến 30 tuổi, người Dao Áo dài từ 11-19 tuổi thì đối với người Dao Khâu, con trai từ 11 đến 12 tuổi đã phải làm lễ cấp sắc.

Anh Tẩn La U, cán bộ Bảo tàng Dân tộc tỉnh Lai Châu, cho biết: "
Trong gia đình có con trai từ 11 đến 12 tuổi gia đình, nếu có điều kiện thì sẽ tổ chức công nhận chàng trai đó đã trưởng thành và có thể tham gia mọi công việc trong xã hội, trong cộng đồng người Dao. Nếu thời điểm đó mà chưa tổ chức được thì sau này chết đi, người ta quan niệm là sẽ không về được với tổ tiên. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức tang ma thì dân làng sẽ tổ chức thêm một nghi lễ nhỏ để cấp sắc cho người đó".

Lễ cấp sắc của người Dao Khâu - ảnh 1

Không giống như người Dao Tiền ở Cao Bằng, chỉ cấp sắc khi nam giới đã có vợ, với người Dao Khâu, nam giới chưa được cấp sắc thì không được con gái chọn làm chồng. Ông Tẩn Kim Phu, ở khu phố 6, thị trấn  Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu, cho biết: "Đó là cái lý và bắt buộc con trai phải được cấp sắc. Qua lễ cấp sắc, ai giỏi mà làm được thầy cúng thì sẽ được phong sắc thầy cúng luôn. Nếu không qua được lễ cấp sắc thì dù có giỏi, có học cúng cũng không được cúng. Không cấp sắc là không lấy được vợ, coi như chàng trai đó vẫn chỉ là trẻ con, chưa trưởng thành".

Ngày tổ chức lễ cấp sắc cũng là ngày hội của cộng đồng người Dao. Hôm ấy cả bản làng cùng gia gia chứng kiến và chúc mừng gia đình có con trai được cấp sắc. Chính vì thế, làm lễ cấp sắc rất tốn kém. Các gia đình phải chuẩn bị trước đồ lễ cho lễ cấp sắc từ 2 đến 3 năm. Ông Tẩn Kim Phu cho biết: "Gia đình phải chuẩn bị nhiều lương thực, thực phẩm. Ngày lễ Cấp sắc như là ngày hội của làng, diễn ra rất nhiều nghi thức phức tạp. Họ phải chọn ngày chọn giờ, chuẩn bị lương thực thực phẩm từ 2, 3 năm trước với hàng chục con lợn để mời thầy về cúng. Khi xong lễ thì gia chủ phải có phần để thầy cúng mang về. Vì là nghi lễ cộng đồng trong làng, bà con đều có mặt và ăn uống 2, 3 ngày trời"

Để làm lễ Quá Tăng, những người tham gia nghi lễ phải thực hiện kiêng khem khá chặt chẽ. Trước ngày làm lễ, chàng trai Dao Khâu phải được tắm rửa sạch sẽ, phải làm việc thiện, không được ăn thịt chó, không được quan hệ nam nữ, không được sát sinh. Không riêng gì những người được cấp sắc, những người tham gia nghi lễ cũng không được vi phạm quy định này. Ông Tẩn Kim Phu cho biết thêm: "Tất cả những người dự đám quá tăng kể cả đàn ông, đàn bà trước khi vào đám phải thực hiện đúng quy định. Nếu ai có vợ, có chồng rồi thì đều không được ngủ với nhau trước khi đến dự lễ quá tăng, không được chửi bậy… Phải ăn ở như những người đang chịu khổ. Bước vào lễ Quá tăng kiểu như đang đi vượt cạn, vào khung cảnh coi như tự mình phải đi cứu lấy mình, qua ngưỡng cửa ấy thì coi như đã trở thành công dân chính thức".

Lễ cấp sắc của người Dao Khâu - ảnh 2
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở thôn Khe Lắc, Nông Thịnh, Chợ Mới, Bắc Kạn (Ảnh: Hoàng Nam)

Nghi lễ cấp sắc diễn ra từ 2 đến 3 ngày, thầy cúng sẽ lập đàn cúng tế. Người con trai được bế ra trước đàn, sau khi thầy cúng làm lễ, người ta sẽ cho cậu bé được ngã xuống 1 tấm lưới được căng sẵn. Tiến sỹ Vi văn An nói rằng nghi lễ đó đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông Dao Khâu: "Cái đó đánh dấu sự trưởng thành trở thành công dân chính thức của người Dao Khâu. Cái lưới được làm như lưới nhện, ở dưới có 3, 4 người đỡ, trên lót chăn. Khi người đàn ông này được rơi từ trên đàn xuống sẽ được đưa về ăn uống rồi họ lại cúng dâng cấp những cái đèn. Nếu làm thầy cúng thì sau khi cấp sắc thì đi hành nghề và lại đi cấp sắc lại cho người khác".

Mỗi nghi lễ cấp sắc diễn ra với các điệu nhảy thể hiện sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, múa trong nghi thức tôn giáo bản địa. Các nghi lễ thể hiện đặc thù, đặc trưng văn hóa của người Dao, làm phong phú thêm tinh hoa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác