Người Khơ Mú ở Việt Nam

(VOV5) - Sống chan hòa với các dân tộc ít người trên vùng núi cao ở miền Bắc Việt Nam, người Khơ Mú vẫn giữ cho mình nền văn hóa riêng biệt. Văn hóa của người Khơ Mú là sự tổng hòa giữa những tập tục trong đời sống sản xuất và những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo mang bản sắc riêng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Người Khơ Mú còn có các tên gọi khác như Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy. Đây là một trong những nhóm sắc tộc lớn sinh sống tại khu vực miền Bắc nước Lào. Theo các nhà nghiên cứu, cách đây hơn 100 năm, người Khơ Mú di cư đến một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như: Sơn La, Lai Châu rồi dần lan tỏa tới các địa phương khác. Hiện nay người Khơ Mú có khoảng 73 ngàn người sống ở 44 tỉnh và thành phố. Theo tập quán, người Khơ Mú thường dựng làng ở lưng chừng núi, mỗi bản chỉ vài chục nóc nhà gồm mấy dòng họ cùng chung sống đoàn kết. Theo phong tục cổ truyền, mỗi dòng họ của dân tộc này đều mang tên một loài vật hoặc cỏ cây. Có dòng họ coi thú, chim hoặc lấy một loại cây là tổ tiên ban đầu của mình, nên họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này.

 

Người Khơ Mú ở Việt Nam         - ảnh 1
Bàn thờ của người Khơ-mú. Ảnh: vov4.vov.vn


Người Khơ Mú rất coi trong việc xây dựng nhà cửa. Lễ vào nhà mới là dịp vui nhất của gia đình và cả bản. Chủ nhà thường mổ lợn thiết đãi bà con xóm giềng. Ðây là dịp dân bản trình diễn các sinh hoạt văn nghệ có tính cộng đồng. Nhà của người Khơ Mú là loại nhà sàn , thường có ba gian được dựng trên diện tích đất chênh vênh, chật hẹp. Nhìn bề ngoài ngôi nhà có phần sơ sài, tuy nhiên, kiến trúc bên trong ngôi nhà rất ngăn nắp, sắp đặt rất chặt chẽ, nhất là việc bài trí bếp lửa, nơi thờ thần bếp. Đây cũng là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của người Khơ Mú. Tiến sỹ Vi Văn An, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc ở Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: Ở Việt Nam, người Khơ Mú cư trú tập trung đông nhất tại tỉnh Nghệ An, ngoài ra đồng bào còn cư trú ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ và Thanh Hóa. Một trong những nét độc đáo nhất trong tín ngưỡng của ngươi Khơ Mú liên quan tới nhà cửa thể hiện qua cái bếp trong nhà. Theo tập quán tín ngưỡng này bếp lửa trong nhà không bao giờ để bị tàn lụi, ánh lửa không bao giờ tắt chứng tỏ sự sung túc của con cái trong nhà và liên tưởng đến tổ tiên có nghĩa là ngọn lửa chính là dòng kết nối giữa tổ tiên với các thế hệ sau, nên không bao giờ bị đứt đoạn.

 

Từ bao đời nay, người Khơ Mú sống gắn chặt với núi rừng, thiên nhiên hoang dã. Người Khơ Mú chủ yếu trồng lúa, ngô trên nương, ít khi trồng lúa nước và cây trồng chính là ngô, khoai, sắn. Trong canh tác, người Khơ Mú dùng dao, rìu, gậy chọc hốc là chính. Người dân tộc Khơ Mú chăn nuôi gia súc, gia cầm chỉ để phục vụ dịp lễ lạt, tiếp khách. Nghề đan lát phát triển, họ đan các đồ dùng để vận chuyển, chứa lương thực... Người dân tộc Khơ Mú không phát triển nghề dệt vải,  nên thường mua quần áo, váy của người Thái đen để mặc.

 

Đời sống hôn nhân trong cộng đồng Khơ Mú rất được cộng đồng chú trọng. Cha mẹ tôn trọng ý kiến của con cái, nhờ vậy gia đình người Khơ Mú thường sống hạnh phúc, không mấy khi xảy ra bất hoà. Ở gia đình người dân tộc Khơ Mú, vợ chồng sống bình đẳng, chung thủy. Người Khơ Mú có tục cưới rể một năm, sau đó mới đưa vợ về nhà mình. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, còn nếu có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố.

 

Người Khơ Mú ở Việt Nam         - ảnh 2
Bản làn Pa Xa Xá dưới chân núi Pa Thơm, nơi sinh sống của người Khơ-mú.
 Ảnh: laodong.com.vn



Dân tộc Khơ Mú có vốn truyền thống văn hóa tinh thần phong phú với nhiều nghi lễ cúng và lễ hội quan trọng như: lễ tết, lễ mừng nhà mới, lễ vía...Đặc biệt, những nghi lễ cúng thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc Khơ Mú. Ông Bùi Minh Thế, cán bộ nghiên cứu văn hóa dân tộc người Khơ Mú, cho biết: Những gia đình người Khơ Mú có điều kiện thường tổ chức 2 lễ cúng trong một năm. Lễ cúng đầu năm diễn ra sau Tết nguyên đán. Các gia đình người Khơ Mú chuẩn bị rượu, thịt tập trung con cháu về cúng tạ ơn tổ tiên phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi. Dịp cúng thứ 2 diễn ra vào tháng 6 âm lịch, vào dịp thu hoạch lúa mùa xong  hay gieo trồng được loại cây mới trên đồng ruộng của mình.


Người Khơ Mú có nhiều làn điệu dân ca, mang âm hưởng của núi rừng. Làn điệu dân ca được nhiều người ưa thích là hát Tơm. Làn điệu này mang đậm tính sử thi, trữ tình, cách hát theo đối đáp rất tình cảm. Người Khơ Mú thích múa xoè, các nhạc cụ được sáng tạo từ các vật liệu tre nứa có sẵn trong thiên nhiên với các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa tự tạo, đặc biệt là thổi kèn môi.


Người Khơ Mú còn rất nhiều phong tục lạ và nhiều món ăn đơn giản nhưng hương vị rất đặc biệt. Người Khơ Mú nổi tiếng về sự mến khách. Nếu một lần đến thăm bản làng người Khơ Mú, chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách những cảm nhận, kỷ niệm quên.    


Phản hồi

Các tin/bài khác