Tập tục thờ thần bếp của người Hà Nhì

(VOV5) -  Theo truyền thống, khi ngôi nhà Tường trình được làm xong, thì việc đầu tiên của một gia đình người Hà Nhì là rước thần lửa về nhà.


Trong đời sống thường ngày, người Hà Nhì rất coi trong nước và lửa. Theo quan niệm từ xa xưa, nếu nước là nguồn sống, thì lửa là sức mạnh duy trì cuộc sống. Bởi vậy, trong những ngôi nhà của người Hà Nhì, bếp lửa có vị trí quan trọng và người Hà Nhì ngày nay vẫn giữ tục thờ thần bếp. Bên bếp lửa, người Hà Nhì thường đặt một hòn đá thiêng, coi đây là hiện thân của thần bếp, vị thần trông coi sự ấm êm trong đời sống gia đình.  


Tập tục thờ thần bếp của người Hà Nhì    - ảnh 1
Ảnh: Bản làng Y Tý – Lào Cai (Nguồn: Internet)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Là dân tộc sinh sống trên vùng núi cao, khí hậu quanh năm sương mù ẩm ướt, người Hà Nhì đã sớm biết cách tổ chức cuộc sống thích nghi với khí hậu, gắn bó với thiên nhiên, núi rừng. Nhà ở của người Hà Nhì là loại nhà Tường trình làm bằng đất nện, có tường dày, mái lợp lá, nên mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Theo truyền thống, khi ngôi nhà Tường trình được làm xong, thì việc đầu tiên của một gia đình người Hà Nhì là rước thần lửa về nhà. Từ xa xưa, người Hà Nhì cho rằng lửa được sinh ra từ đá, nên trước khi về nhà mới, đồng bào lên núi cao chọn một hòn đá ở nơi con người chưa dẫm chân hoặc bước qua. Khi chọn được hòn đá ưng ý, đồng bào mang về đặt ngay bên cạnh bếp để cúng thần. Theo quan niệm của đồng bào, hòn đá thiêng này chính là nơi trú ngụ của vị thần lửa, thần bếp, thần thổ địa trong nhà. Người Hà Nhì luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại nhiều may mắn, ấm no và hạnh phúc cho gia đình. Ông Lý Giờ Có, dân tộc Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cho biết: “Cái bếp của người Hà Nhì có đặc điểm là có một viên đá. Viên đá này tượng trưng cho thần thổ địa. Vào các ngày lễ tết, người ta cúng viên đá ấy chính là cúng thần bếp, thần thổ địa và cúng thờ tổ tiên”.

Với quan niệm như thế, mỗi khi vào ngôi nhà mới, chủ nhà bao giờ cũng mổ lợn để dâng cúng vị thần bếp và mời bà con họ hàng đến cùng chung vui. Vào những dịp lễ, Tết thần bếp được chủ nhà mời một chiếc bánh dày và một chén rượu để cảm ơn thần đã giữ cho ngọn lửa cháy quanh năm trong ngôi nhà của mình. Trong đời sống thường ngày, hầu hết các sinh hoạt của người Hà Nhì đều diễn ra quanh bếp lửa. Bếp vừa là nơi nấu nướng, vừa là nơi tiếp khách, đồng thời cũng là không gian thờ thần bếp, thần thổ địa. Cũng chính bởi vậy, bếp của người Hà Nhì là không gian linh thiêng và thường gắn với nhiều tập tục kiêng kỵ. Không ai được giẫm chân lên hòn đá, bước qua hay gõ cây que lên đầu thần bếp. Theo tập tục của chế độ mẫu hệ, toàn bộ việc chăm sóc bếp lửa là của các bà mẹ và hầu như chỉ những phụ nữ và người trong nhà mới vào bếp. Bếp không chỉ là nơi nấu chín thức ăn, mà còn thể hiện đức hạnh của người phụ nữ. Mỗi sáng, việc đầu tiên của phụ nữ Hà Nhì là nhóm lửa đun nước. Hành động nhóm lửa này mang ý nghĩa chứng tỏ sự chăm sóc cho gia đình. Trong những ngày đầu năm mới, ngày lễ Tết việc thắp lửa cũng thể hiện sự biết ơn vị thần bếp, sự tri ân đối với tổ tiên. Không gian bếp cũng là nơi những người phụ nữ trong nhà trò chuyện, chia sẻ vui buồn. Cũng bởi vậy, khi khách đến nhà chơi phải được phép của chủ nhà mới được vào bếp. Ông Trần Hữu Sơn cán bộ Sở văn hoá thông tin tỉnh Lào Cai, cho biết: “Bếp của người Hà Nhì rất quan trọng và hòn đá là biểu tượng của thần bếp, nhưng lại mang tính nữ, bởi vì ngày xưa chỉ có phụ nữ mới được chăm sóc hòn đá thần này. Cứ đến ngày đầu năm mới, cuối năm  bao giờ người phụ nữ trong nhà cũng cho vị thần đá này uống ít rượu, ít trà và ăn bánh. Và trong nghi lễ đó, nếu gia đình nào không có bà vợ, thì người con gái đi lấy chồng xa phải về làm việc đó”.

Người Hà Nhì còn có tục vào tối 30 Tết, cả nhà ngồi quay quần bên bếp lửa nghe người già kể về nguồn gốc con người và tổ tiên, về truyền thống dòng họ. Đây cũng là dịp để truyền dạy cho con cháu tưởng nhớ tới tổ tiên và nhớ đến những người trong dòng họ.

Ngày nay, dù cuộc sống của người Hà Nhì có nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập nhiều nét văn hoá các dân tộc khác. Tuy nhiên, nhiều phong tục tập quán, tập tục thờ thần bếp của người Hà Nhì vẫn được duy trì, tạo nên nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi dịp tới thăm bản làng của người Hà Nhì.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác