Tượng nhà mồ của người Bana

(VOV5) - Trong kho tàng văn hoá của các dân tộc ở Tây Nguyên, điêu khắc tượng nhà mồ được coi là nét văn hoá mang bản sắc độc đáo. Những bức tượng nhà mồ của người Bana không chỉ là các sản phẩm điêu khắc dân gian đơn thuần, mà qua đó còn thể hiện quan niệm triết lý về cuộc đời. 


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Là dân tộc cứ trú lâu đời giữa vùng đại ngàn, sống gần gũi với thiên nhiên, người Bana luôn tâm niệm con người từ rừng mà ra và khi chết lại trở về với rừng. Người Bana tin rằng cái chết chưa phải là hết. Bên cạnh cuộc sống thực tại, vẫn tồn tại một cuộc sống khác đó là thế giới của người chết, của thần linh. Từ quan niệm này, người Bana có một lễ hội rất độc đáo, đó là lễ bỏ mả (lễ tiễn biệt người chết về thế giới của thần linh). Cũng với ý nghĩa đó, lễ bỏ mả không phải để khóc than, mà người dân trong buôn còn đánh cồng chiêng, uống rượu cần, múa hát vui vẻ như một nghi thức tiễn biệt lần cuối. Và một trong những thứ không thể thiếu trong lễ bỏ mả đó là dựng tượng nhà mồ. Đây được như một cách bày tỏ tình cảm của người đang sống với người đã khuất. Họa sỹ Đinh Tiến Hải, người dành nhiều năm nghiên cứu về văn hoá, nghệ thuật Tây Nguyên, cho biết: "Khi mà một người chết đi, thì họ cho đấy chưa phải là chết, mà chuyển từ trạng thái động sang trạng thái tĩnh. Theo quan niệm trước đây, tất cả của cải trong nhà của người Bana, có cái gì đều chia cho người chết một phần, nhưng vật dụng đó đều làm khác đi, hoặc bị đục thủng hoặc làm cho nó méo mó đi. Đến lễ bỏ mả, người ta cho rằng người chết sẽ vĩnh viễn dời xa thế giới con người, nên người sống dành hết tình  cảm của mình để làm tượng nhà mồ. Những bức tượng nhà mồ này được dựng ở khu nhà mồ sẽ thay cho người sống theo người chết vào thế giới hỗn mang, thế giới của thần linh. Lễ bỏ mả xong thì những bức tượng sẽ mãi ở đó".


Tượng nhà mồ của người Bana - ảnh 1


Để làm tượng nhà mồ, người thân trong gia đình và dòng tộc mang chà gạc ( rìu) vào rừng chặt cây, đẽo tượng. Họ chọn cây gỗ có đường kính khoảng 30 cm trở lên để đục đẽo tượng. Chỉ bằng cái chà gạc, con dao rừng, cái đục, các nghệ nhân và người dân trong buôn đẽo tượng nhà mồ thường không theo tỉ lệ, kích thước nhất định, mà chỉ bằng cảm nhận, họ dồn tình cảm để khắc hoạ nét biểu cảm hay thể hiện những suy tưởng triết lý về cuộc sống. Có lẽ vì thế nên có người chỉ đẽo được một bức tượng duy nhất trong đời và chính điều này, làm cho tượng nhà mồ trở nên rất sinh động, đa dạng và có“ hồn”.



Những bức tường trong khu nhà mồ có khi chỉ là hình chim, thú hay những đồ vật thường ngày. Nhưng phần nhiều gồm cả quần thể tượng, có tượng người đứng, người ngồi, đang ôm nhau như khi đang sống, mỗi người một khuôn mặt..Hình tượng phổ biến nhất ở khu nhà mồ là tượng người ngồi, chống tay lên đầu gối, đôi bàn tay ôm lấy má, đôi mắt như u buồn nhìn về phía xa xăm. Có ý kiến cho rằng: hình tượng này thay cho người thân trong gia đình ngày đêm ngồi bên mộ trò chuyện, than khóc. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều tượng miêu tả cảnh tượng vui vẻ của con người như: tượng gõ trống, đánh cồng chiêng, giã gạo, người phụ nữ mang bầu, thậm chí có cặp tượng miêu tả cảnh giao hoan nam nữ…Nhìn những bức tượng này, người xem không có cảm giác sợ hãi, mà còn gợi những triết lý nhân sinh sâu sắc. Cái chết chưa phải là hết, mà còn bắt đầu cho sự sống mới. Tất cả hướng tới niềm khát khao, đó là vượt qua nhân duyên, đoạn trường, để rồi lại được trở về với kiếp con người. Hoạ sỹ Đinh Tiến Hải, cho rằng: Các nhà điêu khắc bây giờ có thể làm những bức tượng rất đẹp, nhưng để có được tượng nhà mồ sống động như thế thì không phải ai cũng làm được. Bởi người ta làm tượng nhà mồ không chỉ là yếu tố vật chất, mà còn là yếu tố tâm linh. Họ đã dồn nén cả đời sống tinh thần trong các bức tượng nhà mồ, bởi thế các bức tượng rất sống động.  


     
Tượng nhà mồ của người Bana - ảnh 2


Những nhà điêu khắc dân gian đã mang lại sự gần gũi của đời thường vào các tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên. Khi xem tượng nhà mồ, có thể hiểu phần nào nét văn hoá vùng miền cũng như những phong tục tập quán độc đáo. Người chết khi còn sống hình dáng thế nào, làm nghề gì, tính cách ra sao…tình cảm của gia đình đối với người chết thế nào.. phần nào được thể hiện qua các tượng nhà mồ.  Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết: "Cả Bắc và Nam Tây Nguyên, người ta rất quan trọng chuyên dựng tượng nhà mồ. Người ta chau chuốt, tỉ mỉ, làm những gì đẹp nhất cho người chết. Tuy nhiên cũng có điểm khac nhau: miền Bắc Tây Nguyên, chủ yếu tạc tượng về con người, trong khi ở vùng Nam Tây Nguyên, các hàng rào nhà mồ lại chủ yếu là hình tượng các con vật thân thuộc, gần gũi với con người".


Những bức tượng nhà mồ của người Bana thực sự là những tác phẩm điêu khắc sinh động cho thấy khả năng sáng tạo, trình độ thẩm mỹ và quan niệm sống của dân tộc. Tượng nhà mồ của người Bana góp phần lưu giữ một nét văn hoá dân gian độc đáo ở Việt nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác