Âm nhạc phải hướng đến người nghe

+(VOV5)- Thực tế, việc tổ chức các chương trình hòa nhạc đi kèm thuyết trình đã là chuyện “xưa như trái đất” ở các nước phương Tây. Bằng cớ là, chính thạc sỹ Thúy Uyển cho biết, chị đã học hỏi việc này từ cách làm của một nhạc sỹ nước ngoài thực hiện từ cách nay hơn nửa thế kỷ: Thật ra âm nhạc cổ điển có những giá trị mà trước giờ những người chưa am hiểu loại hình nghệ thuật này cho là quá khó để hiểu, tôi làm chương trình này cũng là bắt chước ý tưởng của nhạc sỹ bên Mỹ. Ông làm những buổi hòa nhạc thế này và giải thích. Đa số là học sinh nhỏ tuổi, không cần có kiến thức nhiều. Những học sinh sau khi nghe đã trở nên am hiểu về nhạc cổ điển.

Tuy nhiên ở Việt Nam, đây dường như là cái gì đó khá mới, và hơi khó khăn.

Mới ở chỗ, nhiều người vẫn cho rằng, đây là âm nhạc "bác học", phải có kiến thức âm nhạc mới "coi" được. Một số lại quan niệm, đi nghe hòa nhạc là để nghe nghệ sĩ biểu diễn, chứ không phải nghe giảng bài. Số khác nữa lại “lý sự” “nói làm sao hiểu hết được trong một buổi”....

Về khó khăn, dễ thấy, trong khung chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, âm nhạc chưa được quan tâm đúng mức cần thiết. Mặc dù ngay từ bậc mầm non và tiểu học, các em đã có giờ học nhạc, nhưng nội dung giảng dạy phần lớn vẫn chỉ mang tính đơn giản, hình thức.

Từ thực tiễn này, những người dành nhiều tâm huyết với việc nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, nhất là âm nhạc của người Việt như thạc sỹ Đặng Phú Vinh đã luôn trăn trở trước vấn đề: bao nhiêu người có thể hiểu và thưởng thức được cái gọi là "âm nhạc bác học"? Bao nhiêu người tốt nghiệp chính quy từ ít nhất 7 năm ròng rã học ở Nhạc Viện ra trường có thể sử dụng được cái nghề vốn là đam mê, là cái “nghiệp” của họ? Họ đã bỏ không ít công sức, tiền của, thời gian học tập để rồi nhận về mức lương có lẽ chỉ tương đương với một tài xế lái xe.

Và hẳn nhiên, muốn phát triển nghệ thuật biểu diễn, trong đó có âm nhạc, cần có sự ủng hộ cả về tài chính lẫn tinh thần. Nếu không có nhiều người thưởng thức thì sẽ không có nhiều người ủng hộ. Do đó, dự án âm nhạc “Hòa nhạc với thuyết trình dành cho thính giả trẻ” đã được những người tâm huyết là thạc sỹ Nguyễn Thúy Uyển và thạc sỹ Đặng Phú Vinh thai nghén rồi hiện thực hóa. Anh Vinh chia sẻ về cách thuyết trình của mình: Cách nói của mình là nói cho mọi người cùng hiểu, dùng những từ đơn giản, bỏ bớt những từ học thuật trong âm nhạc, cố gắng giải thích một cách dân gian, thoải mái gần gũi nhất, giống như hai người chia sẻ với nhau kiến thức về một điều gì đó. Giống như mình chia sẻ về âm nhạc, bạn mình chia sẻ về một lĩnh vực khác như kiến trúc hay kinh doanh. Vì mình không có kiến thức chuyên môn nên bạn sẽ phải dùng những từ dễ hiểu nhất, gần gũi nhất và dân gian nhất, như là bạn bè nói chuyện với nhau thôi.

Âm nhạc phải hướng đến người nghe - ảnh 1

Trong mong muốn và hình dung của những người làm dự án, các buổi hòa nhạc có thuyết trình sẽ đem lại những lợi ích rất cụ thể. Trước hết, nó "giới thiệu" được âm nhạc với khán giả, giúp khán giả cảm nhận và dễ hiểu hơn. Kế đó, nó giảm dần và xóa đi khoảng cách giữa nghệ sĩ và người nghe, giảm bớt khoảng cách giữa kiến thức và khả năng cảm thụ âm nhạc.

Một lợi ích quan trọng nữa, dự án âm nhạc sẽ tạo thêm cơ hội thể hiện mình cho những nghệ sĩ trẻ có triển vọng, đóng góp phần nào cho nghệ thuật âm nhạc trong nước.

“Mình thì chỉ tâm nguyện được cống hiến, được giúp đỡ cho mọi người. Cống hiến là cống hiến cho cái nghiệp mình đang theo, là âm nhạc. Giúp đỡ là giúp đỡ những ai quan tâm đên âm nhạc được đến với âm nhạc thoải mái, sống với nó thoải mái, và thưởng thức nó thoải mái”. Đó là những chia sẻ của thạc sỹ Đặng Phú Vinh khi nói về lý do anh tham gia dự án âm nhạc này.

Người đau đáu nhiều nhất cho Dự án “Hòa nhạc với thuyết trình dành cho thính giả trẻ” lần này là chị Nguyễn Thúy Uyển, giảng viên piano tại Nhạc viện TPHCM.

Từng lấy bằng thạc sỹ âm nhạc tại Đại học Monash, Australia, chị Uyển rất quan tâm tới việc mang những giá trị âm nhạc đến với đời sống tinh thần cộng đồng.

Dĩ nhiên, từ ý tưởng tới hiện thực là khoảng cách có rất nhiều trở ngại. Kinh phí là cái đầu tiên phải nghĩ tới. Chị Thúy Uyển chia sẻ: Nói thẳng ra bây giờ, mình muốn làm gì cho dù mang ý nghĩa vì xã hội thì cũng đụng tới vấn đề tài chính. Chương trình đầu tiên này, chúng tôi không nhận bất cứ nguồn tài trợ nào. Chương trình đầu tiên này tụi tôi làm vì mình mong muốn thì mình làm thôi, còn về lâu dài, mình cũng phải nghĩ tới việc tìm nguồn tài trợ. Có thể nguồn tài trợ đó đơn giản thôi, thí dụ như một trường quốc tế hay trường đại học nào đó muốn nâng cao kiến thức cho sinh viên, họ đặt chúng tôi, chúng tôi tới đó diễn. Chi phí đó chúng tôi không lấy cao vì chúng tôi hoạt động vì nghệ thuật. Cho nên không phải có nhiều tiền mới làm được những việc có ý nghĩa xã hội.

Rất may, trong giai đoạn này, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc thuộc Nhạc viện TPHCM, dự án có địa điểm tổ chức.

Chị Uyển cũng nhận được sự ủng hộ tích cực của thạc sỹ Đặng Phú Vinh, một người mà nếu tính theo thù lao thực tế, chị Uyển khó trả nổi “cát-sê”. Đó là chưa kể, về mặt xây dựng ý tưởng, biên tập nội dung chương trình và vô số thứ việc không tên khác, chị Thúy Uyển đã tự làm.

Cảm động hơn khi biết, để có bài giảng dễ hiểu và sinh động này, thạc sỹ Đặng Phú Vinh đã phải nỗ lực rèn luyện trước đó, không phải với kiến thức chuyên môn hay nghệ thuật biểu diễn, mà với… tiếng Việt.

Chẳng là bài giảng tối 22-6 ban đầu được soạn bằng tiếng Anh. Vì lâu nay, anh Vinh vẫn thường xuyên giảng dạy cho người nước ngoài bằng ngôn ngữ này. Tuy nhiên, sau khi thấy lượng người mua vé tham dự chương trình phần lớn là người Việt, mặt khác, dự án phổ biến âm nhạc này cũng dành cho người Việt, nên trước hôm diễn ra chương trình một ngày, chị Thúy Uyển, “tổng đạo diễn” của dự án đã quyết định anh Vinh phải thuyết trình bằng tiếng Việt.

Được biết khi ở nước ngoài, thạc sỹ Đặng Phú Vinh đã giảng dạy cho các học viên ở đủ mọi lứa tuổi. Từ đứa trẻ lên hai chưa biết nói tới ông già vượt ngưỡng cổ lai hy. Từ tháng 10 năm ngoái, anh quyết định về ở hẳn và làm việc tại Việt Nam khi nhận thấy, người Việt, nhất là người trẻ hiện nay, đang thực sự mong muốn được tiếp cận với nghệ thuật âm nhạc bác học. Tâm thế đó khác với những người nước ngoài anh đang dạy, họ coi đó chỉ là môn học bắt buộc trong trường. Anh chia sẻ về quyết định trở lại sống và làm việc tại Việt Nam: Chí hướng của mình là muốn về đây để phục vụ. Ở đây, chương trình giới thiệu về âm nhạc cho mọi người cùng hiểu, nhất là nhạc bác học rất ít. Thường người ta biểu diễn hoặc giới thiệu tên bài nhạc đó rồi thôi chứ không giảng giải cho người khác hiểu. Do đó, người đi coi phải là người có học nhạc, mà phải học chính quy mới hiểu. Thì tâm huyết của mình là mình muốn cho mọi người cùng hiểu.

Trong định hướng duy trì dự án, cả anh Vinh lẫn chị Thúy đều đã nghĩ tới ý tưởng vận động sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp có quan tâm tới nội dung chương trình. “Dù khó khăn thế nào”, chị Uyển nói, “chúng tôi cũng sẽ cố gắng duy trì tần suất 3 tháng một chương trình thế này”.

Trong chia sẻ với chúng tôi, thạc sỹ Nguyễn Thúy Uyển cho rằng, đã qua rồi cái thời người nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc chỉ cốt thể hiện tài năng cá nhân. Nhạc thính phòng không còn là loại hình nghệ thuật chỉ dành riêng cho một nhóm người nữa. Âm nhạc bác học cần phải được tiếp cận đại chúng.

Chị nói: “Chúng tôi đều được đào tạo để biểu diễn solo, nhưng chúng tôi chọn cách hòa tấu và biểu diễn những bản nhạc quen thuộc, đơn giản để công chúng dễ tiếp cận hơn trong các chương trình như thế này”.

Từ kinh nghiệm cá nhân, anh Đặng Phú Vinh cũng cho biết, ở các nước nơi anh từng giảng dạy và "tuyên truyền" về âm nhạc, để đem kiến thức âm nhạc đến với phụ huynh học sinh, anh cũng như các giáo sư thường xuyên nói về các lợi ích trong âm nhạc bằng cách đem các bài học về nhạc ra làm đề tài để cho cuộc trò chuyện thêm phần lý thú.

Bên cạnh đó, các giáo sư và giảng viên âm nhạc cũng thường xuyên giới thiệu cho các học sinh sinh viên, các bậc phụ huynh, và bạn bè những tác phẩm, đĩa CD hay, hoặc những chương trình sắp được biểu diễn.

Ngay cả việc “giới thiệu” ở đây không đơn thuần chỉ là: "À, các bạn nên đi nghe buổi hòa nhạc này, nó sẽ hay lắm"; mà phải là: "Sắp tới có buổi hòa nhạc chương trình hay lắm, trong đó có tác phẩm của Rossini mô phỏng rất nhiều tiếng ngựa phi. Và còn có tác phẩm của Mozart giúp tăng trí nhớ cho những ai muốn học thuộc bài nhanh…"

Để giới thiệu tuyên truyền như vậy, các giáo sư và giảng viên cần có kiến thức sâu rộng, cộng thêm cách nói thân thiện, gần gũi để dễ dàng đem âm nhạc tiếp cận người nghe.

Hiệu quả sẽ rất cao nếu như các bậc phụ huynh, học sinh sinh viên, và bạn bè hiểu được sự liên quan giữa âm nhạc và đời sống, sự ích lợi của âm nhạc cho cuộc sống, và sự thú vị của âm nhạc mang lại cho tâm hồn, tình cảm.

Cả thạc sỹ Đặng Phú Vinh và thạc sỹ Nguyễn Thúy Uyển đều hy vọng qua chương trình này, sẽ có thêm được nhiều sự ủng hộ về cả tinh thần lẫn tài chính để làm thêm nhiều chương trình sau nữa.

Họ cũng mong, qua hành động cụ thể đầu tiên này của mình, các nghệ sĩ khác có thêm cảm hứng và tâm huyết để làm nhiều chương trình tương tự, hoặc hay hơn ở nhiều nơi khác. Và khi đó mới mong nền âm nhạc ở Việt Nam sẽ mau chóng phát triển mạnh mẽ, vì ai ai cũng hiểu được, cảm được, và thưởng thức được âm nhạc nói chung, âm nhạc cổ điển nói riêng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác