Cái nôi tình ái của người Việt

(VOV5)- Về một huyền thoại tình yêu được truyền tụng hàng ngàn năm trên đất Việt.

Cái nôi tình ái của người Việt - ảnh 1
Tranh về sự tích công chúa Tiên Dung gặp chàng đánh dậm nghèo Chử Đồng Tử - Nguồn: public.asu.edu

Tôi có một người anh em đồng nghiệp làm báo  biết nhau từ thủa đất nước còn chiến tranh, chia cắt. Anh quê ở làng Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên nhãn lồng nổi tiếng xứ Đông. Làng anh chính là đất hóa thánh của một trong những tứ bất tử mà  người Việt cổ xưa tôn thờ cho tới ngày nay. Có thể  gọi làng  quê Chử Đồng Tử là  cái nôi tình ái với mối lương duyên, mối  tình huyền thoại lạ kỷ giữa một chàng trai nghèo làm nghề chái lưới ven sông với công chúa con vua Hùng Duệ Vương là nàng  Tiên Dung kiều diễm đoan trang.

Ai đã qua những năm tuổi học trò ngồi trên  ghế nhà trường, ai đã một lần lật giở cổ tích Việt có lẽ không sao quên được chuyện nàng Tiên Dung du xuân  đến một vùng sông nước phía đông tuyệt vời trù mật, cảnh sắc hữu tình. Duyên trời hội ngộ ở một địa điểm ở một thời điểm lạ lùng lãng mạn. Nàng sai thị nữ  quây màn tắm tiên ở bãi cát ven sông Cái-sông Mẹ,sông Hồng Hà thời nay giữa cái nắng đủ ấm, cái gió đủ mát; quây màn ngay trên thân xác của một chàng đánh cá trần như nhộng trốn dưới cát vùi, mà nào nàng  nào đâu có biết cho đến khi cát trôi vì nước dội lên người thân xác mới lộ ra. Hiển nhiên anh chàng vừa xấu hổ vừa hoảng hốt đang run như dẽ! Thế là câu chuyện tình ái giữa một anh chái lưới nghèo hèn với nàng tiên lá ngọc cành vàng bùng nổ như sét đánh giữa trời quang. Chàng A Đam cùng nàng E-va người Việt nhất quyết bảo vệ bằng mọi giá mối tình thiên tạo, mối lương duyên trong sạch, tình yêu huyền thoại đẹp vô cùng, bất chấp hàng rào lễ giáo ngăn cách vua tôi cách trùng, bất chấp hố sâu chia biệt quyền quý với tiện dân...

Tương truyền vua Hùng Duệ Vương xem nàng Tiên Dung như một đứa con nghịch tử; tương truyền chàng trai họ Chử cùng với dân làng cũng đã dày công tập hợp tráng đinh rèn luyện  võ nghệ đề phòng bất trắc. Nghe tin vua xuất quân trị tội, nàng Tiên Dung cùng người chồng kết tóc xe tơ không được phép vua cha đã quỳ xuống kêu lên trời xanh rằng con thề con không thể hại cha, đánh cha. Tự dưng một tiếng nổ kinh hoàng như xé tọac không gian trời cao đất rộng mênh mông vùng sông nước hồng hoang tiền sử.

Và bất ngờ thay, cả hai, chàng Chử nàng Tiên như hai dải mây trắng bay lên trời hiển thánh tại gò đất cao làng Yên Vĩnh này, để lại cây gậy thần cắm xuống bãi phù sa trên sông, trên cây gậy là cái nón tượng trưng cho hình hài chàng trai người Việt . Tương truyền cây gậy thần ấy có phép màu sẽ chỉ đến tận tay người có tài có tâm với dân với nước; nên năm trăm năm sau đã được anh hùng Triệu Quang Phục phát huy trong sự nghiệp khởi nghĩa chống quân xâm lược phong kiến Trung Hoa trên căn cứ đầm Dạ Trạch nổi tiếng lịch sử.

Cái nôi tình ái của người Việt - ảnh 2
Rước nước trên sông Hồng trong lễ hội Tiên Dung - Chử Đồng Tử - Ảnh: Báo Bắc Ninh


Mấy ngàn năm đã qua kể từ thời cổ xưa cổ sử đậm mầu huyền thoại ấy, hiện trong đền thờ thánh Chử Đồng Tử vẫn có cây gậy thờ biểu trưng sơn son thiếp vàng, trên đầu gậy đó úp cái nón thuần Việt. Người viết gọi cái nón là vật bất ly thân của người Việt, là thuần Việt ở cái xứ nắng lửa mưa dầu này bởi lẽ về sau trước làn sóng Âu hóa hai ngàn năm hậu thế, người Việt du nhập đủ loại nón mũ, nào mũ nồi, mũ cát, mũ kê-pi, mũ lưỡi trai đủ kiểu tây tầu...Đấy mới thực là, chỉ là mũ ngoại nhập! 

Người viết tiếc không có máy ảnh chuyên dụng hiện đại nên không sao chụp được rõ ràng cây gậy với cái nón thờ này trong vẻ u u minh minh nơi điện thờ . Chỉ biết chắc một điều người Việt làng quê Yên Vĩnh chưa bao giờ dám chống cán  cuốc chống cán mai cán thuổng rồi úp nón lên trên đâu cán trên đồng bãi hay cát lầy ven sông. Thế mới hay luật trời luật đời bất thành văn mà tồn tại bền vững đến thế trong lòng người dân làm nghề ngư tiều canh mục nơi đầu sóng ngọn gió ngày xưa ở một vùng sông bể hồng hoang quá giàu huyền thoại  của người Việt

Ông bạn tôi làm báo đến trên dưới bốn mươi năm; đời cũng lắm đổi thay thăng trầm nay nam mai bắc. Trước khi vào cái nghề báo nói cùng tôi, nào đâu có ngờ ông đã trải những ngày quân ngũ sống mái trong gang tấc trên chiến trường Quảng Trị đầu thập kỷ bảy mươi. Một lần lang thang trên mạng tôi thấy ông gặp gỡ quanh ly cà phê vỉa hè Sài Gòn với một đồng ngũ nghỉ hưu ngày xưa cùng sống chết trên một địa bàn xôi đỗ ở huyện Triệu Phong, tôi mới té ngửa người ra là cái chú em láu táu ngày xưa được nhận về làm  trợ lý cho thủ trưởng cấp ban, cùng ban biên tập với mình lại có thời kỳ chiến đấu gian nan,hiểm nguy như thế. Thế mới biết có khi sống sát một người dăm ba năm mà ngày xưa mưu sinh vất vả khốn khó, chả biết họ ra làm sao ! Thế là  người viêt nổi cơn hứng bắt liên lạc trở lại sau mười lăm năm không gặp nhau do hoàn cảnh khách quan, kể từ ngày vợ chồng tôi vào Sài Gòn có đến tìm anh ấy. Anh đã lên ông lên bà nhưng chúng tôi coi nhau như đồng nghiệp ngày xưa, ông ông tôi tôi, cậu cậu tớ tớ, thậm chí có khi xả hơi xuồng xã theo kiểu dân dã nhà quê,bất chấp xã giao,bỏ qua mọi câu nệ thường tình trong giao tiếp,ứng xử. Ông có nhiều công tích với địa phương dân làng nên bước chân ra khu đền thánh là người này gọi người kia chào co kéo vào trò chuyện giao lưu. Tôi ấn tượng nhất là hai cây long não hai anh em ông cung tiến trồng trên bờ hồ bán nguyệt trước cửa đền. Bẻ một nhành cây nhỏ, vò cái lá trên cành đã thấy một mùi hương quen thuộc thơm cay như thân phận người Việt hình như đời nào cũng vậy, ủ cái thơm thảo trong muôn vẻ cay đắng cay cực ở đời.

Tình yêu bất tử của ông thánh bất tử Chử Đồng Tử cũng vậy mà thôi. Đẹp như huyền thoại mà khổ ải như cuộc đời trầm luân này. Đi đó đi đây trên đất làng Yên Vĩnh, một làng cổ chí ít có từ thời chàng trai họ Chử nghèo tới mức đến cái khố cũng chia hai với cha, ai đi chài lưới phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật thì không được phép khỏa thân toàn bộ, ai ở trong túp lều rách nát lợp quây bằng lau sậy bãi sông thì có thể tắm tiên suốt ngày. Nên chi khi thấy quân quyền tiền trạm cho con gái vua đi kinh lý chơi vùng đất tân thổ hạ lưu này,chàng Chử mới kinh hốt vội vàng vùi mình dưới cát để rồi trời xui đất khiến nàng Tiên Dung nhất định bắt thị nữ quay màn để nàng tắm tiên ngay trên lưng chàng trai úp mắt xuống cát, vùi mình trong cát với một trái tim cuồng loạn mà không hay. Người viết gọi làng quê này là cái nôi tình ái của người Việt, một cuộc tình vượt qua trướng ngại tưởng không thể nào qua nổi với sức người hữu hạn. Cuộc tình ấy đã hóa thánh nghĩa là đã bất tử trong lòng người Việt!    

Phản hồi

Các tin/bài khác