Lần đầu thấy trăng – lần đầu tiểu thuyết của Võ Diệu Thanh

(VOV5)- Đọc tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng, người ta buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về những khác biệt tất yếu trong sự nghiệp trồng người.

Trước tiên, phải nói về cảm nhận với tiêu đề sách. Cái tên truyện gợi tôi nhớ tơi một câu chuyện ngụ ngôn nhà Phật. Lần đó, đức Phật ngồi ngắm trăng cùng các đệ tử. Ngài chỉ ngón tay lên mặt trăng và bảo trò, đó là trăng. Không ít đệ tử đã u mê lầm tưởng ngón tay của Phật là trăng.

Dĩ nhiên, câu chuyện này chẳng liên quan gì tới cái tứ để nhà văn Võ Diệu Thanh đặt tên cho tác phẩm của mình. Nhưng nó gặp nhau ở chỗ, cùng bàn về sự rất khác nhau trong hành trình đốn ngộ, giác ngộ của con người. Tùy căn tính, tùy điều kiện, hoàn cảnh, tùy độ quyết liệt của ý muốn, sự giác ngộ sẽ đến với mỗi người ở một chặng nào đó của cuộc đời. Nhưng cũng có khi là chẳng bao giờ.

Tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng đi vào mảng đề tài hiện thực có thể nói luôn nóng và đầy bức xúc trong nhiều năm trở lại đây: giáo dục. Tác giả đi từ những gì thân thuộc nhất với mình: Môi trường giáo dục tiểu học với hàng trăm vấn đề nhức nhối không kém bất cứ cấp độ giáo dục nào khác cao hơn. Sự thực, trong thời đoạn của giáo dục mà nhìn đâu cũng thấy tiêu cực như hiện nay, người viết không khó khăn trong việc tìm hiểu thực tế và tích lũy tư liệu. Cái thuận lợi này lại làm nảy sinh khó khăn khác. Viết gì đây? Chọn nói gì và nói thế nào để mổ xẻ thói tật mà không sa vào mô phỏng dung tục, trần trụi hay báo chí hóa. Viết thế nào để những trăn trở bức xúc đó phải trở thành chất xúc tác làm đổi thay phần nào đó, và từng chút một, những lầm lẫn trong việc trồng người. Là giáo viên dạy vẽ ở trường tiểu học, tác giả Võ Diệu Thanh chọn bối cảnh truyện liên quan phần lớn tới cấp học này. Từ đó, chị đã làm cho độc giả giật mình chua xót về sự nguy hại của lối giáo dục sai lầm ngay từ trứng nước.


Đặt 3 không gian nằm cạnh nhau như thế chân kiềng xuyên suốt truyện: trường Dương Đôi – Lưu Manh tự (nhà của thầy Độ) – nhà trọ Tình (quán mại dâm), tư tưởng xuyên suốt của tiểu thuyết liên tục được mài giũa và cọ xát, đối lập qua lại giữa ba không gian ấy. Với lối giáo dục nặng về hình thức, trường lớp – cô trò trở thành những diễn viên kịch “tài ba”, con đường từ trường học tới nhà thổ cũng ngắn và nhanh như việc chỉ cần bước qua cái hàng rào của trường Dương Đôi là người ta tới ngay được nhà trọ Tình vậy.  


Lần đầu thấy trăng – lần đầu tiểu thuyết của Võ Diệu Thanh  - ảnh 1


Những trang viết về đêm trăng Dẫu gặp Nhiều là những trang viết thấm đẫm cảm xúc và nước mắt của nhân vật. Có những người cả đời lam lũ, khốn khổ, cứ cắm cắm cúi cúi với miếng cơm manh áo, chưa chắc dễ có một lần ngẩng mặt nhìn trăng. Lại có không ít người nhìn đó mà không chắc thấy, không chắc cảm nhận được một chút xao xuyến khác lạ nào trước cảnh vật, bởi trong lòng họ, mọi thứ đã được lập trình theo khuôn mẫu, theo nhịp đi gấp gáp của mưu sinh. Một cô gái điếm hơn hai mươi năm sống trên đời, sau nhiều năm bán trôn nuôi miệng, chợt một đêm ngộ ra sự cùng cực của kiếp người phơi bày lồ lộ dưới trăng. Biết được mình khổ cũng đã là một bước để thoát khổ. Cũng như, biết được mình dốt cũng đã là một bước để thoát khỏi dốt nát. Để học trò có được sự biết ấy, những cải cách giáo dục của chúng ta có đang làm tốt không?


Nhà văn Võ Diệu Thanh từng ghi dấu ấn đáng kể trong lòng độc giả ở thể loại truyện ngắn với tập truyện Cô con gái ngỗ ngược đoạt giải Nhì cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20, truyện ngắn Người đàn bà đa tình đoạt giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn của trang mạng xã hội Yume, tập truyện ngắn Gạt nước mắt đi đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc. Có thể nói, truyện ngắn với Võ Diệu Thanh đã là một “vùng an toàn”. Ở đó, chị đã có thể thỏa sức vẫy vùng với các ý tưởng và con chữ. Với tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng, chị cũng “lần đầu” bước ra khỏi vùng an toàn đó, lần đầu thử sức ở thể loại tiểu thuyết. Nhưng Võ Diệu Thanh đã không bị sa vào cái bẫy của những truyện ngắn kéo dài. Chị vẫn phát huy những thế mạnh của mình ở chi tiết, ở khả năng phân tích tâm lý nhân vật, và ở giọng văn đầy chất miền Tây. Đọc văn chị, thấy hiện lên rõ rệt không khí và con người ở các vùng quê Tây Nam Bộ. Không khí ấy hiện lên qua ngôn ngữ nhân vật, qua lối ứng xử của nhân vật trong từng tình huống truyện, qua không gian, bối cảnh truyện được người viết điểm qua những nét phác. Có một số phương ngữ có thể đọc lên, người ở vùng khác chưa chắc đã hiểu đích xác ý nghĩa của nó, nhưng đặt trong bối cảnh chung của câu văn, phương ngữ cũng không phải rào cản quá lớn. Nhưng dù thế, tôi vẫn mong có một sự tiết chế hơn nữa ở phương ngữ. Để nó vừa đủ độ, vừa rất “miền Tây”, rất “Võ Diệu Thanh” và cũng “rất gần gũi”, thu hẹp nhiều nhất sự gián cách trong cảm nhận và tiếp cận tác phẩm của độc giả.


Để tránh sự đơn điệu có thể gây nhàm chán trong cách kể, Võ Diệu Thanh chủ ý đan cài những đoạn độc thoại, những lời kể “rẽ ngang” của nhân vật Hậu, đó là những đoạn người kể xưng “mình”, dù phần lớn tiểu thuyết là lời kể từ nhân vật xưng “tôi” – tức Dẫu. Tôi cho rằng không ít người đọc khi gặp các “cảnh xen” này, sẽ phải ngưng lại một lúc, định hình qua nội dung đó để xác định lại “tôi” hay “mình” ở đây là Dẫu hay Hậu. Bởi thực tế này, cách chuyển ngôi trần thuật bất ngờ đôi khi gây rối. Sự “rối” đó có lẽ đòi hỏi thủ pháp “chuyển cảnh” của người viết cần tinh tế và nhuyễn hơn, ít nhất tạo được mối liên hệ sao cho người đọc không có cảm giác đột ngột, bất ngờ. Dĩ nhiên nhiều người hiểu, cách chuyển đổi ngôi kể chuyện giúp người viết có thêm công cụ để soi chiếu, giãi bày nhiều hơn đời sống tâm lý của nhân vật.


Cuốn tiểu thuyết đã biểu đạt rõ hai cảm hứng đối lập nhưng không hề mâu thuẫn của người viết khi ngắm nhìn môi trường giáo dục nước nhà bằng con mắt của người trong cuộc. Võ Diệu Thanh phê phán lối học hành nặng theo khuôn mẫu, hình thức của những người thầy ích kỷ, hám lợi, nhưng chị cũng rất trân trọng và cổ vũ say sưa những người thầy đã không để lương tâm nhà giáo bị nhiễm độc của căn bệnh thành tích và những giá trị ảo. Giá trị của thực học, giá trị của những bài học làm người, để hàng trăm đứa trẻ không bị dị tật, khuyết tật về tinh thần, đạo đức cần phải được gieo cấy từ thuở vỡ lòng. Giáo dục không phải một thứ khuôn đúc sẵn với những chương trình được xây dựng cứng nhắc, theo công thức và những cái “chuẩn” rất hoàn hảo. Hằng trăm con người khác nhau phải là hàng trăm cách tiếp cận và dạy dỗ. Khi người nông dân trồng cây, họ rất hiểu với từng loại cây, cần phải chăm bón cách gì và vào thời điểm nào. Còn khi trồng người, liệu các nhà giáo dục có nghĩ được như những người nông dân trồng cây đó? Đọc tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng, người ta buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về những khác biệt tất yếu như vậy trong sự nghiệp trồng người./.

Phản hồi

Các tin/bài khác