NSND Ngô Mạnh Lân với Tranh đồ họa

(VOV5)- Đồng hành trong các câu chuyện thiếu nhi là một tấm tình dào dạt hướng về thế giới tuổi hoa, bởi vậy, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, Ngô Mạnh Lân vẫn tươi trẻ và trong trẻo cùng những gam màu.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Hơn 60 năm miệt mài với con đường nghệ thuật, từ một cậu học trò trẻ nhất khoa mỹ thuật đầu tiên dưới chính quyền cách mạng năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc do danh họa Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, cho đến nay, PGS-TS, đạo diễn, họa sỹ, NSND Ngô Mạnh Lân vẫn duyên dáng với những nét vẽ độc đáo của một tâm hồn trẻ.

 

NSND Ngô Mạnh Lân với Tranh đồ họa - ảnh 1
Tranh Ông Gióng của NSND Ngô Mạnh Lân


Độc giả nhí của nhiều thế hệ suốt từ những năm 60 của thế kỷ trước cho tới tận bây giờ vẫn còn nhớ hình ảnh sinh động, trong sáng mà khoáng đạt của chú dế mèn oai phong hào hiệp trong tập truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, do họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ tranh, NXB Kim Đồng ấn hành. Rồi sau đó NSND Ngô Mạnh Lân còn xuất hiện với tư cách họa sỹ trong những truyện khác như: “Chuyện Trê và Cóc”, “Chiếc mào gà trống”, “Cô bé quàng khăn đỏ”, “Con ngỗng vàng”, “Hoàng tử tí hon và cô bé nghèo”, “Nợ như chúa Chổm”, “Sự tích Hồ Gươm”…

 

Đồng hành trong các câu chuyện thiếu nhi là một tấm tình dào dạt hướng về thế giới tuổi hoa, bởi vậy, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn tươi trẻ và trong trẻo cùng những gam màu. Tất cả cũng bởi tình yêu với các em thiếu nhi và những ký ức tuổi thơ ngọt ngào bên dòng sông Nhuệ luôn sống động  trong ông: “Làng Tó tức là làng Tả Thanh Oai, quê hương Ngô Thì Nhậm. Tôi là cháu chắt của cái dòng Ngô Gia Văn Phái. Thuở nhỏ tôi học ở làng, sau đó ở thị xã Hà Đông. Như mọi đứa trẻ khác tôi cũng đi câu cá trộm, cũng đi ném muỗm, cũng đi đào dế, cũng đi bắt bướm, và chiều cũng ra sông Nhuệ để tắm…Những ký ức tuổi thơ ấy đến bây giờ giúp cho tôi khi sáng tác thể hiện được cảnh sắc thiên nhiên cũng như loài vật…”

NSND Ngô Mạnh Lân với Tranh đồ họa - ảnh 2
NSND Ngô Mạnh Lân - Ảnh: Nguyễn Khánh/ Báo Tuổi trẻ

Vậy đấy, bằng tình yêu ấy, tâm hồn ấy, người nghệ sỹ với hơn 80 năm tuổi đời đầy sức sống và hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật đã có cả một gia tài là những tranh minh họa, tranh đồ họa. Gia tài ấy ông đã kỳ công tập hợp và xuất bản thành cuốn sách mang cái tên giản dị “Đồ họa Ngô Mạnh Lân”.  Theo NSND Ngô Mạnh Lân đồ họa là một loại hình nghệ thuật bên cạnh các loại hình nghệ thuật khác như: hội họa, trang trí, kiến trúc…Đồ họa rất phong phú, nó có thể là tranh đơn lẻ, có thể được in nhân bản hoặc các loại tranh như: minh họa, cổ động, biếm họa. Ngoài ra, đồ họa còn thể hiện trong việc trình bày sách báo, vẽ tem, vẽ quảng cáo…Kỹ thuật vẽ đồ họa cũng đơn giản là sử dụng bằng nét, bằng chấm, bằng vạch và bằng mảng. Có thể dùng nhiều hay ít màu nhưng không phải là diễn đạt khối không gian như là tranh hội họa: “Hội họa có thể là sơn dầu, sơn mài; là lụa…Những tranh này thường diễn đạt cái khối hình, cái xa gần và diễn đạt cái không khí, không gian. Tất cả tạo nên cái ảo giác như là bức tranh thật ngoài đời sống. Đồ họa thì thực hiện trên tinh thần là nét và mảng. Màu sắc thì hạn chế và có khi khái quát. Ví như vẽ mảng mây thì có thể tưởng tượng là bầu trời. Nước chỉ cần vẽ vài nếp sóng. Đó là cách thể hiện của đồ họa. Nó mang tính chất đơn giản, có phần nào tượng trưng, giản dị nhưng nó vẫn phản ánh thực tế cuộc sống mà họa sỹ muốn diễn tả…”

 

Chậm rãi lật giở từng trang trong cuốn sách “Đồ họa Ngô Mạnh Lân”, chúng tôi có cảm giác như gặp lại nhật ký tuổi thơ của mình qua những hình vẽ trong trẻo, tươi vui. Ở đó có sê-ri tranh phác thảo đồ họa của các bộ phim như: “Đội quân Ong”, “Mèo con”, “Trê cóc”, “Những chiếc áo ấm”, “Rừng hoa” và “Con sáo biết nói”. Đây là những phác thảo đồ họa mà mỗi đạo diễn phải vẽ trước khi thực hiện một bộ phim hoạt hình hoàn chỉnh. Với NSND Ngô Mạnh Lân tình yêu, niềm đam mê với tranh đồ họa chỉ giản dị như thế này thôi: “Bây giờ một cái tranh truyện tôi vẽ cũng không được nhiều, vì do phạm vi và diện tích của nó có hạn. Còn ở đồ họa tôi vẽ được nhiều hơn, hoành tráng hơn mà theo ý thích, màu sắc của mình. Cũng như truyện nước ngoài cũng thế thôi, ví dụ như truyện Bộ quần áo mới của hoàng đế của Anđécxen, thì hoàng đế nghe phỉnh nịnh của bọn bịp bợm cuối cùng là ông cởi truồng…”

 

Tuy nhiên cũng có những bức tranh đồ họa ông vẽ riêng xuất phát từ niềm yêu thích của mình với các nhân vật trong phim. Ví như loạt tranh về Ông Gióng chẳng hạn. Sau khi bộ phim “Chuyện Ông Gióng” ra mắt, ông ấp ủ vẽ những bức tranh khổ lớn diễn tả vẻ đẹp cảnh sắc quê hương: “Phim Chuyện Ông Gióng tôi đã thể hiện bằng phim búp bê. Nhưng tôi cảm thấy là mình có thể làm thành màn ảnh rộng, đằng kia là 3X4 thôi, còn rộng hơn có thể là 1X2. Như thế để diễn đạt cái quang cảnh rất là hoành tráng của cái cảnh sắc Việt Nam, của cái sự vươn lên giống như Phù Đổng của Thánh Gióng. Tôi lấy những câu hát thường hát ở Hội Gióng để đưa vào tranh…”

 

Còn về tranh minh họa cho các truyện có: “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Cái Tết của mèo con”, “Đám cưới chuột”, “Bộ quần áo của hoàng đế”, và “100 truyện cổ tích VN”…Mỗi một bức tranh về các chú dế mèn như những khuôn hình tuyệt đẹp độc đáo của thiên nhiên bao la với cảnh đồng quê thi vị và mơ mộng của xóm làng quê hương Việt Nam: “Tôi thấy truyện Dế mèn có những quang cảnh rất thú vị thì muốn vẽ cảnh sông nước, đồi núi nhưng lại mang tính chất trang trí như thế nào. Thế rồi tranh Xứ kiến thì tất cả những cái tôi vẽ là những giao thông hào, tôi lấy ý tưởng từ hào giao thông ở Điện Biên. Tôi thể hiện để cho Kiến cũng có đường đi của nó ở trong những cái hào”.

 

Xem tranh đồ họa của NSND Ngô Mạnh Lân, người xem dễ dàng nhận thấy ông luôn yêu nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống. Ông học được rất nhiều điều từ vốn quý của dân tộc: “Tôi không chỉ yêu trẻ em mà còn yêu nghệ thuật dân gian của nước ta. Ví như tranh dân gian Đông Hồ, đó là một kho tàng rất quý và mình có thể tiếp nhận được ở cái cách thể hiện của tranh Đông Hồ. Không nói chuyện là chất liệu giấy điệp, nhưng mà về cái cách tư duy nghệ thuật của dân gian thì phải nói là đường nét của tranh rất rõ ràng, chính xác; mảng màu tươi và không tươi. Tóm lại, chính tranh Đông Hồ là động lực giúp tôi trong cái việc thể hiện tranh đồ họa kể cả tranh minh họa, tranh truyện cũng như là thể hiện ở trên màn ảnh hoạt hình”

 

Ngoài hàng chục bộ tranh truyện cho thiếu nhi do các NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục, NXB Phụ nữ ấn hành, NSND Ngô Mạnh Lân còn dành nhiều thời gian cho việc trình bày và minh họa sách báo cho trẻ em. Có thể nói, đạo diễn-họa sĩ-NSND Ngô Mạnh Lân là người ông trẻ mãi với tâm hồn thanh cao, yêu trẻ và rất có duyên với các em trong các sáng tác đồ họa dành riêng cho lứa tuổi này. Ông đã tạo dựng được tính cách, nét hình đặc trưng cho các nhân vật trong tranh có sức sống riêng rất Ngô Mạnh Lân. Tuy được nhân cách hóa, song những con vật do ông tạo ra khá ngộ nghĩnh, ý nhị và gần gũi với tuổi thơ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác