Phục chế những bức tranh nổi tiếng tại Việt Nam

(VOV5) - Bức tranh sơn dầu “Mẹ con” của họa sỹ Lê Thị Kim Bạch và “Rượu cần” của họa sỹ Kà Kha Sam bị hư hại do điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã được phục chế thành công.

Trong số hàng ngàn tác phẩm mỹ thuật đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có không ít bức tranh quý bị hư hại cần phải phục chế. Mới đây bức tranh sơn dầu “Mẹ con” của họa sỹ Lê Thị Kim Bạch và “Rượu cần” của họa sỹ Kà Kha Sam bị hư hại do điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã được phục chế thành công.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 Hai bức tranh “Mẹ con” của họa sỹ Lê Thị Kim Bạch và  “Rượu cần” của họa sỹ Kà Kha Sam đều bị bong tróc, buộc phải gia cố và làm sạch. Do kỹ thuật vẽ khác nhau nên việc phục chế hai tác phẩm được tiến hành bằng hai phương pháp, vật liệu khác nhau. Trong quá trình phục chế, các chuyên gia của Đức và Việt Nam đã có nhiều đợt tập huấn, hỗ trợ, đánh giá, rút kinh nghiệm về phương pháp tu sửa và tiến hành phục chế một số tác phẩm khác. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức). Việc phục chế hai bức tranh sơn dầu "Mẹ con" và "Rượu cần" cũng nhận được sự giúp đỡ của các tác giả, để đảm bảo giữ được phong cách, linh hồn cho tác phẩm. Ông Trần Dũng Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết số tác phẩm mỹ thuật được phục chế còn quá ít và đều phụ thuộc vào sự chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài:  “Trước đây khi chưa được tiếp xúc với những đợt tập huấn, làm việc với chuyên gia thì phần lớn những bức tranh có tình trạng bong, rộp thì việc xử lý không thể nào thực hiện được vì không có kinh nghiệm. Thứ hai là cũng không có những chất liệu đặc chủng cũng như những thiết bị kèm theo. Bởi thế nên khi được tiếp xúc với kĩ thuật tiên tiến thì chúng tôi đã áp dụng, kèm theo những phương tiện cơ bản mà bảo tàng đã trang bị thì bề mặt tranh rất ổn”.

Phục chế những bức tranh nổi tiếng tại Việt Nam - ảnh 1
Hình ảnh trong chương trình "Tập huấn phục chế tranh sơn dầu nâng cao" được tổ chức bởi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật Dresden (CHLB Đức)

Mỗi tác phẩm được phục chế thành công là một tin vui cho nền mỹ thuật nước nhà. Tuy nhiên, số lượng tranh chờ được phục chế còn quá nhiều. Bà Marina Langner, chuyên gia phục chế của Trường Đại học Mỹ thuật Dresden, cho rằng phục chế tốt phải đi đôi với bảo quản tốt. Và để làm được hoàn thiện cả hai điều quan trọng là xây dựng  một trung tâm phục chế chuyên nghiệp để có môi trường ổn định về nhiệt độ, độ ẩm. Có như vậy, những tác phẩm đã được phục chế sẽ không lặp lại tình trạng hư hại: “Chuyện đầu tư tài chính nhiều khi cũng đơn giản thôi, chẳng hạn để phục chế cần mua một cái kính hiển vi điện tử loại tốt. Những đồng nghiệp Việt Nam sang Đức học, họ thấy rằng cần có kính hiển vi điện tử loại tốt thì mới có thể tiến hành được công việc, kĩ thuật đã học hỏi từ bên Đức, nhưng ở Việt Nam chưa có. Đó là thứ mà chúng ta có thể đầu tư ngay mà không quá tốn kém tiền nong”.

Phục chế những bức tranh nổi tiếng tại Việt Nam - ảnh 2
Bức tranh sơn dầu “Mẹ con” của họa sỹ Lê Thị Kim Bạch. Ảnh: anninhthudo.vn

Còn đối với những chuyên gia trong nước thì công việc phục chế tranh là một thách thức lớn. Từ thực tế công việc bảo tồn các công trình, tác phẩm mỹ thuật ở Huế, ông Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế, cho biết đang ấp ủ dự định mở ngành phục chế tranh: “Cho đến hôm nay tôi thấy rằng: càng nghiên cứu sâu, càng tham dự những chương trình phục chế mới thấy được đây là công việc rất khó học và cũng rất khó khăn. Nếu như ở Việt Nam mở được ngành này thì rất cần thiết cho việc bảo tồn các di sản văn hóa Việt Nam nói chung, di sản mỹ thuật nói riêng. Huế là một trung tâm của di sản văn hóa, được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc công nhận thì chúng tôi tiếp cận và mở ra ngành này là cần thiết cho tương lai”.

Việc phục chế lần này đã đem lại cho những chuyên gia trong nước thêm những kinh nghiệm cũng như phương pháp xử lý để phục chế. Đó là những kỹ thuật bài bản và chuyên sâu, được đúc kết từ nhiều năm của nền kỹ thuật tiên tiến và cơ bản. Thành công của việc phục chế hai tác phẩm mỹ thuật này là sự chuẩn bị mang tính lâu dài nhằm đào tạo một đội ngũ cán bộ tu sửa, phục chế cho bảo tàng, hướng tới xây dựng và phát triển Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm Mỹ thuật của bảo tàng trở thành Trung tâm Quốc gia về Bảo quản, Tu sửa các tác phẩm mỹ thuật.


Phản hồi

Các tin/bài khác