Phương Đông lướt ngoài cửa sổ - trải nghiệm châu Á sống động hai bên đường ray

(VOV5)- Tác phẩm của nhà văn Paul Theroux Phương Đông lướt ngoài cửa sổ được đánh giá là một trong hai mươi cuốn du ký xuất sắc nhất mọi thời đại, tác phẩm từng được dựng thành phim và cho đến nay vẫn luôn là cuốn sách ăn khách.

Paul Theroux sinh ngày 10/4/1941 tại Medford, Massachusetts, Mỹ, trong một gia đình có 7 anh em. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, ông đi nhiều nơi như Italia, Malawi, Uganda, Singapore, đến năm 30 tuổi mới cùng vợ con định cư ở London. Nhưng cuộc đời ông đã được định hướng chính trong những năm tháng sống và dạy học ở châu Phi đầy sôi động: ông quyết định trở thành nhà văn, không phải nhà văn của những bí ẩn nội tâm, mà là nhà văn của những chuyến đi, của những con người và vùng đất xa xôi.

Phương Đông lướt ngoài cửa sổ là cuốn du ký đầu tiên của Paul Theroux nhưng ngay lập tức biến ông thành một tên tuổi lớn. Sau đó ông còn thực hiện nhiều chuyến đi nữa và cho ra đời thêm các cuốn du ký nổi tiếng khác, như The Old Patagonian Express, The Happy Isles Of Oceania, Riding the Iron Rooster

Paul Theroux tự miêu tả chân dung của mình như sau: “Nói gọn đời tôi trong bảy từ, thì đó là: Ngạc nhiên, vui sướng, may mắn, kín đáo, thân mật, nhiệt thành và người Mỹ”.

Năm 1973, Paul Theroux quyết định làm một cuộc hành trình xuyên châu Á đề tìm đề tài và cảm hứng viết. Ròng rã bốn tháng rưỡi, Theroux đi trên hơn ba mươi chuyến tàu khác nhau, từ London đến các nước Trung Đông, qua Ấn Độ và Đông Nam Á, đến Nhật Bản rồi lên tàu xuyên Siberia qua Nga về lại châu Âu. Sau chuyến đi, cuốn du ký lừng danh Phương Đông lướt ngoài cửa sổ ra đời, mang lại tên tuổi cho nhà văn ưa xê dịch. Từ đây trở về sau, tên của Paul Theroux gắn liền với những chuyến đi và với những cuốn du ký.

Phương Đông lướt ngoài cửa sổ - trải nghiệm châu Á sống động hai bên đường ray - ảnh 1

Không hề quá lời khi nhật báo Telegraph coi Phương Đông lướt ngoài cửa sổ là một trong hai mươi cuốn du ký hay nhất mọi thời đại. Paul Theroux thực sự đã có một cuộc du ngoạn vào trong lòng phương Đông, vẽ nên từng mảnh ghép trên bức tranh phương Đông rộng lớn. Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc hiện đại hóa dè dặt; Iran và ẩn ức xã hội về giới tính; Afganistan bất ổn, đem lại cảm giác bị cầm tù; Ấn Độ của đền đài long lanh, của những con người nghèo đói và cuồng tín, Singapore sạch sẽ, ngăn nắp đến nhàm chán; Thái Lan náo nhiệt, dậy mùi giải trí và tình dục; Nhật Bản tiện nghi nhưng con người dường như đã thành cỗ máy... 

“Giờ đây, Afghanistan đắt đỏ hơn, nhưng vẫn mọi rợ như trước. Ngay cả mấy gã híp-pi cũng thấy nơi đây không thể chấp nhận nổi. Thức ăn có mùi như bệnh dịch tả, đi lại rất khó chịu và thậm chí là nguy hiểm, người Afghanistan rất lười, vật vờ nhưng lại bạo lực.”

 “Băng Cốc, thành phố của đối nghịch với những ngôi đền và nhà chứa, cần có khách. Cái nóng, giao thông, tiếng ồn và chi phí ở cái tổ kiến dẹt này khiến cho việc sinh sống ở đây thật không thể chịu nổi; nhưng Băng Cốc, với những thứ bất tiện khiến cho người dân thường trú khó sống, lại là một thành phố thoải mái cho khách trọ. Băng Cốc đã thành công trong việc duy trì nền kinh tế dựa vào các tiệm mát xa mà không cần có lính, bằng cách quảng bá rằng nơi đây kể cả những người ngoại quốc nhút nhát nhất cũng có thể “vui vẻ”. Và vì thế thành phố trở nên thịnh vượng…

Paul Theroux đã phản ánh tất cả những hiện thực mà ông nhìn thấy một cách sắc nét. Ông không chỉ chú ý đến những cái đẹp, cái hấp dẫn, cái thú vị như những vị khách du lịch thông thường. Nhưng Theroux cũng không che giấu cảm xúc thăng hoa của mình trước những hình ảnh đẹp. Như khi trông thấy những cô gái Miến Điện tắm bên suối: “... những cô gái ngực nhỏ, quấn xà rông đến nách một cách e lệ và giản dị, đội những thùng nước trên đầu... Phút chốc, tôi đã nghĩ đến việc nhảy khỏi tàu, rồi cầu hôn, vứt bỏ cả cuộc đời để theo một trong những tiên nữ ấy.”

Paul Theroux cũng ghé đến Việt Nam. Ông lên con tàu băng qua đèo Hải Vân, ngỡ ngàng nhận ra trong suốt cuộc hành trình, đây là vùng đất của những cảnh tượng thiên nhiên thơ mộng nhất. “Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ Luân Đôn, đây là nơi thơ mộng nhất… Chúng tôi đang đi trên viền một vùng vịnh màu xanh lá cây lung linh tươi sáng trong ánh nắng. Trên mảng biển nhấp nhô màu ngọc bích, những một vách đá nhô ra, và cảnh tượng một thung lũng rộng lớn tới mức cùng một lúc chứa đựng được cả ánh mặt trời, khói, mưa và mây - những khối màu độc lập. Tôi không thể ngờ lại được gặp một cảnh đẹp như thế này... Đã từng có ai nhắc đến một sự thật đơn giản rằng, những điểm cao ở Việt Nam lại chính là những nơi có cảnh vật kỳ vĩ không thể tưởng tượng được?

Hình ảnh con người trên trang sách của Theroux cũng đầy ám ảnh. Ông gặp họ trên tàu, hoặc ở một nơi tạm dừng chân nào đó. Ai cũng biết rằng những cuộc hội ngộ trên tàu hầu như chẳng có lần thứ hai, nên người ta thường tự tin để nói thật. Và những mảnh cuộc đời được hé lộ, những suy tư về cách sống, cuộc sống được giãi bày, chớp nhoáng thôi nhưng có thể hình dung ra cả những số phận. Một nhà buôn phát đạt, một viên chức ngay thẳng, một tín đồ cuồng tín, một kẻ khoác lác ngạo đời, một kẻ chết mòn, một người đang loay hoay đi tìm miền đất hứa... Nhiều số phận khác nhau trên những con tàu đã làm nên bức tranh đa dạng về kiếp nhân sinh.

Miên man trên các chuyến tàu, Theroux nhận ra mỗi chuyến tàu đều là một phiên chợ phương Đông rất đặc trưng, vốn không bao giờ là một nơi chỉ để mua bán, mà còn là nơi người ta gặp gỡ, hẹn hò, vui chơi, bày mưu tính kế, trả đũa, kiếm ăn, nên nó náo động và đầy màu sắc. Theroux hòa nhập vào những phiên chợ ấy, và đúng như tính chất của nó, các phiên chợ mang lại cho ông nhiều cảm xúc khác nhau, khi thảnh thơi, lúc căng thẳng, khi thú vị, lúc ghê sợ.

“Các đoàn tàu ở bất cứ nước nào cũng có những thứ đồ dùng linh tinh không thể thiếu trong nền văn hóa của nước đó: tàu của Thái thì có vại nước tắm hình rồng tráng men bên ngoài, tàu Ceylon thì có toa dành riêng cho các nhà sư, tàu Ấn Độ có một nhà bếp ăn chay và sáu hạng khác nhau, tàu Iran có chiếu cho người ta quỳ cầu nguyện, tàu Malaysia thì có quầy bán mì... còn trên mọi toa tàu của Nga đều có ấm samovar. Phiên chợ trên tàu, với những thứ linh tinh và những hành khách, phản ánh đầy đủ xã hội đến mức khi lên tàu người ta sẽ đối diện với tính cách quốc gia của nước đó. Đối với tôi, nhiều lúc việc đi tàu giống như dự một hội thảo nhàn nhã, nhưng cũng có vài dịp tôi thấy như bị cầm tù và sau đó bị những đặc tính xã hội gớm ghiếc tấn công.”

Rõ ràng, cuộc hành trình xuyên châu Á như vậy không phải cuộc cưỡi gió lướt mây lớt phớt, đấy thực sự là một cuộc dấn thân đòi hỏi nhiều trả giá. Paul Theroux đã thực sự sống cùng những chuyến tàu, để tất cả những cảm xúc cá nhân dao động đến tận cùng biên độ của nó. Và dấy chính là điều Theroux tìm kiếm khi ông quyết định lên đường: “Việc đi tàu đã kích thích trí tưởng tượng của tôi và thường mang lại cho tôi sự tĩnh mịch để sắp xếp và viết ra những suy nghĩ của mình: tôi có thể dễ dàng di chuyển trên hai hướng, dọc theo những đường ray đồng mức khi những hình ảnh của Châu Á liên tục lóe lên và chuyển động trên ô cửa sổ, và bên trong thế giới trí nhớ và ngôn ngữ riêng của tôi. Tôi không thể tưởng tượng ra một sự kết hợp chuyển động nào tuyệt vời hơn.”

Với Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, châu Á hiện ra sống động như có thể chạm vào, nếm được, ngửi thấy. Ấy là nhờ khả năng quan sát và nhận xét sắc sảo của Theroux, và tất nhiên, không thể không kể đến ngòi bút biến hóa đa dạng của ông, lúc bay bổng, lúc giễu nhại, lúc lạnh lùng, lúc hài hước, lúc dằn vặt, lúc triết lý... Không thể phủ nhận Theroux là một bậc thầy về ngôn ngữ.

Hẳn sẽ có nhiều người sau khi đọc xong cuốn sách này, trong lòng cuộn trào nỗi khao khát một ngày bỏ xa cuộc sống nhàm nhạt quen thuộc, hành lý trên vai nhảy lên một con tàu nào đó, để nếm trải mọi thanh âm của cuộc sống bao la./.


Phản hồi

Các tin/bài khác