Thương thế...một thời Hà Nội

(VOV5) - Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt hai tác phẩm mới về Hà Nội: Tiểu thuyết “Hà Nội, một thời tuổi trẻ” của tác giả Trần Văn Thụ và tập tản văn “Thương thế, ngày xưa…” của nhà văn Lê Minh Hà.

Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2015), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt hai tác phẩm mới về Hà Nội: Tiểu thuyết “Hà Nội, một thời tuổi trẻ” của tác giả Trần Văn Thụ và tập tản văn “Thương thế, ngày xưa…” của nhà văn Lê Minh Hà.


Thương thế...một thời Hà Nội - ảnh 1

 

“Hà Nội, một thời tuổi trẻ” là những trang viết sinh động và đầy cảm xúc về Hà Nội những năm tháng kháng chiến chống Pháp, về cuộc sống của người dân Hà Nội, đặc biệt là của sinh viên, học sinh, của thanh niên Hà Nội - những con người trẻ tuổi, thanh lịch, hào hoa xếp bút nghiên để cầm súng, chiến đấu bảo vệ Thủ đô yêu dấu trong ngày Toàn quốc kháng chiến… Qua một lăng kính khác, là cuộc đời, số phận những thanh niên Pháp buộc phải trở thành binh lính của đội quân xâm lược, tới Việt Nam, tới Hà Nội vào thời điểm khốc liệt của cuộc giao tranh.

“Hà Nội, một thời tuổi trẻ” là những kí ức không thể mờ phai được nhạc sĩ, nhà giáo Trần Văn Thụ kể lại với những người trẻ tuổi hôm nay…

Ông Phạm Thanh Quang - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế các công trình thủy điện chia sẻ: “Tôi nghĩ, cuốn truyện này có thể giúp các độc giả - nhất là các bạn trẻ và cả con cháu của tôi - hiểu thêm về một giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Pháp, về Hà Nội những năm đầu kháng chiến và cả về một thế hệ tuổi trẻ lúc bấy giờ, với câu hỏi ‘Tôi có thể làm gì cho đất nước?’”

Tác giả Trần Văn Thụ sinh năm 1928 tại Hà Nội, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh. Ông từng chia sẻ: “Tôi ra đi kháng chiến vừa lúc mười tám tuổi, khi ở vùng kháng chiến, khi ở vùng địch tạm chiếm nên được biết nhiều biến cố trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập của đất nước mình lúc bấy giờ. Những đóng góp của bạn bè cùng lứa tuổi tôi cho kháng chiến ngay trong lòng Hà Nội, dù nhỏ bé, nhưng vẫn in đậm trong tâm trí tôi và thôi thúc tôi viết cuốn truyện này để tưởng nhớ tới Hà Nội một thời khói lửa cùng một thời tuổi trẻ của lớp người chúng tôi ngày ấy.”

“Thương thế, ngày xưa…” gồm 19 tản văn của nhà văn Lê Minh Hà về những món ngon của Hà Nội trong kí ức của tác giả từ thời thơ bé, về một Hà Nội phố những năm 60-70 của thế kỉ trước với “Những phố vắng từ ngày xưa, như những dòng sông đổ tới. Phố của hoa sấu êm ái một sắc xanh vàng, phố của những bầy chim se sẻ, phố của xe bò kéo than khổ ải, phố của những xe đẩy đồng dạng cửa hàng mậu dịch một thời. Xe hàng giải khát thành cao, còn thêm vạch trắng, cái ô màu sắc ít nhiều phơi phới. Xe rau cỏ chỉ một màu xanh lá sẫm sứt sẹo, ô màu xanh công nhân.”

Miên man triền kí ức tuổi thơ, những cơn gió lạnh bời bời, hơi mưa giăng nhẹ như sương, những tiếng rao chơi vơi 'kê...e...e...e', 'phớ', 'ai dày...' và ánh mắt đen láy của cô gái Hà thành nhỏ nhẻ bên bát bánh trôi Tàu nóng bỏng... Mỗi hương vị quà quê đượm bao nỗi nhớ niềm thương khắc khoải. Mỗi con chữ ý văn ngấu cả những cực nhọc, mỏi mong và khát khao thơ trẻ của một thời khốn khó. Có lẽ, tác giả xa quê đã nhiều năm nên kỉ niệm chắt lọc trở nên tinh quý. Nỗi nhớ cũng thăng hoa và giữ vẹn hương vị nguyên ủy của những thức quà quê thuở nào...

Đã từng nếm nhiều của ngon vật lạ khắp chốn, nhưng những thức quà quê trong kí ức Lê Minh Hà vẫn khiến chị cồn cào nhung nhớ. Nhớ cái hương vị của món ăn, nhớ một người thương hay nhớ một không gian nhuốm màu kí ức ta cũng chẳng rõ: “Cầm chiếc bánh đã bóc trên tay, cắt đôi ra, bên trong lớp bột nâu rất lành kia là đậu xanh vàng êm ả. Ăn bao thức quà ngọt về sau, tôi vẫn nghĩ vị đậu xanh kia chỉ thực sự được tôn lên hoặc trong cái thơm ngầy ngậy của bánh chưng, hoặc trong cái ngọt gợi cả một mùa heo may của mật mía dọc triền sông quê cũ. Ăn bánh ấy, tục lắm mới ép uổng lột phăng lá gói. Phải nhớ lời bà, chầm chậm tước lá bánh thành sợi nhỏ, cắn tới đâu tước tới đó, và thỉnh thoảng nhấm chút chè thật đặc, chè mậu dịch một thời, ba hào bốn hào rưỡi một gói, đừng nói gì đến búp non búp già, toàn vụn bột, có chát mà không thơm, và lắm cặn.”

Nhà báo Linh Thoại nhận xét: “Bánh trôi, bánh mật, dưa cà, chè cám, bún, xôi... ‘Một miếng ăn ngon, bao triền kí ức’... vẫn còn nguyên nỗi xôn xao, iu ấp trong tâm thức một người đi xa. Sau Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, tản văn của Lê Minh Hà góp thêm vào “văn chương ẩm thực” Việt Nam một giọng văn kĩ lưỡng và tinh tế, với chất nữ tính riêng, làm người đọc như được ‘sống’ đầy đủ hơn, cảm hơn và yêu hơn từng thức quà, món ăn Việt Nam bình dị mà ngon kì diệu, ngon đến “thương nhớ khôn nguôi”...  Chảy tràn trong tập sách này là một không khí hoài niệm, để người đọc giật mình nhìn lại lòng yêu của mình đối với những điều tưởng như xưa, cũ; để bùi ngùi thương, nao lòng nhớ... những cái đẹp chẳng dễ tàn phai như trí nhớ con người.”

Họa sĩ Tô Chiêm chia sẻ, hai cuốn sách viết về hai thời kỳ lịch sử khác nhau bằng hai giọng văn rất khác nhau, của hai thế hệ khác nhau, nhưng cùng chung một niềm đau đáu... ngày xưa ơi. Cả hai tác giả, nhà giáo Trần Văn Thụ và nhà văn Lê Minh Hà đều sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và cả hai đều đang xa quê, một người ở phương Nam nắng gió, một người ở nước Đức xa xôi. Trong một tâm thức sáng tác như thế, họ viết về Hà Nội với tất cả những nỗi niềm thương yêu chất chứa. Để rồi khi đọc, mỗi người sẽ cảm được rằng, nỗi nhớ Hà Nội từ xúc cảm của một cá nhân, qua tác phẩm đã trở thành “nỗi nhớ không của riêng ai”.

“Hà Nội, một thời tuổi trẻ” và “Thương thế, ngày xưa...” làm dầy dặn thêm bộ sưu tập những tác phẩm về Thăng Long - Hà Nội của Nhà xuất bản Kim Đồng: Tản văn Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng), Hà Nội rong ruổi quẩn quanh (Băng Sơn); Hồi kí Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa (Lê Bầu), Tháng ngày thương nhớ (Phạm Thắng), Mái nhà xưa (Vũ Hùng); bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hà Ân: Trăng nước Chương Dương, Trên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mạc; bộ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Sống mãi với thủ đô, Lũy hoa, An Tư, Đêm Hội Long Trì, Vũ Như Tô, An Dương Vương xây thành Ốc; truyện tranh Thăng Long Kinh đô rồng bay ngàn năm tuổi; bộ sách kiến thức lịch sử: Từ kinh đô đến thủ đô, bộ sách Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội gồm 5 tập: Danh nhân Hà Nội, Kiến trúc ngàn năm, Kì tích chống ngoại xâm, Cảnh sắc Hà Nội, Kinh đô muôn đời...

Nhà giáo Trần Văn Thụ sinh năm 1928 tại Hà Nội. Hiện ông đang sống tại TP.Hồ Chí Minh. Ông cũng chính là tác giả bài hát Năm ngón tay ngoan được trẻ em Việt Nam nhiều thế hệ yêu thích.

Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, từng dạy học 10 năm tại trường THP Đan Phượng và THPT Hà Nội - Amsterdam. Chị rời Việt Nam từ 1994. Hiện sống tại Berlin (Đức). Tác phẩm chính: Trăng góa (truyện ngắn), Gió biếc (truyện ngắn), Thương thế, ngày xưa… (tản văn), Những giọt trầm (truyện ngắn), Sâm cầm (truyện ngắn), Gió từ thời khuất mặt (tiểu thuyết), Truyện cổ viết lại (truyện ngắn), Những gặp gỡ không ngờ (truyện ngắn), Phố vẫn gió (tiểu thuyết), Còn nhớ nhau không (tản văn), Chơi nhiều hết mệt (tản văn).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác