Táo quân 2017: Những “bí mật” của Gặp nhau cuối năm

(VOV5)- Tại sao “Táo quân” luôn có những ẩn số đến phút chót?

Một trong những chương trình giải trí được đông đảo khán giả Việt mong chờ mỗi dịp Tết đến, là chương trình Gặp nhau cuối năm của Đài Truyền hình Việt Nam, mà cách gọi đã thành “dân gian” là chương trình Táo quân. Tại sao “Táo quân” luôn có những ẩn số đến phút chót?

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

                                  

Táo quân 2017: Những “bí mật” của Gặp nhau cuối năm - ảnh 1
Nhân sự thiên đình trong Táo quân 2017 có trang phục khá mới mẻ và bắt mắt so với những năm trước - Ảnh: VFC

  

Tạo sức hút mới cho vai diễn cũ

NSUT Đỗ Thanh Hải, Tổng đạo diễn nhiều năm qua của các chương trình Gặp nhau cuối năm, cho rằng có một điều vừa là khó khăn nhưng cũng rất thú vị, làm nên cái khác biệt của chương trình, đấy là:“trong một bình diện mà ai cũng biết rằng những yếu tố đã trở thành: một, nếu nhìn ở góc độ hơi soi xét, thì nó trở thành yếu tố cũ, nhàm chán; nhưng nếu nhìn giản dị hơn, thì đấy là những gương mặt đã được khẳng định về tài năng diễn xuất, là những nghệ sĩ có kinh nghiệm về diễn xuất. Với đội ngũ đấy mà mỗi một năm họ phải chuyển mình, họ phải thay đổi, phải tạo nên sức thu hút mới, thì có nghĩa họ còn khó hơn nữa.”


Lý do mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải rất chia sẻ với các nghệ sĩ của chương trình táo quân, là họ luôn luôn chịu sự soi xét chính từ việc phải làm nên sức thu hút mới từ vai diễn tưởng đã cũ: “Khi xem một tác phẩm có yếu tố mới, có gương mặt mới, thì bản thân cảm nhận của mình cũng có gì đó nó dễ chịu hơn, dễ tiếp nhận hơn, và thậm chí nó có lỗi gì đi chăng nữa thì (khán giả) cũng dễ tha thứ hơn. Nhưng khi xem một tác phẩm mà người đó đóng nhiều, lặp lại nhiều thì bao giờ mình cũng soi xét hơn, bao giờ mình cũng khắt khe hơn.” 


Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, với góc độ đạo diễn Táo quân, anh chỉ mong làm việc được với diễn viên giỏi, diễn viên có đủ kinh nghiệm để có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của chương trình. Nhưng đối với diễn viên thì họ cũng chịu áp lực bởi vì công chúng luôn muốn đổi mới. Những người trong cuộc hiểu rằng không thể luôn nói “năm nay sẽ hay”, bởi vì chỉ khi chương trình lên sóng thì người thực hiện mới biết phản hồi của khán giả như thế nào.

Táo quân 2017: Những “bí mật” của Gặp nhau cuối năm - ảnh 2
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Ảnh: Báo An ninh Thủ đô


Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, với phần lớn những diễn viên tham gia diễn Táo quân, nếu như không vì hết mình với nghiệp diễn, vì gắn bó với chương trình, thì: “nếu để lựa chọn giữa chương trình Táo quân với những chương trình khác mà họ biểu diễn vừa mang lại thu nhập, danh tiếng vừa có sự yêu mến của khán giả, tôi nghĩ chắc họ sẽ chọn chương trình khác. Vì bước vào chương trình Táo quân họ chịu áp lực lớn, thời gian tập luyện khắt khe hơn, gánh vác trách nhiệm chuyển tải những thông điệp, những lời thoại đôi khi không được phép thay đổi, không được phép điều chỉnh, và thậm chí chỉ cần thể hiện ngữ điệu sai một chút thôi, nhịp điệu diễn, đài từ diễn thay đổi, là nội dung câu chuyện đấy đã khác.”


Điểm đặc biệt của Gặp nhau cuối năm, không thuần túy là chương trình hài gây cười, giải trí từ một vài tình huống, mảng miếng đơn thuần, mà còn chuyển tải những nội dung mang tính tổng kết, đúc rút, phụ thuộc từ chính chất liệu đời sống hết sức phong phú trong xã hội Việt mỗi một năm qua. Chỉ khi đưa đến một tác phẩm chạm được vào sự quan tâm của khán giả, được khán giả đồng cảm thì mới có thể coi là tác phẩm thành công.


‘Vốn sống’ cả năm dồn cho một kịch bản

Vì vậy, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, những vấn đề mà người làm Táo quân lựa chọn cho mỗi năm cũng đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên thành công của tác phẩm: “Trong phạm vi một chương trình truyền hình phát sóng, có rất nhiều đối tượng khán giả xem vào một thời điểm cũng rất quan trọng như vậy, thì những nội dung nào mình đề cập, và những nội dung nào không nên đề cập, chưa kể là đề cập mà lại không mang tính nghệ thuật hóa lên, mà lại trở thành những bản báo cáo rất khô cứng hoặc những thông tin nói lại trên báo chí đã khai thác rồi thì mình cũng không thành công. Nên việc tạo cho mỗi một năm một chương trình những sự hấp dẫn hoặc những thành công thì tôi nghĩ 50% phụ thuộc vào chuyện bối cảnh, những vấn đề của năm đấy. Và 50% còn lại đó là đạo diễn, diễn xuất, những trò diễn ở trong chương trình.”


Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, điều nhiều năm qua đóng góp nên thành công của chương trình, là kịch bản chất lượng. Chất lượng ở đây là sự nắm bắt được tinh thần của những vấn đề diễn ra trong năm, lồng ghép và lựa chọn được những gì nổi bật, tiêu biểu để tạo dựng nên tính cách của mỗi nhân vật Táo quân trong mỗi một năm khác nhau. Bởi vậy, kịch bản viết dù có thể chỉ trong một tháng, nhưng khâu chuẩn bị tư liệu cho kịch bản là cả năm trời, kể từ khi kết thúc Táo quân năm trước!


“Viết đó chỉ trong vòng một tháng, nhưng quan trọng là tập hợp và trao đổi về nó trong một thời gian rất dài. Đến khi chúng tôi tập luyện thì gần như kịch bản đó đã được đào xới lên. Có những năm gần như hai, ba chục trang kịch bản chúng tôi viết ra rồi  sau đó phải viết lại toàn bộ. Bởi vì khi lên sàn tập cùng các nghệ sĩ thì chúng tôi mới bắt đầu có sự cọ xát từ câu chữ trên kịch bản đến lời thoại, đến diễn xuất của nghệ sĩ và cả hiệu quả cuối cùng của nó nữa. Khi làm một chương trình hài không ai dám nói: tôi làm cái này thì khán giả sẽ cười. Mình chỉ có thể kinh nghiệm thì biết những kỹ thuật để tạo dựng ra hiệu quả về hài hước. Cái khác biệt của hài còn phụ thuộc khán giả, môi trường của khán giả, khán giả xem như thế nào, tầng lớp khán giả ra sao, rồi cả những trình độ cảm nhận khác nhau của khán giả nữa.


‘Đập đi đập lại’ mới đến được thành công

Kịch bản Táo Quân có hai người viết chủ lực và một đội ngũ viết tùy theo mỗi một năm, tùy theo giọng điệu cần có của tác phẩm: “Trên cơ sở nhóm chính đã viết rồi thì sẽ chuyển cho người có giọng điệu phù hợp với mong muốn của mình để họ viết lại. Hoạt động của Táo quân không cố định, mà sẽ tùy thuộc mỗi năm để người đó viết, sáng tác cho mình phù hợp. Và như tôi nói là đến khâu cuối cùng là khâu tập luyện nữa. Tập luyện cũng là một khâu sáng tác lại kịch bản, phản biện lại kịch bản, thậm chí đập đi để làm lại.”

Táo quân 2017: Những “bí mật” của Gặp nhau cuối năm - ảnh 3
Vai Nam Tào - Bắc Đẩu vẫn do Công Lý và Xuân Bắc đảm nhận - Ảnh: VFC

Lý do tại sao, dù đa số những gương mặt nghệ sĩ trong chương trình đã trở thành thân quen, mà “Táo quân” hàng năm sẽ như thế nào, nghệ sĩ đóng vai ra sao đến gần phút chót nhiều khi vẫn không được tiết lộ với khán giả, để người xem tò mò đoán trong “trật lấc”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải tiết lộ: “Có những nhân vật, những vai diễn mà chúng tôi viết kịch bản rồi, mời diễn viên đến tập rồi, và tập rất mất thời gian rồi, nhưng đến gần thời điểm tổng duyệt thì chúng tôi đánh giá là không hiệu quả và chúng tôi phải bỏ, lại thay đổi, lại tập lại. Nên việc nhiều khi mọi người quan tâm, yêu mến và nghĩ rằng chúng tôi giấu giếm nó thì cũng một phần là chúng tôi không mong muốn những nội dung của Táo quân được tiết lộ trước khi công chiếu để khán giả mất sự bất ngờ. Nhưng cũng có một thực tế là sự điều chỉnh và thay đổi có thể đến tận phút chót, thậm chí có năm đã ghi hình rồi, sau đó khi về ngồi bàn dựng dựng lại bổ sung thêm những phóng sự khác vào thì chúng tôi sẽ cắt bỏ những đoạn mà có một nhân vật diễn xuất, có thể là họ diễn ở trên sân khấu rất nhiều, nhưng khi chúng tôi dựng lại thì chỉ có thời lượng rất ngắn và trở thành những vai rất phụ. Nói câu chuyện ấy để thấy trong hiệu quả của chương trình Táo quân thì vì nó là một chương trình truyền hình, nên nó bị can thiệp ở khâu hậu kỳ rất nhiều. Và chỉ đến khi hậu kỳ thì mình mới thấy cái gì là cái cụ thể nhất.”

Phản hồi

Các tin/bài khác