Thái Kim Lan và... sắc vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh

(VOV5)- Thái Kim Lan, ai nói chi mặc lòng, luôn dành tấm chân tình son sắt với Huế, với văn hóa Việt Nam.


Thái Kim Lan rất Huế, đúng với nghĩa đen của từ “rất Huế” này, dẫu đã già nửa cuộc đời bà sống trên đất Đức, dạy triết học cho sinh viên Đức, và làm thơ bằng tiếng…Đức. Về Việt Nam, bà thường mặc áo dài, hay đồ lụa, với một vẻ đẹp xưa không thể lẫn. Và nói chuyện với bất kỳ ai, hay trong các cuộc hội thảo, luôn bằng một chất giọng Huế chậm rãi, ấm áp và khúc triết.

Thái Kim Lan và... sắc vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh - ảnh 1
TS Thái Kim Lan thăm lại trường nữ sinh Đồng Khánh xưa (Huế), nay là trường THPT Hai Bà Trưng. Ảnh: Ngọc Hiển/ Báo Tia sáng

Bà Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Gớt tại Hà Nội, đã giới thiệu vắn tắt về nữ giáo sư triết học này, trong một triển lãm áo dài xưa của Huế do Thái Kim Lan sưu tập: “Bà Thái Kim Lan yêu Munich. Ở đó có gia đình của bà. Bà cũng đã mở một nhà hàng Việt Nam đầu tiên ở Munich, nhà hàng này trong một thời gian dài được khách hàng bầu chọn là nhà hàng tốt nhất ở Munich. Bà đã thành lập hai hội văn hoá Đức-Việt. Bà từng theo học triết học và cũng trở thành tiến sĩ về ngành này tại một trường đại học tại Munich. Ngoài ra, bà còn viết sách, cuốn sách dạy nấu ăn của bà đã đoạt được giải thưởng. Bà còn dịch và làm thơ. Và tập thơ “Lạnh hơn xứ mình” trong đó có bài thơ “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” đã giành được một giải thưởng văn học tại Đức.”

Nếu có người tỉ mẩn ghi lại những gì Thái Kim Lan đã làm cho sự giao lưu văn hóa Đức Việt, cũng như những gì bà đã làm cho Huế nói riêng và Việt Nam chung trong hành trình đi về gần 30 năm qua, thì chỉ gạch đầu dòng thôi, cũng phải kín vài trang giấy, từ việc chuyển giao, kết nối văn hóa, giới thiệu văn hóa, dịch thuật.., đến tiên phong trong công cuộc kêu gọi các quỹ từ thiện Đức giúp đỡ nhận thức bảo vệ môi trường tại Việt Nam, hay từ thiện giúp người nghèo, nâng đỡ kẻ khó, bảo trợ người bệnh tật già yếu, giúp đỡ thanh niên sinh viên trên đường học vấn… Bà từng sáng lập và là chủ tịch của Hội Giao lưu Đức Việt. 

Nhưng cũng như những trang tản văn viết bằng một thứ tiếng Việt rất đẹp đẽ của mình, Thái Kim Lan là con người của sách vở. Bởi thế, cái công cuộc khai tâm mở trí về văn hóa truyền thống của bà, nhiều khi, đã không giúp được bà khỏi ngơ ngác, tổn thương trước những điều nhỏ mọn, lắt léo của cuộc sống đời thường.Song trên hết, vẫn là một giáo sư chuyên về triết học phương Đông, triết học Phật giáo, và thấm đẫm tư duy rộng mở của nền triết học thế giới, Thái Kim Lan đã hết lòng trong những việc bà làm về văn hóa và con người với một Minh triết. Khi bà nói "cuộc sống chính là sự thích nghi", bà cho thấy trong tư duy cũng như trong cuộc sống của mình có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Và đó cũng là điều bà luôn mong mỏi trong những nỗ lực phát huy văn hóa truyền thống Việt: “Bây giờ rất nhiều người hô hào về nguồn hay nhận mặt lại cổ điển, thực ra ngày nay trong sinh hoạt văn hóa Âu châu vấn đề truyền thống người ta đặt ra một cách nghiêm túc. Có lẽ (con đường văn hóa) chúng ta (làm) ở đây đang nằm trong dòng nước truyền thống. Bởi vậy sự phản tỉnh về dòng nước truyền thống này là quan trọng, là bước giao lưu văn hóa trên bình diện Việt Nam đối diện với thế giới”

Người phụ nữ Huế sống trên đất Munich ấy, dù không giàu có gì về tiền bạc, đã từng bỏ tiền túi mời cả đoàn tuồng sang đất Đức, diễn vở Đông Lộ Địch cho người Đức xem, để người Đức có thể hiểu hơn một nét tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam. Dù không giàu có gì, bà cũng từng tổ chức những đêm thơ, đêm nhạc cho văn nghệ sĩ Việt Nam, lặng lẽ tài trợ những buổi hội thảo về phát triển văn hóa truyền thống.

Bằng cả tấm lòng!

Từ mà người ta dùng nhiều tới mức nghe thành sáo mòn. Nhưng Thái Kim Lan, ai nói chi mặc lòng, luôn dành tấm chân tình son sắt với Huế, với văn hóa Việt Nam.

Trong dòng chảy văn hóa Việt, những nỗ lực của Thái Kim Lan là một màu sắc, liên tưởng như một câu thơ bà đã từng viết: màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh

Phản hồi

Các tin/bài khác