Tình yêu – phép thử xã hội của Tự Lực Văn Đoàn

(VOV5) - Có thể nói, chủ đề tình yêu trong buổi đầu văn học Việt Nam hiện đại đã nhận được sự quan tâm lớn của tầng lớp thanh niên trí thức của xã hội phong kiến thực dân vốn còn bị trói buộc rất nhiều lề thói, lễ giáo, trong những năm 30 của thế kỷ 20. Bắt đầu từ tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã làm chấn động độc giả thời bấy giờ, chủ đề này - vốn là một khoảng trống lớn trong văn học trung đại - đã tỏa sáng trong văn chương của nhóm Tự lực văn đoàn.


Tình yêu – phép thử xã hội của Tự Lực Văn Đoàn - ảnh 1
Buổi tọa đàm về nhóm Tự lực văn đoàn. Nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn (ở giữa)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Trong bối cảnh xuất hiện trở lại của nhiều tác phẩm của các tác giả văn học đầu thế kỷ XX, cũng như nhiều góc nhìn mới của các nhà nghiên cứu trẻ, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Manzi Art vừa tổ chức buổi tọa đàm về nhóm Tự Lực văn đoàn, một văn đoàn đã gây những dấu ấn đậm nét lên sự phát triển của nền văn chương Việt Nam hiện đại. Qua việc các nhà nghiên cứu trẻ nhìn nhận tiến trình phát triển, tư duy của một số  tiểu thuyết như Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân và Đời mưa gió...v.v  đã cho thấy một số điểm thú vị.

Tình yêu – phép thử xã hội của Tự Lực Văn Đoàn - ảnh 2
Hình ảnh nhóm Tự lực văn đoàn.


Tình yêu luôn là đề tài chiếm phần lớn trong các tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn. Một đặc điểm chung của tình yêu trong hầu hết tác phẩm Tự lực Văn đoàn đó là nó luôn được đặt trong hoàn cảnh: để có được một tình yêu trọn vẹn các nhân vật đều phải quyết liệt phản kháng lại thành trì của những định kiến xã hội phong kiến nửa thực dân cũ kĩ, hà khắc. Tại cuộc tọa đàm, nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Văn hóa nhận định rằng: “Viết về tình yêu của Tự lực văn đoàn không chỉ đơn giản là nói chuyện tình yêu, họ dùng tình yêu như là cách để có thể làm thay đổi quan điểm, nhìn nhận. Hay nói rộng hơn là dùng chủ đề tình yêu như một chủ đề “câu khách” để đánh vào lớp độc giả đang mới nổi lúc bấy giờ để có thể thay đổi những vấn đề lớn hơn về văn hóa và tư tưởng".


Như nhận định trước đây của nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Nguyễn Huệ Chi trong bài “Thử định vị Tự lực văn đoàn”, thì: “Sự ra đời của Tự lực văn đoàn có tác dụng kích thích phong trào sáng tác văn học của cả nước như là một tất yếu, một nhu cầu nội tại, với tư cách một sự tìm kiếm và tự thực hiện của khát vọng tự do.”Giáo sư Hà Minh Đức trong cuốn Tự lực văn đoàn - trào lưu và tác giả (NXB Giáo dục, 2007) cũngcho rằng: “Văn chương Tự lực văn đoàn mang tính chất phản kháng khá mạnh mẽ. Nó trực diện tấn công vào đạo đức và lễ giáo của đại gia đình phong kiến và đã thắng thế trong công luận. Đó là điều mà các tác phẩm ở thập kỷ trước chưa làm được”.


Theo nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn, có lẽ chuyện tình yêu chỉ là phần nổi để Tự lực văn đoàn đặt ra những thử thách về quan điểm, nhận định cho xã hội thời đại bấy giờ. Trong tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” năm 1933, cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhóm Tự lực văn đoàn, Khái Hưng đã dệt nên tình yêu của hai nhân vật Ngọc và Lan, dẫn đến xung đột giữa ái tình và tôn giáo. Khái Hưng viết trong tác phẩm của mình “Ái tình là bản tính của loài người, mà cũng là hạnh phúc của chúng ta”. Đến tác phẩm Nửa chừng xuân (xuất bản 1934) dường như Khái Hưng đặt tình yêu vào một phép thử cao hơn đối với xã hội thời bấy giờ. "Bắt đầu từ đây có một công thức của văn Tự lực văn đoàn, công thức gần như sẽ là xây dựng nhân vật giữa hai tuyến là người mới thuộc lớp trẻ, tân thời trẻ trung và phía bên kia là những bà phán, bà án đại diện cho tầng lớp cũ. Sự xung đột giữa hai lớp người này cũng đại diện cho sự xung đột lớn nhất của xã hội đương thời. Xung đột giữa luân lý đạo đức truyền thoong và tư tưởng lối sống tự do hôn nhân tự nguyện lúc bấy giờ".


Nếu như nàng Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách cách đó 10 năm chọn cái chết để chống lại cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì nàng Mai trong “Nửa chừng xuân” lại lựa chọn chống đối xã hội hủ tục bằng ý thức tự do của mình. Hình ảnh của Mai trong Nửa chừng xuân mới mẻ những năm 30 của đầu thế kỷ 20 ấy đã tạo ra một ý thức phản kháng lớn đối với những luân thường đạo lý của xã hội lúc bấy giờ. Có lẽ ở thế kỷ 21 này, một cô Mai lựa chọn là bà mẹ đơn thân có lẽ không khó bắt gặp ở xã hội hiện đại.


Còn “Đời mưa gió” là tiểu thuyết viết chung của Khái Hưng và Nhất Linh nâng cao hơn nữa tinh thần quyết liệt với những nhìn nhận cũ kĩ. Một lần nữa, Tự Lực Văn Đoàn lại đặt hai tuyến nhân vật xung đột nhưng lại trong chính chủ thể tình yêu. Một bên là thầy giáo Chương, một người đạo mạo mô phạm, ghét đàn bà đặt cạnh Tuyết, cô gái điếm giang hồ sành sỏi. Nói như nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn thì: "Đây là một bài kiểm tra phản ứng xã hội vô cùng mạnh mẽ ở thời kỳ mà Nhất Linh đứng lên như một thủ lĩnh cho công cuộc cải cách xã hội nhờ vào văn chương".

Một độc giả, chị Ngô Thanh cho rằng: “Tình yêu ở đây nằm trong tổng thể một xã hội và tình yêu là một vấn đề có tính chất rốt ráo cá nhân.Tình yêu được kết cấu bởi các mô phạm thuộc về đẳng cấp và khuôn mẫu của xã hội. Cho nên ở nơi nào các vấn đề của xã hội hoạt động một cách mãnh liệt nhất mà Tự lực văn đoàn đã cảm nhận ra lại là tình yêu – thứ mà người ta thường tách khỏi các vấn đề xã hội".


Ba tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân và Đời mưa gió chưa phải là bức tranh toàn cảnh về tình yêu trong khối lượng văn chương của Tự Lực Văn Đoàn để lại, nhưng có lẽ là những nét phác thảo sáng rõ sự tịnh tiến theo thời gian của tình yêu đặt cạnh sự quyết liệt phản kháng lại những định kiến, đạo đức luân thường ở xã hội cũ. Những phép thử xã hội ở đề tài tình yêu của Tự lực văn đoàn đã có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của tầng lớp thanh niên trí thức Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác