Trăng thu

(VOV5)- Lạ thế, mùa lá rụng này lại có những đêm trăng sáng tuyệt vời, đặc biệt đêm trung thu giành cho trẻ, cho tuổi ấu nhi.

Mùa thu với cảm thức phương Đông ngày xưa trở thành mùa của nỗi buồn úa tàn, mùa của chia ly, thành đề tài văn chương nghệ thuật của không biết bao nhiêu bậc tao nhân mặc khách. Cổ ngữ có câu “ngô đồng nhất diệp lạc-thiên hạ cộng tri thu”-một lá ngô đồng rụng xuống,dưới gầm trời ai ai cũng biết mùa thu đã về. Lạ thế, mùa lá rụng này lại có những đêm trăng sáng tuyệt vời, đặc biệt đêm trung thu giành cho trẻ, cho tuổi ấu nhi, gần như năm nào từ chập tối đêm rằm tháng tám trăng cũng đã “từ viễn xứ-đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn” (thơ Xuân Diệu). Trăng sáng trong vằng vặc nhuần tưới khắp không gian, khắp mặt đất ánh sáng vàng chan chứa mát lành. 


Trăng thu  - ảnh 1
Ảnh minh họa: internet

Thời a-còng, có lẽ trăng cũng không khác chi thời Đường thịnh thơ, thời Lý Bạch “ôm trăng nhảy giữa dòng” sông lãng mạn và dòng đời tao loạn, thời thi nhân Vương Xương Linh chỉ tiếc chia tay với bạn mà không sao vốc ánh trăng để tặng bạn hiền. Trăng vẫn như trăng thời cụ Nguyễn Tiên Điền viết truyện Kiều nói về đêm thề nguyền chàng Kim - nàng Kiều “vầng trăng vằng vặc giữa trời-đinh ninh hai miệng một lời song song”; hay nói về đêm trăng nàng Kiều chia tay chàng Thúc Sinh-với cuộc tình ân nghĩa “vầng trăng ai xẻ làm đôi - nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Và hiển nhiên vầng trăng Việt ấy mãi mãi là vầng trăng trong thơ bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương nhìn trăng thu với ánh mắt phồn sinh chín nẫu “một trái trăng thu chin mõm mòm - nẩy vầng quế đỏ đỏ lòm lom”. Trái trăng ấy như đời người đàn bà tài sắc, như một người đàn bà yêu nồng nàn cuộc sống mà không gặp kẻ tương phùng tương ngộ đành lỡ duyên lạc phận. Nên trăng thu mới cô lẻ mà dường như  cũng như người, thiết tha đợi chờ trong vô vọng mối tình riêng với người, với ai cùng mối tình chung với non nước, với nhân gian “đêm khuya lơ lửng chờ ai đó-hay có tình riêng với nước non.”

Trăng thu thời hiện đại hình như có phận số khác biệt hơn với trăng thời  xa xăm cổ tích. Trăng như người tự khẳng định bản lĩnh cùng con đường đời riêng biệt, trăng không còn chỉ là cái cớ để người đời bày tỏ vào đấy nhân tính nhân tình đa sắc diện của mình, đặc biệt của lớp người gắn với thi ca nhạc họa, đặt cược cả đời vào những ước mơ nhiều khi rất không tưởng, thậm chí hoang tưởng cùng trò chơi văn chương nghệ thuật lôi cuốn con người đi về phía chân trời khát vọng muôn thủa. Khi ông hoàng thi ca Xuân Diệu viết “trăng từ viễn xứ - đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn” thì vầng trăng đậm mầu tượng trưng ấy rất tương hợp với lớp văn nghệ sĩ trí thức tiểu tư sản lãng mạn thời văn chương Việt 1930-1945, khẳng định cái tôi cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ : “ta là một, là riêng, là thứ nhất”. Trăng không hờ hững như trong thơ Nguyễn Duy “vầng trăng đi ngang ngõ - như người dưng qua đường”. Thời chống Mỹ cứu nước, thời tác giả xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, trăng như là người bạn đường thân thiết trên từng cây số đạn bom, chết chóc, đói khát, bệnh tật của một thời con người cùng nhìn về một hướng.

Đêm trăng thu đẹp nhất của mùa trung thu, người viết vu vơ lan man về thơ trăng trong tiếng trống thùng thình  cùng tiếng reo hò rộn rã của đám trẻ con tập trung ngoài xóm ngay từ lúc chạng vạng tối. Sáng ra đọc cảm tưởng đêm trung thu của người bạn văn làm công việc phê bình, anh gọi là đêm trung thu buồn bởi lẽ vui có ồn ào có, nhưng thiếu hẳn không khí cổ tích, không khí của thơ ca cho trẻ có dịp bay bổng, có dịp chiêm nghiệm một cách ... thơ ngây về những điều tốt đẹp ẩn chứa trong hình tượng chú Cuội chăn trâu ngồi gốc cây đa  vô cùng quen thuộc với trẻ  thơ người Việt nhiều đời. Ngay ở xóm tôi, một làng quê vùng châu thổ sông Hồng cuối cùng cũng chỉ còn nghe thấy đám choai choai dập nhạc váng trời đất cùng loạn xạ những bài hát tình ca thời thượng ồn ào. Lũ trẻ nít chắc nhận quà xong là về ngủ vùi bên ông bà cha mẹ. Chắc chả còn ai như ngày xưa, như bà nội tôi vừa quạt mát vừa vỗ về cháu nhỏ thì thào kể chuyện “chú Cuội ngồi gốc cây đa - thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời - cha còn cắt cỏ trên trời...” Tiếng kể, tiếng ru ời ợi của bà của mẹ của chị ngày xưa theo nhịp võng đưa hay trên chiếu trải ngoài hè đất nệ dưới mái tranh nghèo ngày xưa trăng sáng vằng vặc, sẽ nuôi cấy hạt giống lãng mạn trên mảnh đất tinh  thần con trẻ .

Tự dưng nhớ tới lời nhận xét thời thế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tài danh cách đây đã nhiều năm khi ông có ý phân tích tuổi trẻ  sau giải phóng và tuổi trẻ thế hệ ông thời  trước. Ông cho rằng thời nay ít lãng mạn hơn. Tạm gác sang một bên những thành kiến, định kiến thậm chí ngộ nhận về thời cuộc, đôi khi nghĩ ngợi về sự thật nhiều năm qua, người ta không khỏi nhận ra rằng lời phẩm bình ấy ẩn chứa hạt nhân  duy lý, sự thật. Bởi thế nên có người nêu ý kiến một cách hồn nhiên rằng sao tổ chức đêm trung thu ở khu phố mà không nói chuyện với các em các cháu trước khi phát quà trung thu hay phá cỗ trông trăng về ý nghĩa của ngày tết này, về hình tượng chú Cuội với cây đa trên cái hành tinh đang tỏa sáng xuống trần gian kia thứ ánh sáng huyền diệu nhất của đất trời kia…

Phản hồi

Các tin/bài khác