Văn học Việt Nam 30 năm đổi mới: sự tìm tòi không ngừng nghỉ

(VOV5) - 30 năm qua, cùng với sự chuyển mình của đất nước,  nền văn học Việt Nam có nhiều đổi mới và thành tựu, nổi bật là sự đóng góp không nhỏ của thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975. Với những góc nhìn mới, mang dấu ấn thế hệ, tiếp cận đời sống đầy đủ, sung mãn, các nhà văn Việt Nam sau năm 1975 đã đóng góp một khối lượng lớn tác phẩm cho sự nghiệp đổi mới của nền văn học nước nhà. Nhìn lại một số thành tựu của văn học đổi mới.

Công cuộc đổi mới từ năm 1986 là một cú hích mạnh để thay đổi, thúc đẩy phát triển diện mạo văn hóa đất nước, như một động lực để thay đổi ý thức sáng tạo và con đường đến với hiện thực cũng thay đổi qua sự nỗ lực cách tân và tìm tòi không ngừng của đội ngũ viết văn trưởng thành sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Từ những tác phẩm đầy tính dự cảm của Nguyễn Minh Châu, nền văn học Việt Nam sau năm 1975 chứng kiến nhiều tác phẩm mới đi sâu vào hiện thực cuộc sống, số phận con người ở nhiều chiều cạnh. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với hàng loạt truyện ngắn đình đám mà dấu ấn đầu tiên là Tướng về hưu đã trở thành một sự kiện của văn học thời kỳ đổi mới. Tiếp đến là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranhLối nhỏ của Dư Thị Hoàn... Đó là những tác phẩm mang cái nhìn khác trước về đời sống, cách viết vượt ra khỏi những nguyên tắc và cấu trúc truyền thống. Trong nội dung phản ánh, chỉ có con người với những mẫu thuẩn phức tạp của cuộc sống, cái tôi bản ngã bên trong. Nhiều tác phẩm văn học đã khuấy động lên những vấn đề của thời kỳ đổi mới về kinh tế, những thay đổi về đạo đức xã hội bằng thái độ phân tích tỉnh táo và phê phán quyết liệt. Đánh giá về thành tựu của văn học đổi mới, Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá cho biết: "Thành tựu lớn nhất là thay đổi về quan niệm, về con người, về đời sống. Theo đó là một lối viết hoàn toàn khác trước, cho nên họ có những tên tuổi lớn và tác phẩm lớn. Họ đã chuyển từ mỹ học thời chiến sang mỹ học thời bình, từ một mỹ học nhằm ca ngợi cuộc kháng chiến, đi theo hiện thực chủ nghĩa đã chuyển sang một hệ mỹ học thời bình tức là quan tâm đến số phận con người, quan tâm đến những giá trị phổ quát toàn nhân loại, quan tâm đến sự tra vấn và đối thoại với hiện thực".

Ở giai đoạn này còn có sự hiện diện của không ít cây bút nữ, mang đến một sức sống mới, bằng sự mẫn cảm nữ giới. Nhà phê bình Văn học Chu Văn Sơn chia sẻ: "Đội ngũ người sáng tác nữ trên cả 2 mảng chính là thơ và văn xuôi thì đều là những người có tác động lớn đến tiến trình đổi mới và vừa là những cây bút sáng tạo ra những giá trị thơ ca, văn xuôi của giai đoạn này có những gương mặt tiêu biểu".

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thế Hà, Khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Huế thì trong xu thế đổi mới, dân chủ hóa, giao lưu và hội nhập, tiếng nói của giới sáng tác thời kì này ngày càng rộng mở hơn, tạo nên sự sinh động cho đời sống phê bình văn học: "Đó là sự đổi mới tư duy trên cơ sở sự đổi mới của đời sống xã hội. Khi đó văn học có điều kiện để nói lên tiếng nói tự do, tiếng nói dân chủ của mình để hướng mọi mục tiêu tốt đẹp của văn học vào việc phản ánh toàn bộ hiện thực đời sống con người bằng hình tượng thông qua chất liệu ngôn từ, vì con người".

Các nhà văn thế hệ từ 1975 đến nay đã trở thành bộ phận chủ lực của văn học đổi mới. Những tên tuổi như  Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái…đã góp phần trong việc định hình một giai đoạn văn học đầy sôi động. Nếu như thế hệ nhà văn chống Mỹ đã cơ bản hoàn thành trách nhiệm trước lịch sử thì thế hệ nhà văn sau năm 1975, với các tác phẩm của mình chứng tỏ phần nào tính chuyên nghiệp, xứng đáng với sự tin yêu của công chúng.

Phản hồi

Các tin/bài khác