Hội làng mùa xuân

(VOV5) - Trong cộng đồng làng xã Việt Nam, hội làng là hình ảnh biểu trưng của làng Việt Nam nhằm giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, quê hương đất nước. Hội làng thường được tổ chức vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan.

Hội làng mùa xuân - ảnh 1
Hội làng - một nét đẹp văn hóa của người Việt


Nghe âm thanh bài viết tại đây:

  


Vào dịp mùa xuân, sau những ngày Tết náo nhiệt làng nào cũng có hội. Thường mỗi làng đều có một vị Thành Hoàng, những vị Thần có công trong việc khai hoang, mở đất, đem lại sự bình yên cho xóm làng. Cũng có vị là một vị võ tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại sự bình yên cho xóm làng. Cũng có khi thành hoàng là người đem đến cho làng một nghề nhất định, tạo nên “làng nghề”. Hội làng được coi là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt như: tế lễ, rước kiệu, sau các nghi thức tế lễ là phần hội với các trò vui và hát xướng..

Hội làng mùa xuân - ảnh 2

Trong lịch sử có nhiều hội làng nổi tiếng tiêu biểu cho tín ngưỡng phồn thực được bảo lưu từ nhiều thế kỷ nay. Có những hội làng trở nên tiêu biểu, nổi tiếng cả nước như hội: Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, hội Cổ Loa, Lệ Mật, Phù Đổng của Hà Nội, hội Liễu Đôi (Nam Hà), Bắc Ninh có hội Đồng Kỵ, hội Lim... Bắc Giang có hội Yên Thế, Xương Giang, Thổ Hà, Vạn Vân, các Hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hội chùa Dâu, Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hội chùa Keo (Thái Bình)…Theo thời gian, hội làng có vị trí quan trọng trong đời sống, trở thành nét sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần của nhân dân ở mọi vùng quê. Hội làng là hình ảnh thu nhỏ bộ mặt làng xã nói chung và từng làng, từng xóm nói riêng.

Như nhiều làng truyền thống ở Việt Nam, nhân dân làng Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội  lại tổ chức hội làng với quy mô lớn. Đình làng Vĩnh Thượng tôn thờ Ngũ vị Thành Hoàng là Đàm Hiếu Hòang Đại vương, Linh Lang Đại vương, Nguyễn Phục Nguyễn Đại Vương, Cương Dũng Hùng Lược Đại vương và Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo. Cứ 4 năm 1 lần, nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hội làng quy mô lớn. Đây là dịp để mỗi người thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân đã có công với nước, giúp nhân dân trong làng. Ông Nguyễn Hữu Châm, Hội người cao tuổi  làng Vĩnh Thượng, cho biết: "Mỗi lần dự lễ hội tôi đều cảm thấy phấn khởi, thấy con cháu của mình tổ chức tốt lễ hội và giữ vững truyền thống của ông cha từ ngày đời xưa tới nay.  Cái nét đẹp ấy tới nay vẫn được duy trì dưới hình thức mới đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, duy trì nếp sống nông thôn mới, làm cho nhân dân càng thêm phấn khởi xây dựng nông thôn ngày càng tốt đẹp hơn".

Hội làng mùa xuân - ảnh 3
Hội vật đầu xuân

Trong tiếng trống hội rộn rã vang lên thúc giục, khắp ngõ, xóm, làng quê bừng lên niềm vui nhộn nghịp, người người tấp nập đội lễ ra đình tham gia các nghi thức tế lễ và các hoạt động vui chơi của hội làng. Mặc dù là lễ hội tâm linh tín ngưỡng, song lễ hội làng có ý nghĩa giáo dục cao, khuyên con người ta gạt bỏ điều ác để hướng thiện, xua đi những phiền muộn trong đời sống thường ngày, đồng thời nhắc nhở cho bản thân và răn dạy con cháu: biết ơn các vị tiền nhân, nhớ đến cội nguồn quê hương, truyền thống gia đình, dòng họ. Ông Đỗ Quốc Hùng sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh về dự Hội làng, bày tỏ: “Để duy trì truyền thống của quê hương, chúng tôi về lễ hội. Bà con về dự lễ hội mang tấm lòng tâm huyết với quê hương, đóng góp cùng quê hương xây dựng đường, đình chùa, miều …Chúng tôi về dự rất đông, bà con rất ngưỡng mộ về truyền thống quê hương, mang cả tình cảm vật chất đóng góp cho quê hương”.

Trong dịp lễ hội này con cháu từ mọi miền tổ quốc có những người ở nước ngoài cũng về đây dự hội làng. Anh Vũ Hữu Tiệp hiện đang làm ăn tại Hunggari về dự hội làng, bày tỏ suy nghĩ: "Mặc dù công việc bận rộn nhưng vẫn thu xếp về dự, bởi nhớ tới quê hương. Là một người con của quê hương, mỗi khi có hội làng tâm trí đều bồi hồi xúc động. Vào dịp hội làng, mình cũng kêu gọi người đồng hương xa quê cùng ủng hộ xây dựng quê hương".

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó. Bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Việt Nam, là dấu ấn của một nên văn hóa tín ngưỡng, tôn kính trời đất, tưởng nhớ cội nguồn, nên đó cũng chính là những gì con người Việt Nam cần gìn giữ và trân trọng nhất.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác