Luôn đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam

(VOV5) - Xem Việt Nam là nhà, là quê hương thứ hai và mong muốn gắn bó dài lâu hơn nữa. Đó là tình cảm chung của nhiều nhà ngoại giao nước ngoài khi đến công tác tại Việt Nam. Không chỉ giúp bắc cây cầu hữu nghị mới, thúc đẩy tiến trình hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn giữa Việt Nam với các nước, họ còn có những việc làm cụ thể, ủng hộ, đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam.


Luôn đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam - ảnh 1

Đại sứ Mỹ thả cá chép tại Hồ Tây, Hà Nội nhân ngày ông Công, ông Táo vừa qua 


"Xin chào Việt Nam! Tôi là Ted Osius. Quyết định của Tổng thống Obama bổ nhiệm tôi làm Đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã biến ước mơ của tôi trở thành hiện thực. Năm 1996, tôi đã vinh dự được đến Việt Nam để giúp Đại sứ đầu tiên đặt nền móng cho mối quan hệ mới giữa hai nước chúng ta. Một đất nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập đã, đang và sẽ là người bạn đồng hành không thể thiếu được của Hoa Kỳ. 

Tháng 12/2014, đoạn clip chào Việt Nam của tân Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osuis trước khi tới Việt Nam nhận nhiệm vụ được đăng tải trên trang cá nhân và trang web Đại sứ quán Mỹ và đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng Việt Nam. Ngữ điệu phát âm chuẩn Việt, cùng lời giới thiệu ấn tượng về bản thân đã tạo thiện cảm ban đầu về một nhà ngoại giao thân thiện, am hiểu Việt Nam. 

Tự nhận mình là người có duyên nợ với Việt Nam, đại sứ Ted Osius chia sẻ chính quãng thời gian gắn bó với Việt Nam gần 20 năm khi ông đảm nhiệm các chức vụ ở Việt Nam như Tùy viên Chính trị tại Tổng lãnh sự quán Mỹ và Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội từ 1997 – 2001, hay khi tham gia trong phái đoàn quan chức Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ song phương, đã giúp ông thêm hiểu, thêm yêu đất nước này. Khi Việt Nam đề nghị phía Mỹ bỏ cấm vận vũ khát sát thương đối với Việt Nam, chính Ted Osius là người kêu gọi ủng hộ đề nghị của Việt Nam mạnh mẽ nhất. Tới Việt Nam mới chỉ vỏn vẹn được hơn 1 tháng, nhưng Đại sứ Ted Osuis là một người xuất xuất hiện dày đặc ở các sự kiện cho các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. 3 năm nhiệm kỳ tại Việt Nam ông đặt ra cho mình khối lượng công việc không nhỏ: Tôi có tham vọng đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Bên  cạnh đó là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn hàng hải. Một tham vọng nữa là đẩy mạnh hợp tác giáo dục giữa hai nước, hướng tới thành lập được trường đại học Fulbright tại Việt Nam. Đây không chỉ là trường đại học tốt nhất ở Việt Nam mà tôi mong rằng đó còn là trường đại học tốt nhất trên thế giới.

Cũng tự nhận là cơ duyên khi đến đảm nhận công tác tại Việt Nam, đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier là người am hiểu văn hóa văn hóa, thích học Tiếng Việt và xem Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của mình. Trong những giây phút lắng lại của những ngày Tết cổ truyền Việt Nam, Đại sứ Pháp chia sẻ những điều tâm huyết: Quả thực khi nói về Việt Nam tôi có tình cảm từ khi còn rất nhỏ, xuất phát từ những ấn tượng trong những câu chuyện kể của gia đình, về khu vực Đông Nam Á của thế giới, về lịch sử rất sôi động của Việt Nam. Bà tôi sinh ra ở Đà Nẵng, Việt Nam, còn ông tôi làm việc trong lĩnh vực hàng hải và qua lại Sài Gòn rất nhiều. Và từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều kỷ vật của Sài Gòn mà ông tôi đưa về, điều đó khiến cho tôi có sự tò mò muốn biết về vùng đất xa xôi này. Có lẽ đó là cội nguồn khiến tôi gắn bó với Việt Nam.

Chính sự quan tâm đặc biệt đến khu vực Châu Á, đến Việt Nam và lịch sử ở khu vực này nên ông Jean-Noël Poirier quyết định học tiếng Việt Nam và may mắn được bổ nhiệm làm việc tại Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao Pháp. Chuyến công tác đầu tiên đến Việt Nam năm 1989 đã lưu lại ấn tượng sâu đậm với Đại sứ Jean-Noël Poirier khi ông được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch ngay tại khuôn viên của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Và cũng chính tại nơi này, 23 năm sau ông được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam và ông gọi đó là cơ duyên với Việt Nam.

Như con thoi trong các hoạt động ngoại giao của năm giao lưu chéo Việt Nam và Pháp 2 năm qua, Đại sứ Jean-Noël Poirier thường xuyên tất bật đi về giữa hai nước ở nhiều sự kiện. Không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ, ông Jean-Noël Poirier dành nhiều thời gian, tâm huyết của mình để thúc đẩy nhiều dự án hợp tác như dự án cải tạo lại cây cầu Long Biên, đưa đội bóng Guingamp của Pháp đến giao hữu tại Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận kho tài liệu của Pháp về vấn đề Biển Đông. 

Ông Jean-Noël Poirier tâm sự dường như thời gian ở Việt Nam, lấy vợ có một nửa dòng máu Việt là động lực khiến ông có phong cách sinh hoạt không khác gì người Việt. Dù không phải lần đầu tiên đón tết ở Việt Nam nhưng với Jean-Noël Poirier, Tết cổ truyền của Việt Nam vẫn khiến ông vô cùng hào hứng: Tôi đã từng trải qua mấy tết ở Việt Nam, tôi thấy rằng Tết là thời điểm hết sức quan trọng để khẳng định bản sắc văn hóa rất riêng của Việt Nam. Trong những ngày tết cổ truyền Việt Nam, 91 triệu người dân gần như đều có cùng một tâm tư tình cảm như nhau, đó là quay về gia đình bên những người thân. Sáng mùng 1 Tết không ai ra đường cả, tôi rất thích không khí đó và đây là nét văn hóa rất khác biệt, mang tính biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Tôn trọng lịch sử, văn hóa Việt Nam là cách mà các đại sứ này “nhập gia tùy tục”. Hiểu, yêu mến Việt Nam, gắn bó và xác định gắn bó lâu dài với Việt Nam, họ đang góp phần bắc những cây cầu hữu nghị giữa Việt Nam với các nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác