Bế mạc hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về tự do tín ngưỡng, tôn giáo

(VOV5) - Sau hơn 1 ngày họp tại Hà Nội, sáng nay, hội thảo quốc tế với chủ đề “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu và Việt Nam trong việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo” bế mạc.


Bế mạc hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về tự do tín ngưỡng, tôn giáo - ảnh 1


15 tham luận tại Hội thảo đã đánh giá những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc thúc đẩy và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nêu rõ vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện khuôn khổ pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong lĩnh vực tự do tôn giáo. Hội thảo cũng chia sẻ những kinh nghiệm về các vấn đề đa dạng tôn giáo và các mô hình thế tục ở Châu Âu cũng như chỉ ra những nỗ lực của các nước thành viên Liên minh Châu Âu trong việc bảo vệ và thúc đẩy tự do và các giá trị của tôn giáo. 

Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Bùi Thanh Hà, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng Luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam vào năm 2015: Sau khi chúng ta đã có Hiến pháp 2013 với những điều chỉnh quan trọng, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chúng tôi đang xây dựng dự thảo Luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đề cập vai trò của tôn giáo trong xã hội nói chung và trong các lĩnh vực cụ thể như giáo dục, từ thiện, y tế. Qua hội thảo này, những kinh nghiệm tốt sẽ được chúng tôi cân nhắc, tính toán để xây dựng pháp luật, cụ thể là Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng tôi đang thực hiện Dự thảo và đến tháng 7 năm sau trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và tháng 9/2015 trình ra Quốc hội”.


Thông qua Hội thảo, Việt Nam thể hiện thiện chí trong việc thúc đẩy đối thoại tích cực với Liên minh Châu Âu (EU), nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU theo hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện.    

Phản hồi

Các tin/bài khác