Việt Nam tổ chức vận động ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế

(VOV5) - Việc Việt Nam lần đầu tiên có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế thể hiện cam kết của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế cũng như mong muốn đóng góp vào công việc chung của LHQ. 


Việt Nam tổ chức vận động ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế  - ảnh 1
Ông Nguyễn Hồng Thao khi còn đảm nhiệm cương vị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh:Vietnam+)


Ngày 23/6, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức cuộc tiếp tân để vận động cho Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào một trong 7 vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) được phân bổ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 


Tham dự cuộc tiếp tân có đông đảo đại sứ và đại diện của các phái đoàn thường trực tại Liên hợp quốc và những người đứng đầu nhiều tổ chức quốc tế. 


Phát biểu tại buổi vận động, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga giới thiệu sơ lược tiểu sử của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, nhấn mạnh ông là một chuyên gia luật quốc tế kỳ cựu đồng thời là nhà ngoại giao có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật quốc tế và luật ngoại giao. Đại sứ cho biết cho biết việc Việt Nam lần đầu tiên có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế thể hiện cam kết của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế cũng như mong muốn đóng góp vào công việc chung của LHQ. 


Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết Việt Nam có kinh nghiệm trong việc quản lý những thách thức và khó khăn, nhờ trải qua nhiều cuộc đấu tranh vì hòa bình, an ninh, giảm đói nghèo và phát triển bền vững. Đặc biệt trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công vai trò là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các vị trí trong nhiều tổ chức và thể chế khác của LHQ. Đại sứ cam kết rằng nếu trúng cử, ông sẽ đặt ưu tiên cho một số chủ đề thích hợp cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng như các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi, bao gồm: Sưu tầm và công bố những tài liệu liên quan đến thông lệ thực thi luật pháp quốc tế của các quốc gia ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương; Giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia thông qua biện pháp hòa bình; Các chủ đề khác thuộc lĩnh vực quan tâm của ILC.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác