Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với mưa lũ

(VOV5)- Hiện nay, mực nước các sông trên địa bàn miền Trung đang ở mức cao. Chính quyền các địa phương tiếp tục khắc phục thiệt hại do mưa lũ, đồng thời ứng phó với diễn biến phức tạp hiện nay.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nước lũ trên sông Hương, sông Bồ, đều xấp xỉ báo động 1. Riêng nước sông Ô Lâu ở huyện Phong Điền dâng cao làm ngập một số điểm trên Quốc lộ 49 đoạn qua xã Phong Bình gây khó khăn trong lưu thông. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung theo dõi diễn biến và xử lý sạt lở bờ biển đoạn ở xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, sẵn sàng di dời tại chỗ cho hàng ngàn hộ dân sống ở vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đất.

Lũ trên sông Ba dâng cao, làm hư hỏng mặt cảng cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Mưa to khiến các khu dân cư, các vùng trũng thấp dọc theo sông Kỳ Lộ, tỉnh Phú Yên vẫn còn ngập nước. Tuyến đường về thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân tiếp tục bị chia cắt tại cầu sắt. Lực lượng chức năng đã cử người ứng trục, hướng dẫn nhân dân tránh bão an toàn.

Trong khi đó, cống chui tại khu vực thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân sạt lở trên 1.000 khối đất đá, phương tiện giao thông không thể qua lại.

Ngày 7/10, huyện Đồng Xuân và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Huyện chỉ đạo Phòng kinh tế hạ tầng và xã Xuân Quang 2 huy động lực lượng chở đất đá hộc đổ tạm cho dân qua lại. Về lâu dài, chúng tôi cần tính toán thiết kể bản vẽ cho bài bản để xây dựng cầu. Sáng 7/10, chúng tôi đã giao cho địa phương rào chắn lại, cấm biển báo nguy hiểm cấm xe qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân”.

Mưa lớn cũng gây sạt lở nhiều đoạn trên tuyến đường ĐT 647 thuộc xã Phước Tân; đặc biệt là tại đèo Trà Kê thuộc xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa bị sạt lở nặng đoạn dài khoảng 700m. Sở Giao thông Vận tải Phú Yên đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Phú Yên huy động xe cơ giới giải phóng mặt đường, tránh ách tắt giao thông.

Ông Lê Văn Thanh, Đội trưởng Đội Đường bộ 25-2, Sở Giao thông Vận tải Phú Yên trực tiếp chỉ đạo khắc phục sạt lở đèo Trà Kê, Sơn Hòa cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở và Công ty, sáng 7/10 đã có phương án phòng chống, huy động lực lượng, xe cơ giới, tiến hành đảm bảo thi công, trước mắt những vị trí nguy hiểm và sau đó sẽ tiến hành những vị trí còn lại”.

Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với mưa lũ - ảnh 1
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tiếm cứu nạn huyện Bắc Trà My túc trực kiểm tra theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh: Văn Bình)

Rạng sáng 7/10, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam lại xảy ra nhiều đợt dư chấn, rung chuyển mặt đất. Dư chấn mạnh nhất xảy ra vào lúc 2h17’ sáng 7/10, kéo dài khoảng 7 giây, gây rung lắc nhà cửa, khiến hàng ngàn người dân thức giấc. Lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Tranh 2 xác nhận các máy đo gia tốc lắp trong thân đập đã ghi nhận được các trận rung chấn này, cập nhật các dữ liệu và chuyển đến Viện Vật lý Địa cầu. 


Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Vấn đề động đất từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước liên tục xảy ra. Quan điểm ngay từ dầu là vào cuộc chấn an nhân dân. Đề nghị tỉnh hỗ trợ gạo, huyện trích ngân sách 100 triệu hỗ trợ cho người dân”.

Mưa lớn đã khiến lượng nước lũ đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tăng đột biến. Công ty thủy điện Sông Tranh 2 đã huy động phát tối đa công suất hai tổ máy để giảm lưu lượng nước tích ở lòng hồ./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác