Hài hòa giữa công chức và nghệ sỹ

(VOV5)- Những người cùng một lúc đi mạnh mẽ được cả trên “hai chân” công chức và nghệ sỹ như họa sỹ Hứa Thanh Bình - phó giám đốc bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, có thể xem là “của hiếm” thời nay.

Hài hòa giữa công chức và nghệ sỹ - ảnh 1
Họa sĩ Hứa Thanh Bình trong khu trưng bày mới của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Ảnh: Thoại Hà/vnexpress.net

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Cái khác đầu tiên của người họa sỹ này với các nghệ sỹ lãng tử nay đây mai đó là anh rất... dễ tìm. Bất cứ ai muốn tìm họa sỹ Hứa Thanh Bình, chỉ cần ghé phòng làm việc của anh tại bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, số 91 Phó Đức Chính, suốt từ 6 rưỡi sáng tới 6 giờ tối, 5/7 ngày một tuần!

Anh chăm chỉ và cần mẫn như con ong làm mật. Tuy nhiên, nói anh dễ tìm thì đúng, nhưng lại không dễ... gặp! Bởi anh luôn cố tránh đi nhiều nhất những cuộc tụ bạ đàm luận vô bổ để có thời gian vẽ. Thực tế, trong cương vị phó giám đốc chuyên môn của bảo tàng, họa sỹ Hứa Thanh Bình phải “vun vén” từng chút thời gian để có thời khắc quý báu cho riêng mình bên giá vẽ.

Xuất thân trong một gia đình không có truyền thống hội họa ở vùng đất thép Củ Chi, nhưng tuổi thơ và suốt quãng đời trưởng thành, họa sỹ Hứa Thanh Bình đã gắn bó với cuộc sống đô thị Sài Gòn. Cha anh vốn là một y tá. Ông cũng từng nuôi hoài bão thành họa sỹ. Giấc mộng không thành, ông dồn nhiệt tâm và ước nguyện cho cậu con trai. Có lẽ cũng một phần vì muốn vui lòng cha mà dù xuất phát ban đầu là ngành học đồ họa, họa sẽ Hứa Thanh Bình đã quyết định chọn sơn dầu làm lối rẽ quan trọng cho mình.

Thật khó để có thể phân biệt rành rẽ giữa một chuyên viên bảo tàng Hứa Thanh Bình và một họa sỹ Hứa Thanh Bình nếu nói về phương diện tâm huyết và trách nhiệm. Gần ba mươi năm gắn bó với hai bảo tàng lớn và quan trọng của TP. Hồ Chí Minh là Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh (trước có tên là Bảo tàng Cách mạng) và Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, họa sỹ Hứa Thanh Bình cho rằng, đó là những năm tháng có tác động rất lớn tới sự nghiệp nghệ thuật của anh. Nhịp điệu đều đặn và nghiêm túc của một công chức đã tạo cho anh thói quen lao động miệt mài và chuyên nghiệp trong hội họa. Những thao tác khoa học cần thiết trong chuyên môn khảo cứu, sưu tầm và bảo quản, thống kê hiện vật của bảo tàng lại giúp anh thái độ nghiêm cẩn và tỉ mỉ trong lúc vẽ tranh. Họa sỹ Hứa Thanh Bình coi hội họa là một nghề, và cũng giống như bao nghề, bao việc bình thường khác của đời sống, phải làm nhiều. Vì càng làm nhiều, người ta càng thuần thục, điêu luyện, càng thu được những kết quả tốt.

Tính tới thời điểm này (2014), họa sỹ Hứa Thanh Bình đã có ba triển lãm cá nhân. Anh dự định năm 2015 tới, anh sẽ làm cuộc thứ tư. Ngay cả trong chuyện triển lãm, ông phó giám đốc bảo tàng cũng có những trù liệu rất nghiêm túc.

Trung bình cứ khoảng mười năm, anh lại tổ chức triển lãm riêng như một cách tự tổng kết chặng đường sáng tạo với những nỗ lực tìm tòi và các thành tựu đạt được. Anh quan niệm, nếu bản thân họa sỹ không thấy có một cái gì đó mới mẻ của riêng mình thì không nên làm triển lãm cá nhân. Đó rõ ràng không chỉ là quan niệm nói cho vui. Nó được chứng minh bằng quá trình lao động nghệ thuật thực sự. Mỗi năm, họa sỹ Hứa Thanh Bình vẽ được khoảng ba chục bức. Trong khoảng năm đến mười năm, trên tổng số tranh đã vẽ, anh mới có thể chọn ra những bức ưng ý hơn cả để mời công chúng thưởng ngoạn.

Ghé thăm phòng làm việc của anh vào một ngày ngẫu nhiên, người ta sẽ thấy có vài ba bức họa cùng đang trong quá trình hoàn thiện. Những bức tranh của anh thường có khổ rất lớn, bởi chủ nhân của chúng, trong những điều kiện eo hẹp về thời gian, vẫn luôn muốn được biểu đạt nhiều nhất tâm hồn và tình cảm của mình trên một nền toan rộng rãi. Xem tranh của họa sỹ Hứa Thanh Bình, người ta ấn tượng với chân dung những người phụ nữ Nam Bộ được thể hiện rất tinh tế và giàu tình cảm. Họa sỹ Hứa Thanh Bình thích thử nghiệm và sáng tạo không chỉ ở nội dung mà cả ở chất liệu màu vẽ. Từng một thời, anh gây ấn tượng đặc biệt với người xem ở những gam màu mang đậm hơi thở, hương vị và sắc độ của vùng phù sa châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Trò chuyện với họa sỹ Hứa Thanh Bình, nói tới nói lui rồi rốt cuộc chúng tôi lại vẫn trở về với bảo tàng và hội họa. Sự gắn nhập thật hài hòa của con người công chức và con người nghệ sỹ trong anh đã làm nảy sinh những khát vọng gắn kết môi trường bảo tàng với những hoạt động nâng cao dần thị hiếu thẩm mỹ hội họa của công chúng. Còn nhớ cách đây ba năm, khi chuyển công tác từ Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh về Bảo tàng mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, anh đã dành ra hai tuần không làm gì, chỉ bắc ghế ra ngoài đường ngồi quan sát lượng khách ghé thăm. Và anh phát hiện ra sự “chưa thân thiện” của cánh cửa bảo tàng. Sau đó, vẻ nghiêm trang, chỉn chu như một cơ quan công quyền của bảo tàng đã được thay thế bằng những băng rôn, bảng thông báo có tính gần gũi, giản dị hơn.

Trong những trăn trở để bảo tàng trở thành một phần của đời sống đương đại, họa sỹ Hứa Thanh Bình đã nhìn thấy trước rất nhiều việc phải làm. Đó không chỉ là việc bảo quản hiện vật - những tài sản có giá trị to lớn, là cách tổ chức không gian và hoạt động lưu trú cho khách tham quan, cách quảng bá hình ảnh và nâng cao giá trị bảo tàng, mà còn là những lớp học, những sự kiện, hoạt động có thể trang bị kiến thức, nâng tầm cảm thụ và thưởng ngoạn hội họa của công chúng....

Trong suy nghĩ của người họa sỹ này, với thành phố rộng lớn và đông đúc như TP. Hồ Chí Minh, số lượng các trung tâm văn hóa nghệ thuật hiện có quá ít. Và với anh, việc làm thế nào để kéo công chúng đến với bảo tàng mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, không chỉ vì mục tiêu phát triển lâu dài nền mỹ thuật trong nước, nó còn là cái tâm của người nghệ sỹ với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa dân tộc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác