Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 31

(VOV5) - Sáng 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 31 chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tới.


Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 31 - ảnh 1
Quang cảnh phiên họp


 Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 15 dự án Luật, như dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng năm 2014; việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.


Cho ý kiến vào dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với việc cần sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật dân sự. Điểm mới của dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) là quy định trách nhiệm của tòa án phải thụ lý tất cả các vụ việc dân sự và thương mại khi người dân có yêu cầu khởi kiện lên tòa án. Đa số ý kiến cho rằng đây là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: 
“Yêu cầu của luật lần này là Hiến pháp đã quy định mà trong luật cũ chưa quy định rõ thì lần này phải quy định như quyền sở hữu, quyền dân chủ làm ăn, tự do kinh doanh, vai trò của tòa án với tư cách là cơ quan tư pháp. Đã là dân sự thì mọi việc cốt ở đôi bên do đó cái gì dân giải quyết được với nhau thì không phải đưa ra tòa”.

Nhiều nội dung của dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) cũng được các đại biểu tập trung thảo luận như quy định về các hình thức sở hữu; thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng kí quyền sở hữu; việc không quy định thời hiệu khởi kiện./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác