Việt Nam - Hungary nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực

(VOV5) - Trong chuyến công tác tại Hungary từ ngày 15-17/04/2015, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Xi-ác-tô Pê-te và Quốc vụ khanh Ngoại giao, Chủ tịch Phân ban Hungary trong Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam – Hungary Mi-cô-la I-xtơ-van. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tiến hành tham vấn chính trị với Phó Quốc vụ khanh Ngoại giao Hungary Bo-loóc Cho-bo, tham dự Hội thảo về khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 65 năm quan hệ Việt Nam – Hungary.

 

Việt Nam - Hungary nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực - ảnh 1
Khóa họp lần thứ 6 của Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và Hungary ngày 13/03

 

Tại các cuộc làm việc, phía Hungary khẳng định việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách “Hướng Đông” của Hunagrry. Phía Hungary đánh giá cao những thành tựu trong công cuộc Đổi mới của Việt Nam; chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang đi đúng hướng và tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ cao hơn năm 2014. Phía Hungary nhất trí tăng cường phối hợp với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEM, đồng thời đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Việt Nam với tư cách là Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU. Bộ trưởng Ngoại giao Xi-ác-tô Pê-te khẳng định Hungary ủng hộ việc sớm hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và tin rằng việc này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại – đầu tư giữa hai nước. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trên các lĩnh vực Hungary có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân, môi trường, dược phẩm, y tế, quản lý nguồn nước, nông nghiệp, hợp tác giữa các địa phương hai nước… Về vấn đề Biển Đông, phía Hungary ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982./.

Phản hồi

Các tin/bài khác