Việt Nam xây dựng xã hội chủ động và an toàn trước thiên tai

(VOV5) - Sáng 13/10 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc thường trú tại Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (13/10).

Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2015 của Liên hợp quốc cho thấy Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động của thiên tai. Từ những năm 1970, thiên tai đã khiến hơn 500 chết mỗi năm tại Việt Nam, thiệt hại về kinh tế hơn 1,5% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Theo báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam vừa được công bố, tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến từ 3% đến 5% GDP vào năm 2030.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết: “Với chủ đề “Kiến thức cho cuộc sống”, Ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm nay chú trọng đến sử dụng tri thức và kinh nghiệm truyền thống, bản địa để bổ sung cho kiến thức khoa học trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Chủ đề ngày phòng thiên tai đề cao cách tiếp cận đa ngành phù hợp với bối cảnh của từng địa phương để nâng cao khả năng chống chịu đối với thiên tai của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Với mục đích và ý nghĩa đó, tôi mong rằng các Bộ, ngành và các địa phương, các cơ quan, tổ chức quốc tế và cộng đồng dân cư tăng cường nhận thức về thiên tai, biến đổi khí hậu. Đề cao vai trò của tri thức kinh nghiệm truyền thống và những sáng kiến, hành động cụ thể cùng với những kiến thức về khoa học để xây dựng 1 xã hội chủ động và an toàn trước thiên tai”.

Việt Nam xây dựng xã hội chủ động và an toàn trước thiên tai - ảnh 1
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm


Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó thiên tai và nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đồng thời đưa ra khuyến nghị về tầm quan trọng của việc đổi mới chính sách và cơ chế thích hợp với diễn biến khí hậu hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác