"Bố" Năm Ngũ - Nghệ sỹ của Phòng Bá âm

(VOV5) - Chiều chiều, tôi vẫn nhác thấy ông ở khu tập thể nhà Đài. Giờ ở đây ít người biết ông. Người nhà đài chuyển ra ngoài đã nhiều. Người ở nơi khác đến đông hơn. Ông mỉm cười với vài người quen rồi khuất vào vòm cửa thẫm tối, lần bước lên căn gác mà nhiều năm nay nó là nơi ông trú ngụ sau những niềm vui, sau những nỗi buồn, sau những hội ngộ, sau những chia tay. Ông về đó, tránh xa các cuộc tiếp xúc mà trước đây nó là nguồn vui, là nguồn năng lượng để ông vượt qua những khúc quanh của cuộc đời.

Ông Năm Ngũ, nguyên trưởng phòng Pha âm, Trung tâm âm thanh

Giờ hai vợ chồng ông nương tựa vào nhau cho bóng già đỡ quạnh. Với ông, đã xong xuôi những phần việc, chỉ còn lại những nỗi niềm rất riêng, những câu chuyện dài chỉ biết gửi nhờ đêm thâu thấu hiểu...

Ông về căn gác của mình, bỏ lại một khoảng trống mà không phải ai cũng dễ nhận thấy nó mênh mông đến nhường nào. Chỉ những người đã một thời gắn bó với sự nhộn nhịp kho băng âm thanh, phòng trích băng, phòng pha âm rộn tiếng mới thấu hiểu rằng một ngày cũ đã chính thức khép cửa.

Giờ việc sản xuất chương trình, phần mềm số hóa hiện đại, anh em phóng viên được công nghệ tiên tiến hỗ trợ rất nhiều khi tác nghiệp, dàn dựng chương trình. Công nghệ càng cao người ta càng nhớ một giá trị đã tạo nên hình ảnh thương hiệu Trung tâm Âm thanh. Đó là những người cả một đời ôm bàn trộn, tai thẩm thấu, chắt lọc từng loại âm thanh, từng dòng âm nhạc.

Nhiều người kể rằng, khi công nghệ số được áp dụng trong các khâu sản xuất, vì sợ... công nghệ, ông nhường sân cho lớp trẻ bằng cách trốn biệt, không lui tới phòng bá âm. Nhưng lãnh đạo trung tâm vẫn thuyết phục ông trở lại công việc vì suy cho cùng máy móc thật khó thay cho sự tâm huyết và kinh nghiệm nghề.

Ông thuộc thế hệ kỹ thuật viên âm thanh thời analog với những cuộn băng cối đều đặn quay những vòng lịch sử. Thời gian có thể lãng quên ông nhưng những ai đã gắn bó với phòng bá âm ấm nồng tiếng nói vẫn nhớ tới ông và những thế hệ sống chết với làn sóng, đổ máu vì làn sóng...

Năm tôi vào đài, ông là một trong những bậc cao thủ pha âm, là một trong những người thày đầu tiên dạy tôi những hình dung đầu tiên về một nghề gắn mật thiết với công việc biên tập báo nói. Ông dạy tôi cách biên tập bằng đôi tai thẩm âm; biên tập bằng đôi tay mềm mại cắt trích tiếng động từ băng cát sét sang băng từ; cả cách nền nhạc như thế nào để tạo hiệu ứng...

Tôi cứ tự hỏi một kỹ thuật viên bình thường vì lẽ gì mà được anh em yêu thương đến thế? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải nhờ cả cuộc đời ông, một đời lặng thầm giữa làn sóng. Con người đó chơi với bè bạn, đồng nghiệp luôn hết tầm. Thẳng thắn nhưng cũng nhiều vị tha. Bộc trực nhưng cũng đầy sự hóm hỉnh. Rất nhiều bạn trẻ tỏ lòng kính trọng và thương cảm gọi ông là bố; nhiều chị em thân thương nhận ông là anh trai. Một điều khá thú vị là có nhiều phóng viên đài tỉnh về Hà Nội ngoài lịch làm việc với lãnh đạo Đài, thời gian còn lại là thăm... ông, người Tổ trưởng Tổ pha âm đáng mến. Một lý do đơn giản, vì ông không chỉ giúp đỡ họ, mà còn chơi với họ, tôn trọng họ, chả bao giờ phân biệt họ là đài... địa phương.

Và trong công việc cũng vậy, ông kỹ tính hơn cả chính những biên tập viên...

Đạo diễn sân khấu truyền thanh, NSƯT Vũ Hà từng phán: "Ông còn nghệ sỹ hơn cả tôi!". Những lần thăng hoa, ông lướt những ngón tay trên bàn trộn như một nghệ sỹ dương cầm, trong khi đôi chân thì dịch chuyển điệu đà như đang xoay một vòng valse đầy tiết điệu, cả những lúc ông tăng giảm chiết áp lồng nhạc, hay trích tỉa tiếng "ậm ừ" thừa thãi của khách mời trên cuộn băng cối; bộ ria hênh hếch nói thay lời... Tất cả đều chứa sự "phăng-tê-di" của cảm xúc.

Giờ chiều chiều gặp tôi chốc lát sân tập thể, ông đều hỏi thăm: "Thằng đó dạo này thế nào? Ông đó đã nghỉ hưu chưa?". Rồi ánh mắt chợt dõi về một phía xa xăm khi tôi thông tin về người còn, người mất... Trong mắt ông hình như vẫn chất chứa hình ảnh những phòng thu rộn âm thanh..., chỉ có điều nó giờ nằm im, bình lặng...

Cuộc đời gắn với âm thanh nhưng quãng hưu chỉ bình lặng thế thôi sao? Sau mỗi chương trình, bản nhạc, bài thơ, vở kịch..., tôi chỉ thấy người ta tung hoa tác giả, còn những người như ông chỉ miệt mài và lặng lẽ như những nốt trầm của bản hợp xướng hoành tráng lịch sử phát thanh.

Hôm rồi, tôi nhặt về nhà cuốn băng cối những bài hát một thời, cả cuộn băng lưu lại những chương trình phát thanh đầu tay của tôi khi mới vào Đài, ở cuối có nhắc vài dòng tên ngắn ngủi: Cẩm Thi, Huy Tư, Ngọc Bé, Ngọc Dung... và ông - Thiện Như Ngũ, những người tôi vẫn luôn đau đáu giữ kín trong lòng những lời cảm ơn chí tình nhất cho những tháng ngày được nâng đỡ, tỉa tót để những chương trình của mình chắp cánh lên không trung, nhận về biết bao giải thưởng, huy chương...

Hình như tôi vẫn còn nợ những mối nợ sâu nặng không gì trả nổi.

Phản hồi

Các tin/bài khác