Chào ông “Chủ nhiệm”

(VOV5) - Câu đầu miệng “vừa thực vừa hóm” này thường được các phóng viên Uỷ ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam dành cho ông Nguyễn Văn Kế.

Số là, vào những năm tháng ấy, cơ quan ngôn luận chủ lực này có tới hai ông chủ nhiệm: một là ông Trần Lâm Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh - Truyền hình (UBPTTH) Việt Nam, một nữa là Nguyễn Văn Kế - Chủ nhiệm Hợp tác xã tiêu thụ UBPTTH Việt Nam.

Ghé thăm ông ở khu tập thể Đài TNVN (128C Đại La, Hà Nội), được ông nhiệt tình pha trà, bóc thuốc, lấy bánh kẹo ra mời. Nhấm nháp chén trà thơm, ông thủng thẳng: “Càng về già càng nhớ nhiều chuyện cũ, nhất là những chuyện thời gian khổ”.


chao ong "chu nhiem" hinh 0
 Tác giả cùng ông "Chủ nhiệm" (bìa phải)


Rồi ông thả hồn về quá khứ, lướt qua “lý lịch trích ngang” của mình: 11 tuổi rời miền quê nghèo Phù Tiên - Hưng Yên ra Hà Nội, bị người ta lừa lên tàu bán cho mấy ông nhà giàu trên Phú Thọ. 21 tuổi nhặt được truyền đơn kêu gọi đầu quân của tướng Võ Nguyên Giáp là vào ngay quân đội. 2 năm sau sức khỏe yếu, ra quân, xin vào làm tiếp phẩm cho Nha Thông tin tuyên truyền ở chiến khu Việt Bắc. Gắn bó với Đài TNVN từ ấy cho đến ngày thắng Pháp, thắng Mỹ và hết thời bao cấp, tính ra cũng gần 40 năm.

Ông “Chủ nhiệm” ngước nhìn lên bàn thờ nghi ngút hương khói, nơi đã đặt sẵn cỗ xôi và con gà cúng tổ tiên rồi nói: “Hồi chống Pháp, làm gì có chuyện được ăn cả con gà trong một bữa như hôm nay. Tôi còn nhớ, năm 1949, một hôm ông Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Nha thông tin tuyên truyền thông báo giặc đang đánh lên Đoan Hùng. Tất cả phải di chuyển ngay trong đêm. Theo lệnh này, cơ quan chia ra từng tốp 10 người mò mẫm lách rừng vượt suối. Tôi đi với nhóm báo vụ “tạch tè tạch tè”, có các bác Cung, Tâm, Tạ, Giang...

Lúc này, tôi lo anh em bị đói hơn là sợ giặc, tìm mua được một con vịt và một ít ngô (thứ ngô đã bị mốc thường dành cho ngựa). Ngô luộc lên thay cơm. Còn vịt thì băm nhỏ, rang muối, bỏ vào ống bương, mỗi bữa múc ra một thìa nấu với rau tàu bay làm canh, cứ thế tốp tôi kéo được 7 ngày. Cả quan và quân cùng ăn, cùng vui”.

“Chuyện khác nữa nhé” - ông Kế kể tiếp - “Thời gian Đài TNVN đóng ở vùng hồ Ba Bể, anh em bắt được rất nhiều cá. Có những ngày ăn không hết cá, tôi nướng lên và đem đi bán. Trèo đèo lội suối vào tới cơ quan Bộ Tài chính, tôi bị anh em bảo vệ chặn lại và hỏi: “Giấy tờ ghi anh đi mua thực phẩm cho đơn vị, sao lại có cá bán?”. Tôi thưa: “Bán cá bắt được để thêm tiền mua thịt, lâu ngày anh em chưa được ngửi mùi thịt. Thế là trót lọt.

“Ngoài nhiệm vụ tiếp phẩm, anh còn được nhận thêm việc gì nữa?” - tôi tò mò.  “Có chứ!” - ông Kế đáp - “Vận chuyển xăng dầu, quay máy nổ, đi nhận tiền cho đơn vị và chuyển giao trang thiết bị phát thanh. Còn nhớ, một hôm, tôi nhận việc đưa một số máy thông tin đến trạm liên lạc để chuyển cho một đơn vị ở Liên khu V ra lấy. Theo lời dặn trước là giao hàng cho ông Đậu. Song người đến nhận lại có tên là Đẩu. Tôi vội báo cáo về cơ quan, tránh để máy móc rơi vào tay địch.

Cơ quan cho biết, Đẩu và Đậu là một. Miền Bắc và miền Trung giọng nói khác nhau dẫn đến viết khác nhau trong giấy đi đường. Thế là tôi hoàn thành nhiệm vụ. Theo cách làm này, về sau tôi quản lý hai nhà ăn tập thể ở Quán Sứ, làm thủ kho “Kho vật tư điện tử” Bạch Mai, làm Chủ nhiệm Hợp tác xã tiêu thụ đều đảm bảo tiền không mất một đồng, gạo không thiếu một cân, vật tư điện tử in mác nước ngoài không hề để nhầm lẫn, cho dù trình độ văn hoá của tôi gắng học mãi vẫn không vượt qua được cấp II bổ túc”.

“Này anh Kế! Như vậy là anh được tín nhiệm cao, thường xuyên được thăng cấp tiến chức. Anh kể cho nghe vài chuyện nữa nào, về cái thời anh ở vị trí Chủ nhiệm?”. Ông Kế không kể, mà đưa cho tôi “Biên bản cuộc họp Tổng kết 10 năm (1976-1986) hoạt động của Hợp tác xã tiêu thụ UBPTTH Việt Nam”, bảo tôi tự tìm hiểu lấy.

Tài liệu gốc này cho biết, ông Kế và quân của ông đã bám chặt các cửa hàng thương nghiệp, mua đủ và mua hết tiêu chuẩn trong tem phiếu và ngoài tem phiếu cho cán bộ công nhân viên cơ quan, trong đó ưu tiên các phóng viên đi công tác xa và lâu ngày; không để xảy ra hiện tượng tiêu cực (có lúc nhận quá 100kg đường cũng đem trả); phát huy nhiều sáng kiến, bỏ ra nhiều công sức làm lợi cho cơ quan tới 1.559.000 đồng thời đó (tương đương 7 tỷ đồng thời nay).

Tại “Cuộc họp tổng kết” diễn ra ngày 29/9/1986, có mặt của 14 thành viên lãnh đạo chính quyền, đoàn thể của UBPTTH Việt Nam và Sở Thương nghiệp Hà Nội, ông Chủ nhiệm UBPTTH Việt Nam - Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Lâm biểu dương: “Đồng chí Kế đã liên tục vượt khó phục vụ đời sống cán bộ công nhân viên cơ quan. Giao việc cho đồng chí tôi yên tâm”.

Ông Phó Chủ nhiệm Lê Quý cũng phát biểu: “Đồng chí Kế làm việc tôi tin tưởng. Đồng chí là tấm gương tốt cho cán bộ công nhân viên cơ quan học tập”.

Dương Quang Minh/Báo Tiếng nói Việt Nam

Phản hồi

Các tin/bài khác